“3 trong 1” và những lợi ích
Trên các quốc lộ Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại nhiều trạm thu phí. Theo tính toán, mỗi lần dừng xe nộp phí theo phương thức một dừng sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2 - 3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4 - 5% và tiêu tốn thêm 7 - 8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc…
Mặc dù tại Việt Nam đã và đang triển khai nhiều công nghệ thu phí tự động không dừng, nhưng chủ yếu dưới ba dạng: Công nghệ Passive DSRC (thụ động), công nghệ Active DSRC (chủ động) và công nghệ RFID. Do đó, việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí đang gặp nhiều khó khăn.
Ngày 11/3/2016, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận cho VietinBank triển khai mở rộng dịch vụ thu phí cầu đường tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tại các điểm thu phí do VietinBank tài trợ vốn và các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm phối hợp với VietinBank và các nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng triển khai dán thẻ RFID/E-tag trên các phương tiện giao thông (thuộc diện chịu phí khi đi qua các trạm thu phí) tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu hướng tới sự hài lòng cao nhất của người dân tham gia giao thông và người sử dụng dịch vụ thu phí, VietinBank, MHI và Sojitz đã nghiên cứu tích hợp 3 công nghệ: Passive DSRC, Active DSRC và RFID trên cùng một hệ thống thu phí không dừng.
Thực tế, việc tích hợp 3 công nghệ trên cùng Hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ cho phép VietinBank, các đối tác và nhà đầu tư BOT đẩy mạnh việc triển khai dự án thu phí cầu đường tự động không dừng tại các trạm thu phí trên quốc lộ và đường cao tốc trong phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Thiết bị tích hợp công nghệ
Đẩy mạnh triển khai công nghệ “3 trong 1”
Tại buổi họp báo “Báo cáo kết quả giải pháp tích hợp 3 công nghệ thu phí cầu đường tự động không dừng (ETC)” với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, VietinBank, MHI, Sojitz (ngày 21/3/2016 tại TP. HCM), Thứ trưởng Phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao tiện ích của việc tích hợp hệ thống ETC và yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng đưa ETC vào ứng dụng trong giai đoạn 2.
Với công nghệ “3 trong 1” mới này, khách hàng chỉ cần dùng 1 bộ thiết bị thu phí không dừng (OBU/ Etag) là đi qua được tất cả các trạm thu phí mà VietinBank đang cung cấp trên toàn quốc. Ngoài việc sử dụng OBU/ Etag để trả phí cho hệ thống thu phí không dừng khách hàng còn có thể sử dụng thẻ OBU/ Etag để mua xăng dầu, trả tiền phí đỗ xe…
Hiện nay, VietinBank đã triển khai tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung, miền Nam. Trong thời gian tới, công nghệ và dịch vụ này sẽ được đẩy mạnh áp dụng tại các trạm thu phí trên đường cao tốc.
Với những nỗ lực trong triển khai công nghệ tích hợp này, MHI, Sojitz và VietinBank hướng đến việc tạo ra một mô hình kinh doanh mới liên quan đến các Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) với sự hỗ trợ từ phía Bộ GTVT và góp phần phát triển mạng lưới giao thông quốc gia.
Đối với người tham gia giao thông, việc thu phí không dừng theo công nghệ mới đem lại nhiều tiện ích giá trị: Hành trình giao thông không bị gián đoạn, người tham gia giao thông không còn phải chịu cảnh xếp hàng, chen lấn trước các trạm thu phí.