V.League và bài toán khán giả: Đi tìm thượng đế

V.League và bài toán khán giả: Đi tìm thượng đế
Không hề ngẫu nhiên khi chuyên gia bóng đá Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe phát biểu nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ông là tìm ra những giải pháp nhằm đưa khán giả quay trở lại với V.League. Với bất kỳ nền bóng đá nào, ở bất cứ nơi đâu, thì những biển người trên khán đài chính là minh chứng sinh động nhất cho sức sống của nền bóng đá ấy.

V.League và bài toán khán giả: Đi tìm thượng đế

> Công Vinh đi vào lịch sử V-League
> Vòng 2 V-League: Hat-trick đầu tiên
> Vòng 1 V-League 2013: Công Vinh thắng, Văn Quyến thua

Không hề ngẫu nhiên khi chuyên gia bóng đá Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe phát biểu nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ông là tìm ra những giải pháp nhằm đưa khán giả quay trở lại với V.League. Với bất kỳ nền bóng đá nào, ở bất cứ nơi đâu, thì những biển người trên khán đài chính là minh chứng sinh động nhất cho sức sống của nền bóng đá ấy.

Không khí ngày hội bóng đá trên sân Hàng Đẫy ở trận HN. T&T tiếp HAGL
Không khí ngày hội bóng đá trên sân Hàng Đẫy ở trận HN. T&T tiếp HAGL.

Vì sao thượng đế bỏ chạy?

Với bóng đá Việt Nam ở thời điểm này, việc đưa khán giả đến sân nhiều hơn còn là cách thức thiết thực nhất để bóng đá có thể từng bước thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào các ông bầu và tự đứng vững trên đôi chân của chính nó.

Những con số thống kê đã chỉ rõ một thực tế là lượng khán giả trung bình đến sân để theo dõi V.League đã giảm đi đáng kể trong vòng 4 năm qua, kể từ mùa giải 2009 mà nhờ có hiệu ứng từ chức vô địch ĐNÁ của ĐTVN, nó đạt đến mức kỷ lục 10.326 người/trận.

Trong số vô vàn lý do khiến “thượng đế” quay lưng với bóng đá nội, vẫn phải bắt đầu từ nguyên nhân cơ bản nhất là chất lượng của giải VĐQG của chúng ta, dù mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khán giả.

Xét ở khía cạnh này, V.League rõ ràng là đang thất thế với đối thủ cạnh tranh là những giải đấu hàng đầu châu Âu và thế giới, những ngôi sao sân cỏ cùng những màn trình diễn siêu việt mà chỉ cần nhấn nút điều khiển tivi, NHM được phục vụ đến tận phòng ngủ trong những ngày cuối tuần.

Nhưng chất lượng của giải đấu không phải chỉ là vấn đề duy nhất mà V.League phải đối mặt. Tính trung thực của nó trong nhiều thời điểm bị nghi ngờ.

Có thể kể ra vài ví dụ tiêu biểu như năm 2008, TT Nguyễn Xuân Hòa từng gây nên cú sốc với vụ “bẻ còi” trên sân Chi Lăng khi ban đầu công nhận nhưng sau đó lại không công nhận bàn thắng hợp lệ của Đồng Tâm Long An trước sức ép của khán giả SHB Đà Nẵng.

V.League và bài toán khán giả: Đi tìm thượng đế ảnh 2

Năm 2011, Vicem Hải Phòng đã lập hẳn “Ban chống xuống hạng” giúp đội bóng tiếp tục trụ lại V.League bằng những trận đấu đầy tai tiếng. Hoặc gần nhất là vòng đấu cuối cùng của V.League 2012, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng dường như đã chơi trò “2 đánh 1” để gạt chiếc Cúp ra khỏi tầm tay của Xuân Thành Sài Gòn...

Trong khi đó, bạo lực sân cỏ cùng những hành vi không đẹp tiếp tục gia tăng. Ngay tại vòng đấu đầu tiên của V.League 2013 vừa diễn ra đã có 3 chiếc thẻ đỏ trực tiếp sau những tình huống vào bóng rợn người. Đó còn là hình ảnh phản ứng hết sức phản cảm của BLĐ và BHL Hoàng Anh Gia Lai khi bại trận trước Hà Nội T&T trên sân Hàng Đẫy.

“Bóng đá là sân khấu 4 mặt” và NHM đương nhiên không bị quáng gà để bỏ tiền ra mua những sản phẩm không những có chất lượng thấp mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị lừa dối, bị gây ức chế bằng thứ “bóng đá cuội” hoặc những hành vi phản cảm trên sân cỏ.

V.League và bài toán khán giả: Đi tìm thượng đế ảnh 3

Thay đổi cách tiếp cận

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả! Qua các năm tháng khác nhau, các nhà tổ chức V.League còn chưa giải được bài toán biến SVĐ thành một địa điểm giải trí đúng nghĩa để thu hút khán giả tới sân.

CLB Xuân Thành Sài Sòn năm vừa rồi chịu nhiều chỉ trích bởi những lùm xùm cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Nhưng có một thực tế khó phủ nhận là ở một vài thời điểm, họ đã làm cho bầu không khí bóng đá vốn khá nguội lạnh trên sân Thống Nhất được hâm nóng.

Bằng cách tổ chức thi đấu lồng ghép với những hoạt động giải trí sôi động, như việc mời các ngôi sao ca nhạc đến biểu diễn trong giờ nghỉ, tổ chức đội ngũ hoạt náo viên hay quan tâm đến CĐV bằng những ly bia miễn phí đóng trong cốc nhựa, XT.SG đã thu hút được kha khá khán giả đến sân.

Thật ra, đấy là một cách làm không mới. Một CLB thể thao khác cũng nằm trên địa bàn TP.HCM là đội bóng rổ Sài Gòn Heat tuy mới chỉ thành lập được vỏn vẹn 1 năm, thành tích thi đấu thua nhiều hơn thắng, nhưng lúc nào nhà thi đấu Tân Bình cũng chật cứng khán giả.

Kết quả này xuất phát từ một cách tiếp cận và tổ chức thi đấu không khác lắm so với mô hình của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Lý do khiến khán giả chấp nhận móc ví từ 80.000 đến 500.000 đồng (trong khi giá vé bóng đá rẻ nhất chừng 50.000 đồng) nằm ở việc họ đến sân không hẳn chỉ là để theo dõi kết quả thắng thua mà quan trọng hơn, họ được hòa mình trong bầu không khí sôi động, phấn khích để tìm thấy cảm giác thư giãn, giải tỏa cũng như tận hưởng cảm giác được phục vụ.

V.League và bài toán khán giả: Đi tìm thượng đế ảnh 4

Thực tế đó đặt ra một vấn đề rất đáng suy ngẫm xoay quanh việc làm thế nào để các trận đấu bóng đá Việt Nam tới đây thoát ra khỏi hình ảnh cũ kỹ và đang dần trở nên nhàm chán để khoác lên mình dáng vẻ đầy cuốn hút mà không khó lắm để thấy trên tivi những tối cuối tuần ở các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu về khâu tổ chức cũng như PR hình ảnh.

Tất nhiên, những hoạt động giải trí bên lề suy cho cùng chỉ là gia giảm làm cho món chính trở nên hấp dẫn hơn chứ không thể thay thế cho yếu tố cơ bản nhất là một trận đấu hay, trung thực và cống hiến.

Mô hình tổ chức thi đấu mới lạ của XT.SG mùa trước trong tức thời đã giúp họ lấp đầy sân Thống Nhất, nhưng những trận đấu tai tiếng của đội bóng, giờ khiến họ quay lại vạch xuất phát trong nỗ lực lấy lại lòng tin của NHM.

Hy vọng là quá trình “đi tìm thượng đế” của bóng đá VN sẽ khởi đầu thành công bằng việc V.League 2013 trước hết sẽ không còn hoặc ít đi những trận đấu có mùi!

Vô địch về tiền bán vé

Ở 2 mùa giải thi đấu thăng hoa gần nhất là V.League 2009 và V.League 2010, Hải Phòng là CLB kiếm được nhiều tiền bán vé nhất xuất phát từ sự cuồng nhiệt của NHM luôn phủ kín sân Lạch Tray có sức chứa hơn 20.000 chỗ ngồi mỗi khi đội bóng đất Cảng thi đấu trên sân nhà.

Tính trung bình theo mệnh giá 50.000 đồng, mỗi trận họ thu về khoảng 1 tỷ đồng tiền vé. Đây là một con số khổng lồ nếu đối chiếu với khoản thu chừng 100 triệu đồng từ tiền vé mà Hà Nội T&T có được sau mỗi trận trên sân Hàng Đẫy.

Chuyên nghiệp từ cái toilet

Kết quả khảo sát của AFC năm 2012 chỉ ra một thực tế đáng buồn là duy nhất CLB Becamex Bình Dương đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng tổ chức thi đấu.

Một nghịch lý có lẽ chỉ tồn tại ở bóng đá Việt Nam khi trong sân là những ngôi sao tiền tỷ thi đấu, khán giả đến sân thậm chí không có cả chỗ để “giải quyết nỗi buồn” như sân Ninh Bình, hoặc toilet xuống cấp nghiêm trọng khiến người ta ngại bước chân vào như hầu hết sân bóng khác. Sân Lạch Tray trước đây trong một thời gian khá dài, nhà vệ sinh bị tắc nên ngập và giải pháp là kê vài viên gạch để “thượng đế” có lối đi.

Hình ảnh quen thuộc tại các SVĐ sau mỗi trận đấu là hằng hà sa số những mảnh báo, giấy đủ loại bị bỏ lại sau khi khán giả dùng làm nơi để hạ bàn tọa của mình hoặc lau qua những chiếc ghế nham nhở, bụi bặm.

Nên đã có ý kiến cho rằng, trước khi bàn đến những vấn đề to tát, bóng đá Việt Nam cần chuyên nghiệp bắt đầu từ... cái toilet.

Theo Vũ Minh
Bóng đá +

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.