Việt - Nhật hợp tác nâng cao năng lực trên biển

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tại buổi họp báo chiều 31/7. Ảnh: Tuấn Anh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tại buổi họp báo chiều 31/7. Ảnh: Tuấn Anh.
TP - Trên tinh thần quan hệ chiến lược sâu rộng, Việt Nam và Nhật đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hai nước hợp tác để nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 31/7, khi trả lời câu hỏi Việt Nam và Nhật Bản có kế hoạch hợp tác cụ thể gì để nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trong khi Ngoại trưởng Nhật Bản đang ở Hà Nội. 

Từ ngày 31/7 đến 2/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 6. Chuyến thăm và phiên họp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, tăng cường sự tin cậy và hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, nông nghiệp, thương mại, đầu tư...

Trước việc Philippines thông báo rằng, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 8 tại Myanmar, Philippines sẽ đưa ra kế hoạch 3 hành động, trong đó có việc dừng mọi hoạt động gây căng thẳng trên biển Đông, ông Lê Hải Bình nói Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến, mọi nỗ lực có tính xây dựng, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực. 

Đoàn Việt Nam tham gia vào Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Nay Pi Taw, Myanmar lần này cũng sẽ có những đóng góp thiết thực, những sáng kiến để góp phần củng cố sự đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan hệ của ASEAN với các đối tác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trong khu vực. 

Trước việc Trung Quốc vừa thông báo tập trận bắn đạn thật gần vịnh Bắc bộ giáp với vùng biển Việt Nam, ông Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi cho rằng, hoạt động của các bên trên biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, không làm phức tạp tình hình và không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại khu vực”. 

Trước câu hỏi liệu đợt tập trận của Trung Quốc có ảnh hưởng các tàu cá, tàu kiểm ngư và hàng không Việt Nam, ông Lê Hải Bình trả lời: “Theo thông tin chúng tôi được biết, mọi hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trên biển cũng như của các ngư dân vẫn diễn ra bình thường”.

Có hiểu nhầm trong chuyến thăm của báo cáo viên LHQ

Về thông tin ông Heiner Beilefeldt, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo, đưa ra trong cuộc họp báo ngày 31/7, sau chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 31/7, ông Lê Hải Bình cho biết, chuyến thăm của ông Beilefeldt là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ. 

Việc đón báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, tính cả lần này, Việt Nam đã đón 6 thủ tục đặc biệt của LHQ. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khi ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ và các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát.

“Về một số vấn đề ông Beilefeldt nêu tại cuộc họp báo ngày 31/7, tôi cho rằng đã có sự hiểu lầm, chưa trao đổi hết thông tin. Theo nghị quyết 5/2 của Hội đồng Nhân quyền, nước chủ nhà có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho báo cáo viên đặc biệt trong suốt chuyến thăm. Luật pháp Việt Nam bảo đảm mọi người dân có quyền tự do tiếp xúc, gặp gỡ với bất cứ ai họ muốn. Thời gian qua, 6 thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền đã thăm Việt Nam, tiếp xúc với rất nhiều cá nhân, tổ chức và thành công tốt đẹp”, ông Phạm Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao, khẳng định.

Ông Bielefeldt đã làm việc với đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan tại trung ương và một số địa phương; thăm các cơ sở tôn giáo, gặp một số tổ chức, cá nhân để tìm hiểu thực tiễn đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. 

Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, báo cáo viên đặc biệt đã tập trung trao đổi về chính sách, luật pháp và thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam đã nêu bật chính sách, nỗ lực, thành tựu cũng như chia sẻ các khó khăn, thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân, đồng thời trao đổi các định hướng của Việt Nam nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do của người dân trong lĩnh vực này. 

Các cơ quan của Việt Nam cũng giải đáp những thắc mắc, quan tâm mà báo cáo viên đặc biệt nêu tại các cuộc tiếp xúc. Kết thúc chuyến thăm, ông Bielefeldt ghi nhận những tiến triển tích cực của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân.

Vụ việc phát hiện thi thể người phụ nữ Việt tên là Đỗ Thị Mỹ Tiên ở Hàn Quốc, ông Lê Hải Bình cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang cùng cơ quan chức năng địa phương thúc đẩy điều tra và trợ giúp gia đình nạn nhân. Về việc đưa thi thể 3 mẹ con người Việt thiệt mạng trong vụ máy bay Malaysia MH17 bị bắn hạ ở Ukraine, Người phát ngôn cho biết, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia, Hà Lan, Ukraine vẫn đang tích cực phối hợp để xác minh thi thể của 3 nạn nhân để đưa về nước theo nguyện vọng của gia đình.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.