Công tác quản trị ngân hàng ngày càng gay gắt
Giải thưởng “Ngân hàng được quản trị tốt nhất” được tạp chí The Asian Banker chỉ trao giải ba năm một lần để đánh giá sự quản trị tốt nhất của một ngân hàng trong một quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việc nhận được giải thưởng uy tín này từ The Asian Banker là một vinh dự lớn đối với bất cứ ngân hàng nào vì tiêu chí đánh giá được xem xét là hết sức gắt gao.
Năm nay, Hội đồng chấm giải của The Asian Banker đã tiến hành đánh giá hơn 100 định chế tài chính, ngân hàng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) là tổ chức đã vượt qua các ngân hàng trong nước cũng như khu vực châu Á vừa được vinh dự nhận Giải thưởng “Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2013”.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, trong tình hình hoạt động tài chính ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, công tác quản trị ngân hàng ngày càng đòi hỏi với những yêu cầu gắt gao hơn. Do đó, giải thưởng dành cho Eximbank là sự công nhận những kết quả hoạt động hiệu quả và sự phát triển bền vững trong 3 năm trở lại đây của ngân hàng.
Đặc biệt trong 3 năm gần đây, Eximbank đã có những bước phát triển vượt bậc, từ nguồn vốn chủ sở hữu của năm 2010 là 13.353tỷ đồng đến 30/04/2013 đã tăng lên được 15.073 tỷ đồng; tổng tài sản năm 2010 là 65.448 tỷ đồng, đến 30/04/2013 đạt được 156.976 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010.
Sự phát triển của Eximbank trong thời gian qua còn được ghi nhận bởi các tổ chức, tạp chí có tuy tín trong và ngoài nước qua các giải thưởng như “1000 ngân hàng hàng đầu thế giới năm 2012” do tạp chí The Banker bình chọn, Giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam năm 2012” do Tạp chí AsianMoney bình chọn…
Vai trò của người lãnh đạo
Cũng ba năm đánh giá một lần, Tạp chí The Asian Banker còn vinh dự trao tặng cho người điều hành Eximbank là ông Trương Văn Phước với giải thưởng “Thành tựu lãnh đạo năm 2013 (The Asian Banker Leadership Archievement Awards 2013)”. Đây là giải thưởng uy tín nhất của The Asian Banker gắn liền với vai trò, tầm nhìn chiến lược phát triển của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc các ngân hàng.
Đại diện Tạp chí Asian Banker đánh giá, dưới sự lãnh đạo của ông Phước, Eximbank đã củng cố được các vị thế về vốn của mình. Ông đã áp dụng một số sáng kiến táo bạo để giúp ngân hàng vượt qua những trở ngại về mặt tài chính hiện tại, hạn chế các hoạt động cho vay; ông tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển con người và cải thiện hệ thống giao dịch; đồng thời thực hiện tăng vốn của ngân hàng để tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao các tỷ lệ tài chính, và đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Được biết, ông Phước là Tổng Giám Đốc của Eximbank từ năm 2000 - 2003 và ông được tái bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc vào tháng 4/2008.
Trong tương lai, Eximbank đang nghiên cứu phương án sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác để tăng quy mô. Nhiều người lo ngại, nếu quá trình sáp nhập diễn ra thì bài toán về quản trị ngân hàng sẽ gặp không ít thử thách. Tuy nhiên sự kiện được tôn vình lần này từ tổ chức uy tín nước ngoài dành cho Eximbank và người lãnh đạo có thể xua tan phần nào sự nghi ngờ đó.
Ông Lê Hùng Dũng đón nhận Huân chương Lao động hạng ba Cùng ngày 22/5, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Eximbank đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước về thành tích đóng góp cho xã hội từ năm 2008 đến nay. Trong bối cảnh “nóng bỏng” của thị trường vàng những năm vừa qua, ông Dũng đã lãnh đạo SJC bằng các biện pháp kinh doanh và tiếp thị để giữ vững và không ngừng nâng cao uy tín thương hiệu, đồng thời đưa ra các chương trình đầu tư tạo tiềm lực tài chính, cơ sở vật chất và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, Công ty SJC đã chiếm trên 90% thị phần vàng trên cả nước và được Ngân hàng nhà nước chọn làm thương hiệu vàng duy nhất sản xuất trong nước. Ông Dũng chia sẻ, là người nắm giữ các vị trí quan trọng trong các lĩnh vực được xem là tâm điểm hiện nay là thị trường vàng và tiền tệ, đối với ông áp lực đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, trong mọi hoạt động phương châm của ông là đặt lợi ích chung làm trọng và phải công khai minh bạch. |