Vĩnh biệt họa sĩ Vĩnh Phối

TP - Họa sĩ-PGS-NGƯT Vĩnh Phối đã ra đi ở tuổi 80, tại nhà riêng, số 12 đường Bạch Đằng, TP Huế.
Họa sĩ Vĩnh Phối ra đi lúc 9h sáng 17/7 tại nhà riêng bên bờ sông Đông Ba - TP Huế, hưởng thọ 80 tuổi. Ảnh: Thanh Tùng (2015).

Họa sĩ Vĩnh Phối tốt nghiệp khoa Hội họa và khoa Sư phạm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Từ 1960 đến 1966, ông tiếp tục tu nghiệp hội họa và điêu khắc ở Italia. Về nước ông được bổ nhiệm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 - 1975). Trước khi nghỉ hưu là Phó hiệu trưởng  trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Vĩnh Phối là người có những đóng góp rất lớn trong đào tạo mỹ thuật, người thầy của nhiều thế hệ họa sĩ. Bên cạnh sự nghiệp giáo dục-đào tạo ông là một nghệ sĩ sáng tác bền bỉ và kiên trì với dòng tranh trừu tượng.

Khi còn đương chức, cho đến những năm gần đây, họa sĩ Vĩnh Phối vẫn tham gia nhiều hoạt động văn hóa và chính trị xã hội. Nhiều năm ông là thành viên của UBMTTQVN thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế .

Thời gian học mỹ thuật ở Italia dài hơn ở Việt Nam, các trào lưu nghệ thuật châu Âu đã ảnh hưởng khá nhiều đến sáng tác, nhưng điểm đến cuối cùng của Vĩnh Phối vẫn là  văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có sự hòa hợp giữa Á đông và Âu tây. Sự hòa hợp này được thể hiện khá rõ qua các tác phẩm Chiến sĩ Đông Sơn, Hùng Vương, Ngựa đá lăng Gia Long, Ngọ Môn Huế, Dòng Hương giang, Lễ hội hoa đăng.v.v…

Với hội họa và điêu khắc tôi là dân “ngoại đạo”. Tôi gần gũi ông nhờ làm báo, và có mối quan hệ thân tộc bên họ ngoại, một thời gian dài là hàng xóm của nhau. Từ ngày nghỉ hưu ông và tôi là hội viên hội cà phê “Hoàng gia”, nhóm họp mỗi buổi sáng ở phố đi bộ, bên bờ sông Hương.

Sự kiện văn hóa - nghệ thuật cuối cùng mà ông tham dự là lễ dựng tượng Nhà văn hóa Phạm Quỳnh tại khu mộ của chủ nhân ở trước cổng chùa Vạn Phước.

Ngọ Môn - tranh của Họa sĩ Vĩnh Phối (Thanh Tùng chụp lại).

Lễ dựng tượng do Hội đồng họ Phạm Việt Nam và gia đình cụ Thượng Chi tổ chức. Tôi được Hội đồng dòng họ và gia đình cụ Thượng ủy nhiệm làm Trưởng ban tổ chức. Tôi trực tiếp đến mời và đích thân đón họa sĩ Vĩnh Phối lên chùa dự lễ với hai tư cách, đều rất đáng nể trọng.

1. Năm 1973 giới nghệ sĩ, trí thức yêu nước ở Huế đã thành lập Ủy ban dựng tượng danh nhân, nhằm cổ vũ tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào đấu tranh vì hòa bình, họa sĩ Vĩnh Phối được tôn vinh làm Chủ tịch. Tác phẩm đầu tiên là tượng nhà yêu nước Phan Bội Châu, được tạo hình ngay trong khuôn viên Trường CĐMT Huế. Sau ba chìm bảy nổi, pho tượng đồng đồ sộ này đã được dựng ở công viên bên bờ sông Hương, ngay đầu cầu Trường Tiền (bờ nam).

2. Họa sĩ Vĩnh Phối là người giữ từ đường Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, người sáng lập chùa Vạn Phước, hồi đầu thế kỷ 20. Chùa Vạn Phước có nhiều gắn bó và lưu giữ nhiều kỷ vật của ba cụ Thượng thư triều Nguyễn là cụ Nguyễn Đình Hòe, cụ Phạm Liệu, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh. Thật là lý thú, nhờ lương duyên của cụ Thượng Chi, hôm tổ chức lễ khánh thành - dựng tượng cụ Thượng Chi có sự hiện diện của người đang coi sóc Từ đường cụ Nguyễn Đình Hoè và cháu cụ Phạm Liệu đến từ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hai năm nay, do sức khỏe đã có vấn đề, nhưng lâu lâu, mỗi khi nhớ hội cà phê sáng ông lại bát phố sang bờ nam. Tôi thường làm tài xế đưa ông lại nhà ở bên bờ bắc. Bức ảnh tôi chụp ông với hội “Hoàng gia” lần cuối cùng vào sáng ngày 7/7/2017. Người đưa bức ảnh chụp ông và bạn bè hôm ấy lên fb là nhà giáo Lê Minh Diệu.

Mới đó mà hôm nay ông đã giã từ thân nhân, bè bạn lên núi làm bạn láng giềng với các lão họa sư, điêu khắc gia Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị!