Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình.
Số lượng các DN đạt thương hiệu quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, cụ thể: năm 2008: 30 DN; năm 2010: 43 DN; năm 2012: 54 DN; năm 2014: 63 DN; năm 2016: 88 DN. Tại kỳ lựa chọn lần thứ 6 năm 2018, sau khi qua các bước sàng lọc, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng THQG, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng THQG đã ban hành Quyết định số 4669/QĐ-BCT ngày 18/12/2018 công nhận 97 DN có sản phẩm đạt THQG năm 2018, trong đó có: 20 DN đã 6 lần đạt THQG và 24 DN đạt lần đầu.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế so với thực tiễn, Chương trình đã có những phát triển theo năm tháng, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền quảng bá cho Chương trình THQG và các doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm Việt Nam được triển khai đa dạng, có định hướng rõ ràng, góp phần đưa hình ảnh THQG, thương hiệu sản phẩm Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Thứ hai, Chương trình THQG đã góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu cho doanh nghiệp; phối hợp, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu ngành.
Thứ ba, việc lựa chọn doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt THQG được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy chế của Chương trình, đảm bảo tính công khai, minh bạch…
Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù số lượng 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 còn khiêm tốn trong tổng số trên 700 nghìn doanh nghiệp trên cả nước, nhưng xét về mức độ tăng dần về số lượng các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia qua từng kỳ, có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Điểm nhấn là phần lớn các doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Có những doanh nghiệp giữ mức tăng trưởng gần 70%
Phát biểu tại Lễ công bố "Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2018", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ tin tưởng, kỳ vọng ở các "Thương hiệu quốc gia" trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu, sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các doanh nghiệp của chúng ta có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2018. Theo Phó Thủ tướng, những kết quả mà cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia đã đạt được trong thời gian qua là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới đây và là hạt nhân để thúc đẩy các doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị và mong muốn rằng, các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Thương hiệu quốc gia" sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình là: “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”, xứng đáng với thương hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đã trao cho; đồng thời, xứng đáng với niềm tin tưởng, yêu mến của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam.
“Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, năm 2019 và những năm tới đây bên cạnh thời cơ và vận hội do tình hình thế giới và trong nước đem lại thì khó khăn, thách thức còn nhiều. Chính phủ luôn khẳng định vai trò chủ lực và tiên phong của doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển đất nước.
Để phát huy tối đa vai trò, vị thế của các doanh nghiệp dẫn đầu với những Thương hiệu quốc gia, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng cần bám sát nhu cầu của thị trường trong từng giai đoạn để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xây dựng, kiến tạo thương hiệu, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; tích cực phối hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách và nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng, tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.