Viết thêm về gia tộc giữ báu vật Hoàng Sa

Viết thêm về gia tộc giữ báu vật Hoàng Sa
TP - Gần 200 năm qua, các thế hệ gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã gìn giữ bức văn bản cổ, bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa.

Những con sóng dập dềnh vỗ bốn bề huyện đảo đang bước vào mùa biển động. Tuy nhiên, cái ồn ào đó chẳng chen lấn vào không khí trang trọng đang diễn ra tại gia đình ông Đặng Lên (68 tuổi, thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn) - người đang giữ báu vật về Hoàng Sa.

Thắp nén nhang cáo tổ tiên, đôi tay nhăn nheo nhẹ nhàng lật mở ngăn kéo tủ thờ, kính cẩn lấy hộp gỗ nhỏ đặt trước các vị khách. Bức văn bản cổ cất cẩn thận trong hộp gỗ, in trên giấy dó mỏng.

“Hơn 174 năm qua, đây được xem như gia bảo của dòng họ”, ông Đặng Lên tâm sự. Ngồi cạnh, ông Nguyễn Hiển Đạt (76 tuổi, ở xã An Vĩnh) dịch nghĩa từng dòng nội dung:

“Bức văn bản cổ là giấy triệu tập (tương đương lệnh gọi nhập ngũ ngày nay) phái một đội thuyền gồm ba chiếc, mỗi chiếc chở tám binh sỹ mang theo binh khí và lương thực, thực phẩm ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi - 1835)”.

Ông Lên hồi tưởng: “Khoảng sáu đời trước, cụ kỵ chúng tôi là một vị đà công xuất sắc, được  nhà vua sai phái, cùng dân địa phương đi thuyền ra đảo Hoàng Sa để bảo vệ biên cương tổ quốc. Mỗi lần như thế đều lưu lại những sắc chỉ”.

Ấn của vua được đóng trên sắc chỉ

Ông cũng chỉ nhớ được thế hệ mình tiếp nhận gia bảo đó cách đây gần 50 năm. Ngày đó, cả dòng họ Đặng hợp tộc. Vị trưởng họ thắp nhang trên bàn thờ gồm trầu cau, đỉnh rượu và những lễ vật, kính mời các vị hiền nhân khai sáng về chứng giám giờ phút quan trọng.

“Dù con cháu hợp tộc nhưng chỉ những người trưởng trong dòng họ và cháu đích tôn mới được biết đích xác nội dung và vị trí lưu giữ, còn lại mọi người chỉ truyền tai nhau về những gia bảo như thế”.

“Sang năm nay, dòng họ Đặng có đại sự, chúng tôi mới sắm lễ xin tổ tiên để lấy phổ hệ bổ sung danh sách vào gia phả. Trong lúc dâng hương, tôi cảm nhận có sự mách bảo nên mới lấy văn bản cổ này ra, in thành ba phụ bản, một cho tôi, một cho chú Tám và một cho cháu Đặng Văn Thanh - người đang hương khói ngôi nhà thờ họ Đặng ở làng An Hải, để làm sáng tỏ công trạng của tổ tiên”, ông Đặng Lên cho biết.

... và tư liệu Hoàng Sa

Biết là văn bản quý nhưng gia tộc không biết đầy đủ giá trị của nó, nên anh Đặng Văn Thanh đã tìm đến Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi - người dày công nghiên cứu về lịch sử- văn hóa của huyện đảo Lý Sơn, và là người phụ trách công tác bảo tồn, bảo tàng, nghiên cứu lịch sử đội Hoàng Sa - Trường Sa.

“Văn bản này chính là sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến đội hùng binh giữ đảo Hoàng Sa. Thêm một bằng chứng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ trước đến nay một số dòng tộc trên đảo đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều tài liệu liên quan đến quần đảo này nhưng đều là bản photocopy. Chỉ có sắc chỉ mà ông Đặng Lên cung cấp lần này là bản gốc” - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ khẳng định.

Nội dung bức bản này là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1835), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Bản dịch của ông Nguyễn Hiển Đạt (xã An Vĩnh) có đoạn:

Nay triều giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn tuyển chọn những thanh niên tinh thông võ nghệ, giỏi bơi lội để sung vào đội thuyền, giao Đặng Văn Siểm (thuộc dòng họ Đặng cùng chi nhánh với ông Đặng Lên - người đang giữ sắc chỉ hiện nay) đảm trách việc dẫn đường, giao Võ Văn Công phụ trách lương thảo...”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, trong khi các bộ chính sử và các tư liệu được tìm thấy trước đó chưa xác thực được nhiều vấn đề về cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành..., văn bản cổ của gia tộc họ Đặng lại có thêm nhiều thông tin quý, thể hiện khá rõ những vấn đề còn bỏ trống này.

Theo đó, mỗi đợt xuất quân của đội hùng binh ra đảo Hoàng Sa đều mang theo ba chiếc thuyền, mỗi chiếc chở theo tám binh sỹ cùng binh khí, lương thực, thực phẩm, nẹp tre để bó thi thể khi hi sinh.

Dẫn đoạn bản dịch ở đầu tờ sắc chỉ có nội dung: Làm bằng chiếu theo tháng trước. Không phải một năm chỉ có đi một đợt vào tháng Hai mà còn có một đợt đi Hoàng Sa vào tháng Ba nữa...

Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh. Điều này lý giải tại sao dân huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không phải chỉ vào dịp tháng Hai mà còn tổ chức vào cả tháng Ba.

Nhiều năm nghiên cứu về Lý Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đặc biệt chú ý đến những bậc hiền nhân, trong đó có chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật (1804 – 1854, húy Phạm Văn Triều, người xã An Vĩnh, Lý Sơn), thế hệ thứ Tư tộc Phạm Văn.

Chính sử triều Nguyễn như Đại Nam Thực lục Chính biên, Quốc triều Chính biên Toát yếu… còn ghi rất rõ: Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân, 1837), Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc và cắm mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa - được xem là người đầu tiên dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa.

“Rõ ràng, việc phát hiện sắc chỉ của gia tộc họ Đặng, đồng nhất với những tài liệu có được trước đó và khẳng định việc điều lính và thuyền ra đảo Hoàng Sa là công việc thường niên và rất được coi trọng của vua Minh Mạng và các nhà nước phong kiến Việt Nam từ trung ương đến địa phương, nhằm bảo vệ chủ quyền của vùng đảo này. Văn bản là một bằng chứng để khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam” - Tiến sĩ Vũ khẳng định.

Lý Sơn - kho tư liệu quý về Hoàng Sa

“Không riêng sắc chỉ vừa được công bố, huyện đảo Lý Sơn chúng tôi bao đời  giữ được nhiều tư liệu quý về quần đảo Hoàng Sa. Nhìn vào những bằng chứng hùng hồn hóa thân vào hai hình thức văn hóa và lịch sử có thể nói đến một Hoàng Sa hiện hữu ngay trên đảo Lý Sơn” - Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lý Sơn, cho biết.

Các dòng tộc trên huyện đảo đều bằng cách này, cách khác lưu giữ những văn bản để báo công các vị tiên liệt trong việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.

Ông Phạm Thoại Tuyền, ban khuyến học xã An Vĩnh (Lý Sơn) cho biết, trải qua các thời kỳ khó khăn, khắc nghiệt, một số tư liệu quý bị mất mát, thất lạc, tuy nhiên những bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn vẫn hiện hữu ở rất nhiều hình thức: đó là các bài vị thờ, tiểu tôn biệt kỷ (gia phả) tại các gia tộc, nhất là âm linh tự - nơi tổ chức các buổi lễ tế và tiễn đưa con em vượt biển đến Hoàng Sa với sắc chỉ vua Minh Mạng ban hành (mà ông Đặng Lên đang lưu giữ).

Đó là những ngôi mộ gió (mả chiêu hồn) - nơi chôn cất hình nhân thế mạng những người lính hi sinh trong thời gian thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa và những lễ khao lề thế lính được tổ chức tháng Hai và Ba âm lịch hàng năm mang đậm dấu ấn tâm linh...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.