Hộ kinh doanh nên khởi kiện ra tòa
Những ngày gần đây, nhiều người tiêu dùng (NTD) phản ánh việc bị Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD địa phương thờ ơ khi họ báo cáo sản phẩm của Cty Tân Hiệp Phát có dị vật. Ý kiến của ông thế nào?
Với trường hợp của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD thành phố Đà Nẵng, tôi sẽ kiểm tra lại thông tin thật đầy đủ. Nếu xử lý như thế là sai, không cho phép. Trường hợp Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Khánh Hòa làm vậy là đúng quy định pháp luật. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, NTD được định nghĩa là tổ chức, cá nhân mua và sử dụng hàng hóa cho mục đích cá nhân hoặc tổ chức của mình. Trong khi ở Khánh Hòa, cá nhân phát hiện là hộ kinh doanh, nằm ngoài phạm vi mà Hội có chức năng bảo vệ. Hộ kinh doanh mua phải 6 chai nước có dị vật có thể qua tòa án dân sự để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Có thực tế, tất cả vụ việc liên quan đến tranh chấp quyền lợi giữa NTD và cá nhân kinh doanh khi đưa ra tòa đều theo Luật Tố tụng dân sự nên rất phức tạp. Vì vậy, NTD hầu như chưa khiếu nại đến tòa án, trừ những vụ việc có thiệt hại quá lớn, quá thẩm quyền của các tổ chức hòa giải.
Với vụ việc thiệt hại không quá lớn, có thể dùng phương thức thương lượng. NTD kiến nghị trở lại với Tân Hiệp Phát, thương lượng về cách đền bù. Đây là một trong bốn phương thức (thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, tòa án) được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Chúng tôi từng giải quyết nhiều vụ việc bằng cách thương lượng, doanh nghiệp bồi thường hợp lý cho NTD tương ứng mức bị thiệt hại.
Lấy độc trị độc
Ông nghĩ gì về cách Tân Hiệp Phát xử lý việc sản phẩm của hãng liên tiếp bị phản ánh chất lượng có vấn đề?
Ở góc độ bảo vệ NTD, tôi thấy cách xử lý báo cơ quan chức năng của Tân Hiệp Phát là phản tác dụng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp có nhiều cách lựa chọn. Tôi cảm nhận cách ứng xử của Tân Hiệp Phát giống như gài bẫy NTD.
Trước đây, từng xảy ra vụ Cty Tân Hiệp Phát thỏa thuận bồi thường 50 triệu đồng cho NTD để giữ im lặng về việc phát hiện dị vật. Nhưng sau đó, Cty Tân Hiệp Phát báo cơ quan chức năng vào cuộc. Rất may, khi ra tòa, NTD có biên bản thỏa thuận của 2 bên làm bằng chứng. Đây là thỏa thuận dân sự, doanh nghiệp đã chấp nhận rồi thì không có lý gì lại đưa NTD vào vòng lao lý.
Trên thế giới và Việt Nam đều quy định quyền thỏa thuận của NTD. Khi đã đồng ý với thỏa thuận, đây là cơ sở để thực hiện không phải nhờ pháp luật can thiệp. Nhưng luật pháp cũng quy định, trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi nhà nước, cộng đồng, thì phải lên tiếng, vì nếu cứ mua quyền im lặng thì cá nhân đó được lợi nhưng cả cộng đồng chịu thiệt. Chúng tôi xử lý nhiều khiếu nại của NTD liên quan đến chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát, nhưng rất tiếc sự hợp tác của Cty này không cao.
Nếu doanh nghiệp đã vi phạm, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nước uống hàng đầu Việt Nam, số lượng NTD bị ảnh hưởng nếu sản phẩm kém chất lượng là rất lớn. Trường hợp này cần phát hiện, ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi NTD nói chung, chứ không phải chỉ một số cá nhân phản ánh với báo chí.
Ông nghĩ sao về quyền tẩy chay sản phẩm kém chất lượng?
Người dân có quyền tẩy chay sản phẩm kém chất lượng. Vận dụng vào Luật Bảo vệ NTD, trong 8 quyền của NTD có quyền rất quan trọng là lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh và hàng hóa sử dụng. Tôi không chọn tổ chức, doanh nghiệp, mặt hàng này thì có mặt hàng khác. Nhiều người không dùng tức là thực hiện quyền tẩy chay.
Ở các nước, tẩy chay là phương thức lấy độc trị độc. Sản phẩm bị tẩy chay, doanh nghiệp phải đối mặt nguy cơ phá sản. Đứng về mặt cá thể, NTD luôn ở thế yếu, vì không thể hiểu hàng hóa bằng tổ chức kinh doanh về nguồn gốc, xuất xứ. Gần đây, nhiều NTD đã ý thức được điều này, thể hiện cụ thể nhất qua việc tập đoàn bột ngọt Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, làm chết cá lồng của bà con nông dân.
Cảm ơn ông.