Vn-Index đảo chiều, đạt 893,74 điểm

Vn-Index đảo chiều, đạt 893,74 điểm
TPO - Thị trường đảo chiều hoàn toàn so với phiên giao dịch hôm qua kéo Vn-Index tăng nhẹ 6,66 điểm, lên 893,74 điểm. Đóng cửa thị trường, Vn-Index vẫn nằm dưới ngưỡng 900 điểm.
Vn-Index đảo chiều, đạt 893,74 điểm ảnh 1
Thị trường đi lên sau nhiều phiên giảm giá liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy phấn chấn

Lượng mã xanh chiếm áp đảo (80 mã) với mức tăng chung rất nhẹ trong khi lượng mã giảm (32 mã) và đứng giá (29 mã) ở mức tương đối cân bằng khiến thị trường không có đà tiến mạnh sau khi đã tụt xuống mức thấp nhất trong phiên hôm qua kể từ 5 tháng qua. Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp từ đầu năm Vn-Index ở dưới ngưỡng 900 điểm.

Theo các nhà đầu tư, những thông tin tốt như: Chính phủ đã có ý kiến chấp thuận lùi thời hạn áp dụng thuế thu nhập đối với chứng khoán cho đến sau thời điểm Luật thuế thu nhập có hiệu lực và việc tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) công bố bản báo cáo mới nhất, chiều 7/1, về chiến lược đầu tư vào thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam với nhận định đây là cơ hội tốt để mua vào do nhiều loại cổ phiếu đã trở lại với giá trị thực, đã giúp thị trường đi lên.

Sự tăng giá trở lại của thị trường sau 4 phiên liên tiếp mất điểm tính từ đầu năm 2008 đã khiến Vn-Index mất tổng cộng 27,33 điểm so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2007.

Tăng trần 4.500 đồng lên 103.000 đồng, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là mã tăng mạnh nhất phiên hôm nay với 364.540 đơn vị chuyển nhượng và không còn dư bán khi đóng cửa thị trường. Cổ phiếu của Công ty Thủy sản Nam Việt (mã ANV) hôm nay tăng trần 4.000 đồng, lên 88.500 đồng/cổ phiếu và cũng không còn dư bán.

Một số mã có mức tăng mạnh khác là BTC (3.000 đồng), DHG (3.000 đồng), DMC (4.000 đồng), ITA (3.000 đồng), SSC (2.500 đồng), TCT (3.000 đồng), TDH (2.000 đồng)….

Một số cổ phiếu mới lên sàn cũng có mặt trong nhóm các mã tăng giá. Trong số này phải kể đến DPM của Đạm Phú Mỹ (1.000 đồng), SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (1.000 đồng), L10 của Lilama 10 (1.500 đồng), NTL của ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (2.000 đồng)….

Cùng giảm sàn ở mức 5.000 đồng và 2.500 đồng, TTP và VHC là hai mã có mức giảm mạnh nhất của phiên. Các mã khác giảm chủ yếu ở mức 500 – 1.500 đồng/cổ phiếu.

Với 722.490 cổ phiếu khớp lệnh, STB là mã dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch. Một số mã có mức giao dịch mạnh là DMP (630.360 cổ phiếu), SSI (477.290 cổ phiếu), HPG (364.540 cổ phiếu) và FPT (214.660 cổ phiếu).

Lượng giao dịch toàn sàn đạt : 6.287.410 đơn vị với giá trị tương ứng 559,8 tỷ đồng.

Cũng giống như sàn TP.HCM, khởi sắc ngay từ đầu phiên nhưng các cổ phiếu trên sàn Hà Nội không có được sự bứt phá mạnh để vượt qua mốc 300 điểm. Chung cuộc, Hastc-Index tăng 1,34 điểm (0,45%), tạm dừng ở mức 298,93 điểm.

So với 104 mã giảm giá phiên hôm qua, lượng mã đỏ hôm nay giảm 1/3 còn 33 mã với mức giảm chung không cao. Giảm mạnh nhất phiên là cổ phiếu của S99 (11.700 đồng), còn 320.000 đồng/cổ phiếu với 19.600 đơn vị chuyển nhượng.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí (mã PVE) mất điểm phiên thứ tư liên tiếp với mức giảm khá mạnh 10.200 đồng, còn 92.100 đồng. Như vậy, PVE đã mất tổng cộng 48.100 đồng so với giá khớp lệnh thành công bình quân của ngày chào sàn, 2/1. Một số mã có mức giảm mạnh khác là YSC (8.000 đồng), S64 (4.500 đồng), CTB (2.900 đồng), HLY (3.600 đồng), LUT (4.600 đồng).

Cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) hôm nay tăng 2.000 đồng, đạt 135.500 đồng/cổ phiếu và là mã có lượng khớp lệnh lớn nhất trong phiên với 179.800 đơn vị khớp.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường có sự hồi phục khá mạnh với 2.448.962 đơn vị chuyển nhượng, tương ứng với giá trị 216,3 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG