> Đoạt giải viết về biển đảo sẽ được mời đi thăm Trường Sa
> Ra Cô Tô lạc giữa Đảo hoa đào
Tình yêu tha thiết của người lính đã đi qua thương nhớ, thiết tha với những cánh thư đi đầy cảm động.
Mỗi lần nhận thư lại khóc
Bài dự thi của cô giáo Sự dài 6 trang giấy gây xúc động vì tình yêu đôi lứa gắn liền tình yêu biển đảo, đất nước được T.Ư Đoàn và Tạp chí Thanh niên trao giải nhất cuộc thi Tuổi trẻ viết về biển đảo quê hương tháng 12/ 2013 tại Hà Nội.
Ngày đi nhận giải, ngồi cạnh chị là đứa con trai lên bảy và chồng, anh Lê Quang Thà vừa trở về từ chuyến công tác vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn để chia vui cùng vợ.
Kể về chuyện tình của mình, ký ức gần 20 năm ùa về khiến chị Sự run run xúc động. Ngày ấy, chị là cô giáo mới ra trường, nhận lời yêu rồi cưới anh. Cưới nhau được 5 ngày, anh phải lên đường ra đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa) làm nhiệm vụ.
Dạo đó, chị dạy trường miền núi, không có điện thoại nên tình yêu dành cho anh chị dồn hết qua những cánh thư. Chị nói, cứ mỗi lần nhận thư, chị khóc hết nước mắt vì thương, nhớ chồng. Trong 2 năm chờ đợi, chị sụt 7 kg, người tiều tụy.
Một kỷ niệm mà chị không thể nào quên, đó là ngày anh được về phép muốn chị bất ngờ nên không báo tin. Tan lớp, chị thấy thấp thoáng bóng người lính mặc quần áo hải quân đi xe đạp đứng đợi ở cổng trường. Chị nhận ngay ra, lao vào vòng tay anh.
Sau này, mỗi lần đọc lại dòng nhật ký anh Thà viết về cái ngày đạp xe 10km đến trường đón chị mà nước mắt chị vẫn trào ra. Anh viết: “Nhìn dáng em gầy liêu xiêu giữa núi rừng chiều đông giá buốt, lòng tôi nghẹn lại. Tôi khẽ hỏi, có nhớ anh không? Em òa khóc như chưa từng được khóc. Nhiều giáo viên trong trường cũng vội quay mặt đi lau nước mắt…”.
“Hàng tuần anh vẫn phải xa nhà, vẫn tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nhưng em hạnh phúc, tự hào bởi có anh, người đã cho em thêm yêu màu xanh áo lính và biển đảo đất nước”. Cô giáo Nguyễn Thị Sự |
Chị tâm sự, những ngày tháng có bầu rồi một mình chăm con mới thực sự khổ cực. Chị dạy hợp đồng nên khi sinh nhà trường cho nghỉ việc, một mình tần tảo nuôi gà, trồng rau. Cuộc sống thiếu thốn, vất vả chị vẫn không một lời kêu ca, không nửa lời than trách. Những lá thư gửi chồng, chị kể toàn chuyện vui với xóm làng, ông bà, chuyện dạy cho con đọc thơ về Trường Sa mỗi khi con nhớ bố để động viên anh yên tâm làm nhiệm vụ. Con gái chị rất hay đọc bài Thư gửi bố ngoài đảo của nhà thơ Xuân Quỳnh: Bây giờ sắp Tết rồi/ Con viết thư gửi bố/ Bà bảo đừng nhắc nhiều/ Kẻo bố mày vấp ngã…Bà bảo hàng rào biển/ Là bố đấy bố ơi/ Cùng các chú bạn bố/ Giữ đảo và giữ trời/ Nhưng bố này con bảo/ Con nghĩ còn hay hơn/ Bố: hàng rào của đảo/ Bố: hàng rào của con.
Khi anh đi đảo, con anh chị chưa ra đời, ngày anh sắp hoàn thành nghĩa vụ con đã biết chạy sang nhà hàng xóm chơi. Trong thư gửi vợ, anh kể chuyện tập luyện, chuyện tình đồng đội yêu thương, đùm bọc nhau; chuyện cây bàng ra hoa, ra quả mỗi mùa. Chị kể, anh rất khéo tay, tranh thủ lúc rảnh anh lại nhặt ốc kết thành những cành hoa, chùm nho chín…gửi về tặng chị. Rồi anh trở về, niềm vui ngày đoàn tụ chưa lâu thì anh đổ bệnh. Rụng hết răng, chị lại cơm đùm, cơm nắm chạy chữa cho chồng.
Viết thay lời yêu anh
Viết thay lời yêu anh là bài dự thi trích từ nhật ký của cô giáo Sự viết từ những ngày xa cách, nhớ nhung chồng là lính đảo. Chưa một lần đến Trường Sa nhưng qua lời kể của chồng trong những cánh thư đã giúp chị yêu lắm mảnh đất, con người, cuộc sống trên đảo. Chị ao ước được một lần đến đảo, đến nơi anh từng sống để được san sẻ nỗi vất vả của anh.
Chị viết, anh kể rằng, quần đảo Trường Sa có nhiều đảo lắm, có hòn đảo nổi, đảo chìm nằm giữa biển khơi như Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Phan Vinh, Đá Nam, Đá Lát…Còn anh đóng quân trên hòn đảo có tên rất đẹp, đảo Sơn Ca. Anh kể với chị, cuộc sống trên đảo khó khăn nhưng tất cả mọi người đều chắc tay súng, hăng say tập luyện, canh biển, giữ trời.
Cũng như bao người yêu, người vợ lính, mong ngóng chồng, chị tìm kiếm tất cả thông tin về Trường Sa, về biển đảo. Chị thích đọc thơ, nghe những bài hát về Trường Sa. Tình yêu Trường Sa ngấm vào chị truyền sang con. Chị nói, đến giờ mỗi khi bố đi công tác về, các con chị lại bắt bố hát Gần lắm Trường Sa và kể chuyện nhặt bàng, nhặt ốc cho chúng nghe, vui lắm.
Nhớ về những ngày ở Trường Sa, anh Thà nói, đối với người lính đảo niềm vui lớn là mỗi lúc nhận được thư người thân, người yêu. Mỗi lá thư đều có những day dứt nhưng là nguồn động viên giúp mình vượt qua mọi sóng gió. Anh không biết, mỗi ngày vợ anh, cô giáo Sự thường viết nhật ký cho vơi nhớ chồng. Khi tham dự cuộc thi viết về biển đảo, cô giáo Sự mới mang cuốn nhật ký ra lật lại từng trang đọc và cô đọng lại trong mấy trang giấy.
Lời kết bài thi, cô viết: “Những dòng này em viết từ rất lâu và em cũng không cho anh biết, không kể với ai bởi em muốn dành trọn tình yêu cho anh. Hằng tuần anh vẫn phải xa nhà, vẫn tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nhưng em hạnh phúc, tự hào bởi em có anh, người đã cho em thêm yêu màu xanh áo lính và biển đảo đất nước”.
Đến giờ, sau gần 20 năm ngày kết hôn, đã có hai đứa con đủ nếp lẫn tẻ anh chị vẫn chịu cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ. Anh học xong chương trình 5 năm ở Học viện Chính trị rồi về công tác ở trường Sỹ quan Chính trị ở TP Bắc Ninh. Chị ngày ngày lên lớp giảng bài cho học sinh ở trường Tiểu học Bắc An, thị xã Chí Linh, Hải Dương. |