> Tuyển thủ quốc gia đi ‘đá phủi’
> Kinh tế khó khăn, U23 VN bị cắt giảm chế độ
Sau đợt tập trung cùng ĐT U23, tiền đạo Mạc Hồng Quân (trái) sẽ chính thức khoác áo Thanh Hóa và là một trong số ít cái tên đáng chú ý ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa. ảnh: VSI. |
Hôm qua là thời hạn cuối cùng để các CLB tại V.League chốt danh sách cầu thủ thi đấu trong giai đoạn hai, mùa giải 2013.
Thông tin từ Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ LĐBĐVN (VFF) cho biết, số lượng cầu thủ đăng ký mới của các CLB khá ít so với những năm trước. Nhiều CLB gần như không có thay đổi nào, giữ nguyên danh sách đăng ký trong giai đoạn một.
Ở cùng và trước thời điểm này các mùa giải trước, V.League thường xuyên được nghe tới các hợp đồng “khủng”, với giá trị hàng tỷ đồng.
“Kinh tế khó khăn nên đương nhiên các CLB thời điểm hiện tại khó có thể đầu tư mạnh về lực lượng như trước kia, trừ các CLB đang thật sự cần bổ sung cầu thủ để chống rớt hạng”-một lãnh đạo VFF nhận xét.
Thông tin từ VFF cũng hợp với diễn biến trên thị trường chuyển nhượng. Qua tìm hiểu, rất nhiều đội bóng không mua sắm, hoặc chỉ đầu tư rất ít vào việc tăng cường lực lượng, chấp nhận giữ nguyên quân số trong giai đoạn một. SLNA là một điển hình trong số các CLB ở miền Bắc.
Theo dự báo, tình hình ảm đạm trên thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài qua mùa giải sau, gắn liền với sự khó khăn về tài chính của các CLB. |
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 30/5, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết: “SLNA chỉ có một điều chỉnh nhỏ về quân số, nhưng là tăng cường cầu thủ từ tuyến trẻ lên. Tình hình tài chính của CLB hiện nay không dư dả, hay nói thật là rất khó khăn. Ngân sách của CLB năm nay chỉ có từng đó, nên chi tiêu thế nào cũng không thể vượt qua định mức”.
Nhiều đội bóng khác, dù không “thật thà” như SLNA khi xác nhận gặp khó khăn về tài chính, nhưng đều đứng ngoài hoạt động chuyển nhượng, không có sự tăng cường nào về lực lượng trong giai đoạn 2.
Hà Nội T&T, Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội cho biết, quân số trong giai đoạn 2 được giữ nguyên so với giai đoạn 1. “Tình hình lực lượng của Hà Nội T&T hiện nay cơ bản ổn. Chúng tôi có quân số đều cả ba tuyến. Đội cũng đang thi đấu tốt, không gặp vấn đề gì khó khăn nên cũng không cần thiết phải thêm cầu thủ mới”-ông Hội cho biết.
Xi măng Vicem Hải Phòng, The Vissai Ninh Bình theo tìm hiểu cũng không có nhiều biến động về lực lượng. Đây vốn là hai “trung tâm” chuyển nhượng cầu thủ trong những năm trước, với số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi mùa giải.
The Vissai Ninh Bình vừa qua thậm chí phải chấp nhận để tiền vệ Mai Tiến Thành trở lại Thanh Hóa. Trong số các CLB miền Bắc, đáng ngạc nhiên khi Thanh Hóa lại là đội bóng có hoạt động mua sắm cầu thủ tấp nập nhất.
Sau khi đưa HLV Mai Đức Chung về thay HLV Triệu Quang Hà, bầu Đệ cũng mở rộng các khoản chi vào thị trường chuyển nhượng. Ngoài Mai Tiến Thành, Thanh Hóa còn có thêm các cầu thủ mới như Mạc Hồng Quân (miễn phí), Khánh Lâm, Xuân Tú. Về ngoại binh, cùng việc giữ lại tiền đạo Abbas và tiền vệ Nastja Ceh, Thanh Hóa còn bổ sung thêm chân sút từng chơi ở giải Slovenia, Oboya.
Các đội bóng phía Nam, ngoài K.Kiên Giang và ĐT.LA tăng cường thêm cầu thủ để phục vụ cuộc đua trụ hạng, các đội bóng khác như B.Bình Dương, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn cũng gần như đứng ngoài hoạt động chuyển nhượng. CLB Hoàng Anh Gia Lai, theo GĐĐH Huỳnh Mau, cũng không có bất kỳ sự bổ sung cầu thủ nào cho giai đoạn 2.