Vietcombank mở rộng thị phần, tuyển thêm 1.000 nhân sự

Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Vietcombank chuẩn bị cho kế hoạch M&A khi cần thiết. Ảnh: Anh Quân
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Vietcombank chuẩn bị cho kế hoạch M&A khi cần thiết. Ảnh: Anh Quân
TP - Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) diễn ra sáng qua 23/4. Trái với đồn đoán trước đó, Vietcombank chưa xin chủ trương sáp nhập với ngân hàng nào đồng thời thống nhất dùng chính lợi nhuận còn lại để tăng thêm gần 3.500 tỷ đồng vốn qua chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu.

Tăng lên vốn “khủng” và chưa M&A

Trước đại hội, rất nhiều đồn đoán trong giới tài chính ngân hàng cho rằng sẽ có thêm một ngân hàng trong diện tái cơ cấu sáp nhập “về” một nhà với Vietcombank, tuy nhiên, trong tờ trình HĐQT gửi tới các cổ đông, ngân hàng chưa xin thông qua chủ trương nhận sáp nhập với một ngân hàng khác tại đại hội lần này.

Theo bật mí của một lãnh đạo ngân hàng, Vietcombank thực ra đã trong tâm thế sẵn sàng mua bán sáp nhập (M&A) một tổ chức tín dụng nào đó nếu Ngân hàng Nhà nước lên tiếng đề nghị.

Có lẽ cũng vì vậy, mà trong kế hoạch sử dụng vốn được lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông có nhắc đến mục tiêu “để chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép”.

“Với lộ trình nâng cao năng lực tài chính đến năm 2015 theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, việc tăng vốn hiện nay là nhu cầu cần thiết bởi đây là cơ sở xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn”- Lãnh đạo ngân hàng nói tại cuộc họp.

Định hướng hoạt động năm 2014, phương châm hoạt động của Vietcombank là “Đổi mới – Tăng trưởng – Chất lượng” với quan điểm là “Nhạy bén – Quyết liệt – Kết nối”. Các chỉ tiêu cụ thể như sau: tổng tài sản tăng 11%, tín dụng tăng 13%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng. Triển khai xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuển Basel II vào năm 2015-2018.

Ông Nguyễn Đăng Hồng, Ủy viên HĐQT Vietcombank công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Mức vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại là 23.174 tỷ đồng, số vốn điều lệ dự kiến tăng trong năm 2014 là 3.476 tỷ đồng. Vốn điều lệ cuối năm 2014 (dự kiến sau khi tăng) là 26.650 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu của Vietcombank với tỷ lệ 15%.

Năm 2014 tuyển thêm 1.000 nhân sự

Tại đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng Giám đốc Vietcombank công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2013 và định hướng kinh doanh năm 2014 của Ban điều hành. 

Ông Thành cho biết, lợi nhuận hợp nhất năm 2013 đạt 5.743 tỷ đồng, sau khi trích 3.520 tỷ đồng dự phòng, đạt 99,02% kế hoạch, giảm nhẹ so với năm 2012 chủ yếu do chi phí hoạt động tăng 3,8%. Hệ số sử dụng vốn/tổng huy động tăng từ 70% từ đầu năm lên 82,3% vào cuối năm 2013. Trong năm 2013, Vietcombank đã thành lập 15 chi nhánh cũng 26 phòng giao dịch.

Vietcombank mở rộng thị phần, tuyển thêm 1.000 nhân sự ảnh 1

Ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng Giám đốc VCB: “Tín dụng 2014 Vietcombank sẽ không thấp hơn 13%”

Nhiệm vụ trọng tâm 2014, ông Thành khẳng định Vietcombank sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Cùng đó, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vốn. Tập trung nguồn lực cho công tác thu hồi nợ có vấn đề, nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ, giữ vững thị phần. Hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển mạng lưới. Rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng và công ty con để nâng cao hiệu quả đầu tư…

Năm 2014, Vietcombank đặt kế hoạch lãi trước thuế 5.500 tỷ đồng (giảm nhẹ 5% so với 2013), nợ xấu dưới 3%, cổ tức chi trả tỷ lệ 10%. Ngân hàng này dự kiến mở thêm 16 chi nhánh trong năm 2014 và tăng thêm gần 1.000 nhân sự.

Đánh giá sơ bộ việc thực hiện các chỉ tiêu mà ĐHCĐ đề ra, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT khẳng định sự cố gắng nỗ lực của Ban lãnh đạo và tập thể Vietcombank trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu được khống chế ở mức 2,73%, thấp hơn so với mức ĐHCĐ giao và thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn ngành.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.