Trước lo lắng của cử tri xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô và nhân dân trong tỉnh về tình trạng “được mùa mất giá”, nhất là tình trạng giá thịt lợn hơi xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND tỉnh khẳng định, để hạn chế tình trạng này, người chăn nuôi cần thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường kịp thời để lập kế hoạch sản xuất, không sản xuất theo phong trào.
Quá trình sản xuất cần thận trọng, tính toán kỹ nhất là khâu chọn giống và bám sát vào định hướng quy hoạch của tỉnh. Sản xuất chăn nuôi cần đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, theo các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí xây dựng đề án chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.
Cử tri xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch đề nghị tỉnh chỉ đạo làm tuyến mương thoát nước, rãnh bảo vệ đường của dự án đường 24m từ Cầu Bì La đi thị trấn Lập Thạch, UBND tỉnh giao Sở GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục thiết kế bản vẽ thi công - dự toán thuộc phạm vị dự án như hố tiêu năng, mương dẫn nước, rãnh thoát nước, đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời, tránh xói lở ảnh hưởng đến canh tác, sản xuất của người dân địa phương. Báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh trong quý I/2018.
Đồng thời, giao UBND huyện Lập Thạch chỉ đạo UBND xã Xuân Lôi, các đơn vị liên quan khơi thông, cải tạo các đoạn mương dẫn nước cũ của địa phương nối tiếp với hạ lưu các cống thoát nước của Dự án Đường từ cầu Bì La đến trung tâm thị trấn Lập Thạch để đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực được tốt, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Yên Lạc về tình trạng nước thải sinh hoạt tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường trên đường tỉnh lộ 305A, đoạn đi qua địa phận thôn Đại Nội và thông Cung Thượng, xã Bình Định, UBND tỉnh cho biết: Việc đầu tư hệ thống rãnh thoát nước ĐT.305 đoạn từ Km 7 - Km 9+500 qua thôn Đại Nội, thôn Cung Thượng, xã Bình Định đã được Sở GTVT đưa vào kế hoạch sửa chữa định kỳ công trình đường bộ năm 2017 từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 588.
Hiện nay, Sở GTVT đã hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công công trình, dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trong quý IV năm 2017.
Đối với đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn của cử tri huyện sông Lô, UBND tỉnh cho biết: Hằng năm, tỉnh đã phân bổ, cấp kinh phí chi sự nghiệp môi trường cho các xã trên địa bàn tỉnh. Năm 2017 phân bổ theo Nghị quyết 54 của HĐND: Xã loại 1 là 380 triệu đồng/xã/năm; xã loại 2: 360 triệu đồng/xã/năm và xã loại 3: 340 triệu đồng/năm để phục vụ hoạt động công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí cho các xã có lò đốt rác sinh hoạt quy mô nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn cơ sở; chi phí thu gom, vớt và xử lý xác gia súc, rác trên các sông, kênh mương thủy lợi; chi phí quản lý vận hành các song chắn rác trên các kênh thủy lợi đã được lắp đặt.
Ngoài định mức dự toán chi thường xuyên do ngân sách tỉnh bố trí, nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn còn được huy động từ các nguồn khác như phí vệ sinh môi trường (thu từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân), phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (đối với địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản), các khoản hỗ trợ, huy động hợp pháp khác.
Với hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nước thải ở khu vực nông thôn, đề nghị các địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp để chi phí cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đúng mục đích và có hiệu quả.
Giải quyết tình trạng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu so với chỉ tiêu được giao theo kiến nghị của cử tri huyện Tam Dương, UBND tỉnh cho biết, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản về việc chi trả kinh phí dạy thêm giờ đối với giáo viên năm học 2017-2018, gửi UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn chi trả lương hợp đồng cho những đơn vị còn thiếu giáo viên.
Về nội dung cử tri đề nghị “giao biên chế bổ sung đối với giáo viên cấp tiểu học, mầm non và tiếp tục cho tổ chức thi tuyển giáo viên vào thời điểm thích hợp”, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tổng hợp nhu cầu của các huyện, thị, thành, tham mưu UBND, HĐND tỉnh giao thêm biên chế cấp mầm non, tiểu học và đề xuất kế hoạch tổ chức thi tuyển giáo viên.
Về kiến nghị cử tri xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đề nghị tỉnh xem xét chi trả chế độ cho người cao tuổi, người tàn tật hằng tháng tại nhà văn hóa thôn thay cho việc nhận trợ cấp hằng tháng tại điểm bưu điện - văn hóa xã, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TB&XH trao đổi, thống nhất với Bưu điện tỉnh trong thời gian tới sẽ tổ chức lại các điểm chi trả cho phù hợp và thuận lợi nhất.
Trường hợp người cao tuổi hoặc người khuyết tật không thể đến nhận trợ cấp hằng tháng vì lý do sức khỏe, khả năng di chuyển hoặc không có người được ủy quyền nhận thay thì cán bộ chi trả có trách nhiệm chi trả tận nhà cho đối tượng.