Viettel nỗ lực nâng cao đời sống cho đồng bào biên giới

TP - Ngoài trao bò giống giúp người nghèo biên giới ổn định cuộc sống, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã tặng 15.000 tấn xi măng (trị giá hơn 27,4 tỷ đồng) cho đồng bào 7 tỉnh biên giới.
Với số xi măng Viettel trao tặng, gia đình ông Lương Thế Đình (Hòa Thuận, Cao Bằng) đã láng sân và cải tạo nơi ở rất sạch sẽ.

Ngoài trao bò giống giúp người nghèo biên giới ổn định cuộc sống, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc giúp người dân vùng biên có điều kiện sống tốt hơn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã tặng 15.000 tấn xi măng (trị giá hơn 27,4 tỷ đồng) cho đồng bào 7 tỉnh biên giới.

Tặng bò đuổi cái nghèo

Khởi nguồn từ chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cùng Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel triển khai chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Ban chỉ đạo chương trình đặt mục tiêu trong vòng hơn 2 năm (từ tháng 6/2014-10/2016) sẽ trao tặng 24.000 con bò giống cho 11 tỉnh biên giới (gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An).

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian rất ngắn (16 tháng), Viettel đã cấp đủ kinh phí trao tặng 24.000 con bò cho 24.000 hộ nghèo, lớn gấp gần 30 lần so với những chương trình tương tự khác đang được các đơn vị thực hiện. Theo ghi nhận, hiện đã có 20 bò mẹ sinh bê, gần 200 con đang chửa và hàng nghìn con khác bước vào thời kỳ sinh sản. Kết quả này như càng củng cố niềm tin nhanh chóng thoát nghèo cho đồng bào biên giới. Tại Lễ tổng kết chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới vừa diễn ra cuối tuần trước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tin tưởng rằng, chỉ 5 năm nữa đàn bò 24.000 con này có thể phát triển lên 70.000-80.000 con thậm chí 100.000 con và người dân sẽ có cuộc sống ấm no hơn.

Sửa nhà, làm đường, dựng nhà tắm

Trong dịp công tác Hà Giang, chúng tôi tìm đến những gia đình được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng xi măng để cải thiện môi trường tốt hơn. “Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, bà con không chỉ có cần câu để làm ăn mà còn có môi trường sống sạch sẽ hơn, vì thế Viettel đã tặng xi măng cho đồng bào vùng biên láng nền nhà, xây chuồng trại, cải thiện điều kiện sống”, một cán bộ của Tập đoàn Viettel cho biết.

Trước mắt chúng tôi, ngôi nhà của anh Lầu Mí Sình (SN 1989, thôn Sủng Trà, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) trông kiên cố, sạch đẹp như ở phố huyện. Đây là một trong những hộ đầu tiên được Viettel tặng xi măng. Dù không nhớ đã được tặng bao nhiêu xi măng, nhưng Lầu Mí Sình lại nhớ rất rõ những công trình gia đình anh cải tạo được từ chỗ xi măng Viettel tặng: “Trước đây chỗ này là cái mương nước đen ngòm. Mình bắc vài thanh gỗ lên để đi qua. Trẻ con đi chỉ sợ ngã xuống dòng nước hôi thối đầy loăng quăng, bọ gậy. Với gần 50 bao xi măng của Viettel cho, mình xây được bể nước, láng sân, nhà vệ sinh và nhà tắm. Giờ hàng xóm xung quanh thi thoảng còn đến xin mình nước uống”, Sình cho biết. Khi hỏi về ngôi nhà cũ khi chưa được sửa sang kiên cố, Sình lắc đầu: “Khổ lắm, hồi đó chỉ làm được cái lán tạm thôi, hễ trời mưa là dột nát. Năm ngoái, mình đi làm thuê ở Trung Quốc, có đồng ra đồng vào đấy nhưng bỏ mạng như chơi. Giờ có nhà mới rồi, con cái cũng đỡ ốm đau, mình không có ý định vượt biên đi làm thuê nữa”.

Cạnh nhà Sình, gia đình chị Thèn Thị Ly (thôn Há Chế, xã Sủng Trà) cũng vừa cất được bể nước và nhà tắm mới, làm được đường đi sạch sẽ nhờ được tặng xi măng. “Trước đây, toàn bộ gia đình phải đi vệ sinh ở bên ngoài. Trong khi hồ treo chưa có nước, mọi sinh hoạt ăn uống cũng ở gần đấy nên mất vệ sinh lắm. Nhờ chương trình của Viettel tặng được 30 bao xi măng, gia đình đã quyết định bỏ thêm tiền để xây được khu nhà tắm và vệ sinh khép kín. “Giờ nhìn bể nước sạch sẽ thế này em không còn dám nghĩ đến ngày xưa. Mỗi bận đi gùi nước về, lại đựng vào xô chậu để tích trữ. Mỗi bận mưa, cả nhà lại phải bê nước vào nhà để tắm. Còn con đường phía trước này cũng là con mương nước bẩn đen sì. Giờ thì xe máy đã có đường xi măng để vào đến tận nhà”, chị Ly nhớ lại.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Chị Hờ Thị Dính – Bí thư Chi bộ thôn Hà Chế cho biết, có 13 gia đình trong thôn được tặng xi măng từ Viettel đều đã cải thiện điều kiện sống rõ rệt, thay đổi thói quen sinh hoạt vệ sinh hơn. Bà con đã trữ được nước sạch để dùng, có nhà vệ sinh sạch sẽ, có nhà tắm thay vì quây bạt như trước kia. Đặc biệt, do thói quen của bà con trước đây thường đi vệ sinh trên núi. Khi mưa, nước chảy vào hồ treo chứa nước ăn gần đó lại càng gây nguy hiểm hơn. Vệ sinh xung quanh các gia đình thì đầy ruồi muỗi, nhếch nhác, trẻ con đau ốm vì bọ gậy và loăng quăng trong các khu vực ẩm thấp xung quanh. Nhưng bây giờ, phần lớn các hộ gia đình đều có bể chứa để lấy nước mưa từ mái xuống. “Các anh chị nhìn xem, đường vào các nhà đã khang trang hơn. Hồi trước, mỗi lần muốn vào nhà là phải vứt xe máy gần ngoài đường vì đương lầy lội không thể vào nổi. Thấy được những cái lợi đó, nhiều hộ lân cận cũng tự bỏ tiền hoặc vay mượn để kiên cố hóa nhà mình”, chị Dính khoát tay chỉ cho chúng tôi con đường xi măng thẳng tắp phía trước.

Được biết, các tỉnh nằm trong chương trình “Cứng hóa nền nhà” do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tài trợ trong thời gian qua gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh. Không riêng Hà Giang, thông qua chương trình này, hơn 14.800 hộ gia đình nghèo vùng giáp biên ở 7 tỉnh trên đã có vật liệu để cải tạo nhà ở, chuồng trại, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, động viên người dân an cư lạc nghiệp nơi tuyến đầu của Tổ quốc.