Ông Hà thừa nhận do đường ống nước sông Đà sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh là loại vật liệu lần đầu tiên có ở Việt Nam có chất lượng không đồng đều, cộng thêm Vinaconex thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai nên đường ống đã gặp sự cố nhiều lần ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
Theo ông Hà, sau khi có Thông báo kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước sông Đà của Bộ Xây dựng; hiện Tổng công ty đang nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Ban lãnh đạo, nhận khuyết điểm với Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội và nhân dân Thủ đô.
Tổng công ty cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước sông Đà để xảy ra sự cố bao gồm: nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, nhà thầu giám sát thi công xây dựng, đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư) nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.
“Dự án đã hoàn thành đầu tư và đi vào sử dụng từ tháng 8/2008, đến nay để soi lại trách nhiệm phải có thời gian và khi kiểm điểm phải thấu tình, đạt lý. Ngã ở đâu đứng dậy ở đó, sai ở đâu sửa ở đó. Chúng tôi sẽ tìm cách khắc phục và rút kinh nghiệm” – ông Hà giãi bày.
Mặt khác, ông Hà cho biết, Tổng công ty cũng đang chỉ đạo Công ty CP nước sạch Vinaconex nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý bao gồm kiểm soát và duy trì áp lực nước trong tuyến đường ống ở mức độ ổn định; theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện sự bất thường trong hệ thống từ các chỉ số trên các thiết bị kiểm soát; đồng thời tăng cường nguồn lực cho đội phản ứng nhanh để có giải pháp ứng cứu, khắc phục nhanh nhất sự cố xảy ra. Phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến ống đi qua để có biện pháp bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống.
Mặc dù bị trả giá đau vì đầu tư đường ống thứ nhất không đảm bảo chất lượng, hay xảy ra sự cố, bản thân Công ty CP nước sạch Vinaconex (đơn vị tiếp nhận quản lý hệ thống cấp nước sạch sông Đà) đến năm 2013 vẫn lỗ lũy kế nhưng ông Hà vẫn cho rằng Tổng công ty Vinaconex tự tin khi đang quyết liệt xúc tiến triển khai giai đoạn II.
Đó là việc đẩy nhanh các thủ tục xin phép Chính phủ, các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn II, nâng công suất cấp nước lên 600.000m3/ngày đêm theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian nhanh nhất có thể đáp ứng nhu cầu tăng thêm 300.000m3/ngày đêm (giai đoạn 2) cho nhân dân Thủ đô và các địa phương lân cận.
Ông Hà nêu rõ, dự án giai đoạn II đã phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư khoảng 4000 tỷ đồng; tuyến ống đầu tiên thi công dài 28 km, cũng ngốn nguồn kinh phí khoảng 1000 tỷ đồng. Tổng công ty đã thu xếp xong nguồn vốn, DN tự làm và tự chịu trách nhiệm, dự kiến đến tháng 9/2014 khởi công.
Ông Hà cũng cho hay, ông mới vào Bình Dương, thăm nhà máy thép nhà máy cung cấp đường ống cho nhà máy nước Thủ Đức. Dự kiến, tuyến ống sẽ sử dụng vật liệu kim loại có độ bền cao hơn để đảm bảo việc truyền tải nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về văn hóa từ chức, Vinaconex có tự rút lui không để đơn vị khác làm khi chính Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trong một cuộc họp gần đây đã cho biết hết kiên nhẫn với Vinaconex, TP sẽ giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư xây dựng đường ống “cấp cứu” 10km từ Hòa Lạc về Hà Nội trong vòng 60 ngày…
Ông Hà bày tỏ: “Doanh nghiệp hoạt động theo hình thức cổ phần. Tôi chịu trách nhiệm trước cổ đông, nếu bị cách chức, tôi xin thực hiện. Tôi rất đau xót trước những khó khăn của người dân. Tôi xin lỗi nhân dân Thủ đô khi chưa làm tròn trách nhiệm như Đảng và Nhà nước giao cho”.
Tại cuộc họp giao ban báo chí Tuyên giáo chiều 15/7, Phó Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Văn Thịnh cũng trần tình: Trên địa bàn TP vừa qua đã xảy ra những sự cố về cấp nước, cấp điện. TP với trách nhiệm cao đã chỉ đạo rất quyết liệt, khi đường ống nước vỡ, các đơn vị phải giải quyết cấp nước từ các nguồn khác để đảm bảo được một phần nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, cần làm thế nào để sắp tới việc cấp nước ổn định, vì đường ống cũ hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra sự cố? Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch phụ trách trực tiếp lĩnh vực đang nghe báo cáo các phương án. Sau hai lần vỡ đường ống nước sông Đà thứ 8 và thứ 9, TP đã có 3 cuộc họp nhưng quyết định phương án nào vẫn đang bàn trên cơ sở tính toán nguồn lực, hiệu quả.
Theo ông Thịnh, TP có xem xét phương án xây cấp cứu đường ống từ quốc lộ 21 về đến Big C Hà Nội. Đường kính ống 1,2m, cung cấp khoảng 100.000m3 nước. Nếu nguồn nước cấp ổn định cấp khoảng 600.000m3/ngày đêm.
Theo quy hoạch cấp nước của TP được Chính phủ phê duyệt, trên đại lộ Thăng Long phải xây dựng 4 đường ống cấp nước. Vinaconex cũng đang đưa phương án xây dựng ống tuyến số 2 bằng vật liệu kim loại, ưu tiên bằng thép. “Nếu xây cả các tuyến ống trên, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, không thể vội vàng được. Chỉ trong tuần này, TP sẽ quyết đáp chọn phương án nào để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân Thủ đô” – ông Thịnh chia sẻ.
Theo Lan Hương