Vietnam Airlines làm gì với 30% cổ phần được tặng ở Pacific Airlines?

TPO - Hiện Vietnam Airlines đang báo cáo các cơ quan nhà nước phê duyệt việc tiếp nhận lại 30% cổ phần của Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group tại Hãng hàng không Pacific Airlines (trước đây là Jetstar Pacific Airlines) tặng lại hãng.
Vietnam Airlines làm gì với 30% cổ phần được tặng ở Pacific Airlines? ảnh 1  Jetstar Pacific Airlines đã đổi nhận diện thương hiệu thành Pacific Airlines, và chuyển giao hoạt động quản lý toàn bộ về VNA, 30% cổ phần của Qantas tại hãng hàng không giá rẻ này cũng đang thực hiện thủ tục để "tặng" lại VNA.

Sáng 13/10, trả lời Tiền Phong, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Thương hiệu (Vietnam Airlines – VNA) cho biết, thông tin Qantas Group rút khỏi liên danh tại Pacific Airlines là hoàn toàn chính xác. 

Theo ông Tuấn, việc chuyển giao lại 30% cổ phần của Qantas tại Pacific Airlines cho VNA đang được tiền hành các bước thủ tục, và không phải bán với giá 0 đồng hay 1 đồng, mà là “tặng” lại VNA.

“Hiện VNA đang báo cáo Uỷ Ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành, Chính phủ về phương án tiếp nhận lại số cổ phần này. Hiện các cơ quan quản lý đã cơ bản đồng ý, đang làm thêm 1 số bước thủ tục về phương án tiếp nhận, kế hoạch kinh doanh, hy vọng sẽ xong trong tháng 10 này, để công bố công khai vào cuối tháng”, ông Tuấn nói.

Phó Tổng giám đốc Pacific Airlines Nguyễn Đăng Cường cho biết thêm, dù có nhận thêm 30% vốn của Qantas hay không, phần vốn nhà nước tại hãng qua tỷ lệ sở hữu của VNA vẫn chiếm cổ phần đa số. Do đó, cổ đông lớn nhất là nhà nước cũng sẽ có giải pháp để hỗ trợ Pacific Airlines trong thời gian tới, để vượt qua ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

“Hy vọng trong tháng 10 này sẽ có quyết định về giải pháp nhà nước hỗ trợ Pacific Airlines để hãng vượt qua khó khăn, tương tự như giải pháp hỗ trợ với VNA”, ông Cường nói.

Hiện, VNA đã tiếp nhận toàn bộ hoạt động quản lý, kinh doanh của Pacific Airlines, và tiến hành đồng bộ hoá hệ thống khai thác, bán vé, dịch vụ với hệ thống của VNA.

Về tình hình hoạt động của Pacific Airlines sau khi đổi nhận diện thương hiệu và ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Cường cho hay, vào tháng 1/2020, hãng đạt lợi nhuận 150 tỷ đồng, nhưng khi dịch bệnh xảy ra hãng cũng gặp khó khăn như các hãng hàng không toàn cầu và trong nước. 

Tính tới hết tháng 8, Pacific Airlines lỗ khoảng 1.100 tỷ đồng, dự kiến tới hết năm nay sẽ lỗ khoảng 1.600 tỷ đồng.

Còn trong tháng 9 vừa qua, sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 được kiểm soát, sản lượng khai thác của hãng cũng phục hồi dần, khi chuyến bay tăng gấp đôi, hành khách tăng gấp 3 tháng liền trước. Trong tháng qua, hãng hàng không giá rẻ này đạt tổng doanh thu 344 tỷ đồng, tăng gấp đôi tháng 8.

Jetstar Pacific Airlines được thành lập ngày 15/6/1991, với tên gọi ban đầu là Pacific Airlines, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên của Việt Nam, với 7 cổ đông góp vốn ban đầu đều là doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2007, Tập đoàn Qantas đã mua lại 30% cổ phần Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược, và đổi tên hãng thành Jetstar Pacific Airlines. Với chiến lược phát triển hãng không giá rẻ.

Hãng này đã trải qua 2 lần tái cơ cấu vào các năm 2008 – sau khi Qantas tham gia góp vốn và chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ; và năm 2012 – khi 68% vốn tại Jetstar Pacific được Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuyển giao cho Vietnam Airlines.


MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.