Ngay từ đầu năm 2020, khi diễn biến dịch COVID-19 có chiều hướng lan rộng và đe dọa đến khả năng hoạt động liên tục của ngành hàng không, công tác huấn luyện phi công trong tình hình mới đã được nhiều hãng bay xây dựng, triển khai.
Một buổi lễ khai giảng đặc biệt của Trường Phi công Bay Việt trong thời gian giãn cách. (Ảnh: VNA) |
Ông Bùi Thái Sơn, Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919 phụ trách công tác huấn luyện - khai thác của hàng ngàn phi công thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết: Đoàn bay đã lập ra nhiều kịch bản cho công tác khai thác và huấn luyện bay, kể cả trong tình huống không mong muốn nhất là hoạt động bay phải tạm dừng hoàn toàn để tăng cường phòng, chống dịch.
“Hệ thống hồ sơ của toàn thể lực lượng phi công được liên tục quản lý và theo dõi về thời hạn năng định, năng định bay bằng thiết bị, kỹ năng, kinh nghiệm, sức khỏe... để đảm bảo tuân thủ các quy định về huấn luyện định kỳ của quy chế an toàn hàng không”, ông Sơn chia sẻ.
Huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM) là yêu cầu bắt buộc kể cả trong thời gian giãn cách. (Ảnh: VNA) |
Theo lãnh đạo Đoàn bay 919, công tác đào tạo, huấn luyện phi công được đánh giá là khâu quyết định để đảm bảo nguồn lực người lái phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines Group.
Do đó, trong nhiều tháng qua, Đoàn bay 919 vẫn bố trí phi công đi làm tối thiểu theo sản lượng khai thác và phân bay theo số giờ nhất định để duy trì năng định, chứng chỉ. Đồng thời, để khắc phục tình trạng khi một số khóa huấn luyện tập trung phải tạm dừng, giãn tiến độ, Đoàn bay 919 đã triển khai giải pháp phối hợp với trung tâm huấn luyện tổ chức đào tạo, kiểm tra trực tuyến như huấn luyện định kỳ an toàn bay trên hệ thống giảng dạy trực tuyến, đánh giá ngoại ngữ hàng không qua Skype...
“Chúng tôi xác định công tác đảm bảo an toàn khai thác bay dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đều là công tác liên tục, sẽ không bao giờ có khái niệm tạm dừng. Công tác đào tạo, huấn luyện phi công định kỳ, thường xuyên chính là xương sống của việc đảm bảo an toàn khai thác bay”, ông Sơn khẳng định.
Từ 01/9 chỉ phi công đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 mới được xếp lịch bay. (Ảnh: VNA) |
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4, theo yêu cầu về bảo đảm an toàn khai thác bay, phi công vẫn phải duy trì liên tục trình độ kỹ năng, huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM). Đây là yêu cầu bắt buộc, không thể thay thế bằng các hình thức huấn luyện khác. Từ tháng 9, khi trung tâm huấn luyện được TPHCM cho phép mở cửa trở lại, Đoàn bay 919 tiếp tục gấp rút triển khai công tác huấn luyện SIM trong bối cảnh “bình thường mới”.
Bên cạnh đó, tuân thủ quy định của Cục Hàng không, trước khi quay trở lại khai thác bình thường, phi công sau khi được huấn luyện phục hồi hoặc thực hiện gia hạn phải bay tối thiểu 3 chặng bay dưới sự giám sát của giáo viên bay hoặc giáo viên kiểm tra bay.
Vietnam Airlines Group cũng đánh giá, phân loại năng lực phi công theo vị trí công việc và sắp xếp tổ bay làm nhiệm vụ có tính đến yếu tố kinh nghiệm, giãn cách bay, đảm bảo nguyên tắc tối thiểu. Phi công nhiều kinh nghiệm khai thác cùng phi công ít kinh nghiệm... Đồng thời, các phi công phải chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống COVID-19, như tiêm đủ liều vắc xin, xét nghiệm trước ca làm việc...
“Thời gian qua, đội ngũ phi công đã thực hiện những nhiệm vụ hết sức đặc biệt, đi vào lịch sử như các chuyến bay đưa đồng bào về nước; chở lực lượng tuyến đầu đi chống dịch; vận chuyển vắc xin, trang thiết bị y tế, góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch của cả nước. Đồng thời, luôn đảm bảo nguồn lực trong tình hình mới, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong thời gian tới”, ông Sơn nói thêm.