Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển:
Viết tiếp những trang đời huyền thoại
Qua những ngày biển động dữ dội, mấy hôm nay sóng trở nên rất đỗi dịu dàng. Những con sóng nhỏ nhẹ nhàng vươn mình ôm ấp mạn tàu như muốn tấu lên cùng những trái tim hồng tươi trẻ khúc hát thanh bình giữa nước trời bao la.
Con tàu HQ 996 lại lướt êm trên sóng đưa đoàn đại biểu của chúng tôi khám phá nhiều câu chuyện, nhiều vùng đất, bến bờ với biết bao trầm tích lịch sử liên quan đến con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại…
Bến Vũng Rô lịch sử. |
Rời bến K20 lịch sử, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình trên cung đường năm xưa cha ông đã đi với ý chí, quyết tâm mang về hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc. Con đường chúng tôi đang đi không một dấu chân người nhưng tôi biết biển cả đã ôm trọn vào sâu thẳm lòng mình những dấu tích bao người lính kiên trung để lại. Hẳn là thế bởi bất kỳ lúc nào tôi cũng bắt gặp những ánh mắt trầm ngâm, những nỗi lòng đau đáu của các bác CCB hướng về biển xa. Và lớp trẻ chúng tôi cùng cùng nhau hướng lòng mình về phía ấy để sóng biển bồi đắp cho tâm hồn những giá trị mới, để thấy thương hơn đất nước Việt Nam một thời máu đổ, để thấy yêu hơn từng tấc đất, tấc biển của đất mẹ kiên trung. Để thấy được rõ hơn trách nhiệm của mình với quê hương, với chủ quyền biển đảo thiêng liêng…
Biểu tượng Tàu không số trên khu di tích Vũng Rô. |
Trong những ngày đầu tiên, mặc cho những đợt sóng gầm gào khiến ai nấy đều xây xẩm mặt mày, thậm chí phải truyền nước để duy trì sức khỏe cho quãng đường phía trước, tất cả chúng tôi đã cùng nhau tham gia học kỳ trên biển với nhiều nội dung ý nghĩa, bổ ích như: Phương pháp định vị và hoa tiêu cho tàu trên biển, cách tự dự báo thời tiết biển, đánh trận giả… Rồi những sáng, những chiều, trước mênh mang biển lớn, chúng tôi đã cùng nhau hát lên những khúc hát ngợi ca tình yêu biển cả, quê hương, tri ân những người lính trên con đường ẩn chứa nhiều chiến tích anh hùng. Có lẽ chưa bao giờ chúng tôi hát nhiều đến thế, mê say đến thế, trào dâng niềm tự hào đến thế. “Quê hương tôi đây đã sống hôm qua/ Quê hương tôi đây vẫn sống hôm nay/ Quê hương tôi đây sẽ mãi mai sau/ Vang danh non sông trái tim Việt Nam”. Lời ca bay trên từng con sóng, chìm sâu trong lòng biển mang theo niềm tin yêu phơi phới của cả một thế hệ. Mang theo mối tình keo sơn, gắn bó của tuổi trẻ khắp các nẻo miền đất nước...
Theo dòng những câu chuyện mà các CCB kể, chúng tôi hiểu hơn giá trị của biển quê hương. Bạn H’Juir H’ Mócr – cán bộ đoàn xã ở Đắc Lắc tâm sự: “Ngày trước mình nghĩ diện tích quốc gia mình chỉ vỏn vẹn là dải đất hình chữ S nhưng qua chuyến đi này suy nghĩ của mình đã thay đổi. Sau này, khi về quê mình sẽ tuyên truyền cho đồng bào mình rằng diện tích quốc gia còn bao gồm cả hải phận với những giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế to lớn cần được bảo vệ”. Từ những câu chuyện đầy bi tráng ấy, đêm đêm, khi ánh trăng nhuốm bạc muôn nghìn con sóng chúng tôi lại cùng nhau tưởng niệm linh hồn những người con anh hùng đã ngã xuống giữa biển thẳm không cùng…Và tôi tin trong trái tim mỗi người sẽ khắc sâu những xúc cảm không bao giờ lặp lại khi chúng tôi cùng nhau dâng hương và tự xếp đèn lồng thả hoa đăng tưởng niệm trên bến Vũng Rô – một trong những mốc son trên cung đường huyền thoại. Chúng tôi đã lặng người nhìn mãi theo những chiếc đèn hoa đăng chờ đầy niềm biết ơn, tự hào trôi ra biển dưới sự chứng giám của vầng trăng 16 vằng vặc.
Đoàn hành trình làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ trên boong tàu. |
Tại đây chúng tôi cũng đã gặp CCB Hồ Đắc Thạnh – nguyên là thuyền trưởng tàu 41, đã vận chuyển thành công 3 chuyến hàng vào bến Vũng Rô an toàn với gần 200 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Những câu chuyện mà ông kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi đều nhuốm màu huyền thoại. Ngày ấy sau 2 chuyến hàng thành công, đến chuyến thứ 3 thì tàu 41 cập cảng đúng đêm giao thừa Ất Tỵ, cả tàu đã chuẩn bị một ít bánh chưng, cành đào để đón Tết ngay tại bến cảng với sự tham dự của đông đảo bà con bản xứ. Giờ phút chia tay, cô gái giao liên trao cho ông Hồ Đắc Thạnh một bọc nhỏ với lời nhắn nhủ:“Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất. Dù giặc càn quét, lùng sục, bắt bớ, tàn sát dã man, đồng bào lên núi ăn củ mài, quả sung, quả vả thay cơm nhưng vẫn một lòng, một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, là mồ chôn thây quân giặc cướp nước!”. Sau mấy chục năm tìm kiếm, ông Thạnh đã tìm gặp được cô giao liên ấy. Giờ tóc ai cũng đã ngả màu thời gian nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên như ngày xưa… Nắm đất ấy giờ nằm trong bảo tàng Quân chủng Hải quân Việt Nam như một chứng tích của lòng quả cảm, chí kiên trung, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.
Từ trên đỉnh đèo Cả nhìn xuống Vũng Rô thật yên bình với tấp nập thuyền ghe được che chắn bởi những vách đá dựng đứng bao quanh và 2 hòn đảo nhỏ phía trước làm bình phong. Nhờ vị thế đặc biệt ấy mà Vũng Rô tuy bị địch đóng chốt khắp nơi vẫn được chọn làm nơi đón nhận từng chuyến chi viện của miền Bắc. Về sau, vào đầu năm 1965, sự kiện tàu 43 bị lộ khiến ta phải hủy điểm nhận hàng. Tuy vậy chỉ chừng ấy thôi cũng khiến bến Vũng Rô trở thành một dấu tích quan trọng, một cái tên chói sáng trong lịch sử chống Mỹ của dân tộc ta. Đoàn hành trình của chúng tôi đã có một trải nghiệm quý giá khi dừng lại nơi đây với cuộc thi vận chuyển hàng hóa, với bữa cơm dã chiến tự nấu lấy, với hoạt động nhắn tin góp đá xây Trường Sa, nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long v.v…
Nhắn tin ủng hộ chương trình góp đá xây Trường Sa. |
Rời các bến cảng trong sự lưu luyến vấn vương, chúng tôi lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình đầy ý nghĩa. Và tâm hồn chúng tôi lại được bồi đắp thêm những lớp lang mới khi đoàn hành trình tổ chức làm lễ tưởng niệm những anh hùng, liệt sỹ đã dâng hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp ngay giữa boong tàu, giữa mênh mông biển lớn Hòn Hèo (Ninh Hòa – Khánh Hòa) - nơi đồng chí Phan Vinh và đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ấy là phút giây những trái tim hồng tươi cùng chung nhịp đập thiêng liêng, kính cẩn. Tôi nghe đâu đó trong muôn trùng con sóng, tiếng của ngàn xưa vọng lại. Tôi nghe trong vi vút gió trời tiếng gọi tới mai sau. Hẳn rằng, khi giây phút ấy qua đi, điều đọng lại trong tâm khảm bạn bè, đồng chí của tôi sẽ là những tình cảm rất mới với biển quê hương, là ý thức cao hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong từng khoảnh khắc mặc niệm, dâng hương và nhẹ nhàng thả những cánh hoa tươi thắm xuống đại dương ấy, không chỉ tất cả chúng tôi lặng đi mà đến cả sóng và mây trời như cũng lặng im trôi trong miền hoài niệm. Biển xanh đã ôm vào lòng tất cả tình cảm của bao trái tim trẻ trung sôi nổi đầy hoài bão, đã ghi nhớ thời khắc tri ân đầy xúc động của tuổi trẻ cả nước. Tôi thầm nghĩ, nơi xa xôi ấy, linh hồn các liệt sỹ cũng đang bay về bên chúng tôi để chứng kiến những tấm lòng thơm thảo. Bạn Thạch Thị Sà Phải (cán bộ đoàn ở Sóc Trăng) tâm sự: “Những ngày tham gia hành trình là một trong những ngày ý nghĩa nhất trong quãng đời tuổi trẻ của tôi.Từ những gì đã trải qua, tôi sẽ có thêm nhiều động lực hơn nữa để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Cùng nhau ăn bữa cơm dã chiến. |
Dọc theo hành trình, tôi đã được thu vào tầm mắt mình những dãy đảo xa mờ sương, những bến bờ tít tắp phía đất mẹ Âu Cơ đêm ngày yên bình nằm nghe biển hát. Để có được khung cảnh ấy, thế hệ ông cha đã phải dâng hiến quãng đời thanh xuân đẹp đẽ nhất, biết bao máu xương của cha ông đã phải đổ xuống, biết bao năm tháng tuổi xuân đã ở lại miền bão giông, đạn lửa. Chẳng có lời nói nào, hành động nào có thể tri ân hết được những mất mát của một thởi xẻ dọc biển Đông đi cứu nước, chúng tôi chỉ biết lặng im gửi tâm tư của mình qua muôn trùng sóng biển.
Biển dữ dội và dịu êm. Biển âm thầm và mạnh mẽ. Biển đã hiến dâng cho lịch sử Việt Nam một con đường đầy huyền thoại. Và hôm nay lại cho chúng tôi những thời khắc vô cùng qúy giá, đáng tự hào của một thời tuổi xuân trên đất nước thanh bình….Đêm nay, biển trở nên kỳ ảo trong ánh trăng bàng bạc. Cảnh sắc thật yên bình. Và tôi tin, những điều chúng tôi đang được trải nghiệm sẽ là động lực thúc đẩy sự cống hiến, tô đậm thêm niềm tự hào về cha ông mình, từ đó chinh phục đỉnh cao tri thức để viết tiếp những huyền thoại mới trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thời kỳ CNH – HĐH…
Theo Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh