Trung tâm phân phối hàng lớn nhất nước
Hội nhập là xu thế tất yếu đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, Vinalines xác định những cơ hội và thách thức; trước hết là những nội dung liên quan đến hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean, Hiệp định Ðối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác sắp có hiệu lực.
Với vị thế là doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong hoạt động kinh tế biển, chiến lược phát triển của Vinalines trong giai đoạn 2015 - 2020 là trở thành tập đoàn kinh tế hàng hải hàng đầu Việt Nam và khu vực. Bên cạnh kế hoạch phát triển cảng biển, đội tàu, vận tải biển và logistics được Vinalines xác định là lĩnh vực then chốt.
Tham gia hội nhập đòi hỏi tính chuyên nghiệp, hiện đại trong dịch vụ logistics. Ðể đón đầu cơ hội, Vinalines đã chủ trương phát triển cảng nước sâu đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng logistics với hệ thống kho bãi, trung tâm logistics hiện đại trên toàn quốc để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Mục tiêu đến năm 2020, Vinalines sẽ xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng logistics bao gồm hệ thống cảng biển và các trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất Việt Nam, kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt trong cả nước. “Vinalines đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong giao nhận - kho vận nhằm đưa doanh thu của nhóm dịch vụ này chiếm từ 20% - 25% trong tổng doanh thu của tổng công ty” - đại diện Vinalines cho biết.
Logistics - phép thử của quyết tâm cải tổ
Song song việc phát triển cơ sở hạ tầng và đội tàu (nhiệm vụ lâu nay), công tác phát triển nguồn hàng, thu hút nguồn hàng hoá từ các nước lân cận qua các cảng biển và trung tâm phân phối là yếu tố quyết định thành công của dịch vụ logistics, cũng là phép thử quan trọng cho những nỗ lực tái cơ cấu của Vinalines.
Phía Bắc, Vinalines chú trọng “2 tuyến hành lang, 1 vành đai” giữa Việt Nam - Trung Quốc nhằm thu hút các nguồn hàng ở phía Nam, Tây Nam Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn bằng đường bộ, đường sắt về khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ở miền Trung, tổng công ty sẽ phát huy thế mạnh của cảng Ðà Nẵng, Nghệ Tĩnh nhằm thu hút hàng hóa dọc tuyến hành lang kinh tế Ðông - Tây, đặc biệt là khu vực Trung Lào và Ðông Bắc Thái Lan.
Với khu vực phía Nam (gồm TPHCM, Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nam Bộ), Vinalines tổ chức logistics kết nối cả 3 vùng Bắc - Trung - Nam, nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ hoàn hảo, liên kết các khu kinh tế, khu công nghiệp, các thương cảng để nâng cao năng suất, năng lực và giảm chi phí vận tải hàng hóa.
Việc hợp tác, liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài được Vinalines xác định là con đường nhanh nhất để tham gia thị trường logistics quốc tế. Một số doanh nghiệp của Vinalines đã được chuyển giao công nghệ khai thác cảng, công nghệ quản lý hệ thống logistics tiên tiến, hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ lao động và học hỏi được năng lực quản lý, khai thác cảng của các công ty uy tín trên thế giới như PSA (Singapore), SSA (Mỹ), APMT (Ðan Mạch)...
2015 là năm cuối cùng Vinalines thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015. Những kết quả tái cơ cấu đạt được đã góp phần giúp Vinalines vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển. Hiện, Vinalines đang trong quá trình cổ phần hóa, thay đổi phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. “Ðể tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường hàng hải quốc tế, Vinalines xác định phát triển logistics sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển tổng thể” - đại diện Vinalines cho hay.
Cập nhật của VietCapital đến cuối năm 2015 cho thấy, ngành logistics Việt Nam có tổng trị giá 50-60 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm; dự báo duy trì tăng trưởng hai con số trong 5 - 10 năm tới. Logistics tạo điều kiện để Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực.