Viết nhân 1.300 năm một sự kiện

Viết nhân 1.300 năm một sự kiện
TP - Đêm 23-2, tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể kỷ niệm 1.300 năm cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Sự kiện được truyền hình trực tiếp.

Giản dị, chắc khừ như sử

Đất Lam Hồng Nam Đàn dày rịt di tích nhưng đền thờ cùng ngôi mộ của Mai Hắc Đế có cái tên dân dã Vua Đen vẫn có sức mời gọi thu hút riêng với du khách.

Đền
Đền.

Thành cổ Vạn An, nay là thị trấn Sa Nam, Nam Đàn đã thành hoang phế là nơi căn cứ khởi nghĩa của nghĩa quân Mai Thúc Loan. Đây cũng là đại bản doanh cuộc khởi nghĩa Hoan Châu ngay sát bờ sông Lam cũng là nơi viên thổ hào danh tiếng Mai Thúc Loan hợp sức với quân Chiêm Thành Lâm Ấp tạo nên thế lực cự địch đáng gờm với chế độ cai trị hà khắc của chế độ Bắc thuộc Đường Huyền Tông.

Từ Vạn An, nghĩa quân Mai Thúc Loan đã tung hoành khắp một dải miền Trung và miền Bắc đánh cho quân tướng chế độ cai trị nhà Đường thất điên bát đảo giải phóng cả một vùng đất rộng lớn.

Sử Trung Hoa cũng phải cay đắng chép cái năm bùng nổ cuộc khởi nghĩa là năm Khai Nguyên thứ 1 (tức năm 713) “Mai Thúc Loan làm loạn, vây đánh châu huyện, tự xưng Hắc Đế” (Cựu Đường thư.Q.184), “đặt hiệu Hắc Đế” (Tân Đường thư, Q.8), “dấy dân chúng 32 châu” (Tân Đường thư, Q.207), “bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ vùng Hải Nam”, “mưu hãm An Nam Phủ” (Cựu Đường thư, Q184; Sách Phủ nguyên qui, Q.667).

Và kết quả là cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, quân nhà Đường tháo chạy ra nơi biên ải.

Đây là lần thứ hai có một viên thổ hào An Nam (sau Lý Bí tức Lý Nam Đế với quốc hiệu Vạn Xuân) xưng đế, lập quốc, tỏ ý độc lập với phương Bắc. Đó là mối lo của Tùy Đường.

Năm 722, Vua Đường quyết rửa nhục, phái Dương Tư Húc, một tay chân thân tín, dẫn hơn 10 vạn đại quân cùng hợp với Quang Sở Khánh đánh úp vào Tống Bình ( Hà Nội bây giờ).

Bất ngờ trước thế quân đông như kiến của quân giặc, Mai Hắc Đế cho quân lui về thành Vạn An cố thủ, khôi phục lực lượng để chờ thời phản công. Nhưng chẳng may, chỉ ít lâu sau ông đã lâm bệnh nặng rồi băng hà, người con trai là Thiếu đế Mai Thúc Huy lên ngôi, cầm cự được chẳng bao lâu thì thất bại.

Mộ Mai Hắc Đế. Ảnh: X.B
Mộ Mai Hắc Đế. Ảnh: X.B .

Ghi nhớ công ơn của các vị vua triều nhà Mai cùng các tướng sĩ, từ ngàn đời nay dân chúng vùng Nam Đàn đã chung lòng dựng đền lập miếu để đời đời hương khói.

Lễ hội chính tưởng nhớ Mai Hắc Đế được tổ chức vào rằm tháng Giêng. Bên cạnh đó, người dân còn tổ chức giỗ cho vợ và con, các tướng sỹ của vua Mai rất chu đáo.

Đặc biệt rằm tháng Bảy, các thương nhân ở chợ Sa Nam không ai bảo ai tự ngưng việc buôn bán, cùng nhau góp tiền để sắm lễ tế các nghĩa sĩ đã hy sinh.

Lễ vật gồm có bỏng ngô, bỏng nếp, cháo trắng. Cháo được đặt trong những chiếc lá đa, cúng cùng hoa quả, đồ mã, giày dép, ở giữa mâm lễ người ta dựng một ông tướng bằng nan, bồi phết giấy rất đẹp, cúng xong thì hóa. Lễ vật được phát cho các nhà nghèo và ăn mày.

Và rối rắm hoa mỹ cũng... sử!

Bộ quốc sử đầu tiên chép về Mai Thúc Loan là Đại Việt sử ký toàn thư (phần Ngoại kỷ do Ngô Sĩ Liên biên soạn, được khắc in năm 1697) chỉ chép một đoạn rất vắn tắt:

“Năm Nhâm Tuất [1722] (Đường Huyền Tông Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10), tướng giặc là Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn. Vua Đường sai Nội thị Tả giám môn Vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được”. Có vẻ như nhà sử học danh tiếng này đã sơ suất khi tham khảo Đường thư và thiếu tinh thần phê phán đến mức độ gọi Mai Thúc Loan là “tướng giặc”?!

Bộ quốc sử thứ hai là Đại Việt sử ký tiền biên do Ngô Thì Sĩ biên soạn và con là Ngô Thì Nhậm dâng lên vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản và được khắc in năm 1800 như bộ chính sử của vương triều Tây Sơn.

Về Mai Thúc Loan, bộ sử này chép: “Nhâm Tuất [722] (Đường Huyền Tông Khai Nguyên năm thứ 10), bấy giờ người Hoan Châu là Mai Thúc Loan chiếm cứ Hoan Châu, tự xưng Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, quân số có tới 30 vạn. Quân nhà Đường sai Nội thị tả đô hộ là Nguyên Sở Khách dẹp yên được".

Bộ sử cũng chép lời bàn của Ngô Thì Sĩ: “Đương lúc nội thuộc, Mai Hắc Đế ở Nam Đường khởi binh chiếm giữ châu, không chịu sự trói buộc của bọn quan lại bạo ngược, cũng là tay lỗi lạc trong bậc thổ hào. Thành công thì có Lý Bôn, Triệu Quang Phục, không thành công thì có Phùng Hưng, Mai Thúc Loan. Họ đáng được nêu ra mà biểu dương. Nhưng sử cũ lại chép là "tướng giặc" là sai lầm!”.

Bộ quốc sử thứ ba là Khâm định Việt sử thông giám cương mục biên soạn từ năm 1856 đến năm 1884 thời Nguyễn và khắc in năm 1884, với phương pháp làm sử viết sử tương đối khoa học khách quan.

Về Mai Thúc Loan, các bộ quốc sử thời Nguyễn không chỉ tham khảo Đường thư và thư tịch Trung Quốc mà còn dựa vào tư liệu trong nước để chú dẫn về nguồn gốc quê quán của Mai Thúc Loan là “người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu, bây giờ thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Thúc Loan người đen lắm nên người Hoan Châu gọi là Hắc Đế. Nay còn vết thành cũ ở núi Vệ thuộc huyện Nam Đường và có đền thờ ở xã Hương Lãm thuộc huyện ấy. Đền này được liệt vào hàng đền thờ đế vương các triều đại”.

Những bộ sử sau đó như Việt sử cương mục tiết yếu rồi Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim... hay địa chí như Đại Nam nhất thống chí... đều dựa vào quốc sử để chép vắn tắt về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

Các sách và giáo trình lịch sử Việt Nam cho đến đầu những năm 70 thế kỷ XX đều chép về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan trên cơ sở những nguồn tư liệu trên.

Nhưng lạ lùng lẫn oái oăm, trong các sách sử dưới chế độ mới, ngoài một số sách nói sai, chệch năm khởi nghĩa của Mai Thúc Loan lại bỗng xuất hiện một chi tiết, một sự kiện: Do nạn cống vải mà phát sinh cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan!

Xin dẫn sơ sơ:

1. Sách Lịch sử Việt Nam tập 1 (NXB KHXH, Hà Nội, 1971) viết: “Năm 722, Mai Thúc Loan hiệu triệu những người dân phu phải đi gánh vải quả nộp cống cho chính quyền nhà Đường nổi dậy khởi nghĩa” (trang 129).

2. Giáo trình Lịch sử Việt Nam tập 1 (NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, 1985, 1991) viết: “Năm 722, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân phu đã cùng ông phải đi gánh vải quả nộp cống cho chính quyền nhà Đường nổi dậy khởi nghĩa” (trang 312).

3. Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1 (NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006) ở trang 94 cũng viết "vì Mai Thúc Loan phải gánh quả vải tươi nộp cống cho Dương Quý Phi nên ông đã cùng đám nông phu nổi dậy chống ách thống trị của nhà Đường" (trang 94).

4. Quyển “Việt Nam – Những sự kiện lịch sử từ khởi thủy đến 1858 của Viện Sử học (NXB Giáo dục, HN 2001) viết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan “Hằng năm, chúng bắt nhân dân Phong Châu phải cống loại tơ “bát tàm” (tơ của loại tằm một năm tám lứa), tàn nhẫn hơn nữa là bắt hàng ngàn nhân dân Hoan Châu phải đi cống nạp vải quả. Quả vải tươi phải gánh bộ sang kinh đô nhà Đường. Nhân dân cả nước căm giận, đặc biệt là nhân dân Hoan Châu, Phong Châu. Mầm khởi nghĩa của nhân dân ta bắt đầu từ những vùng này” (trang 39).

5. Tất cả các sách giáo khoa lịch sử các cấp, khi viết về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan đều viết khá dài về việc Mai Thúc Loan từng làm phu gánh quả vải đi cống, từ đó mà nổ ra cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo.

Một vài sách còn lâm ly rằng Dương Quý Phi thích ăn quả vải An Nam nên vua Đường chiều chuộng và bắt An Nam tiến cống!

Quả vải tươi phải gánh bộ sang kinh đô nhà Đường ròng rã trên lộ trình hơn 4.000 km?! Tra sử chợt giật thột, Dương Quý Phi sinh năm 719! Theo chính sử, cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đã tiến hành được 6 năm!

Có lẽ sự kiện cống vải, việc cống vải trong thời Bắc thuộc là không có cơ sở khoa học (từ thời Đường đã có giống vải ở vùng nam Trung Quốc quá nổi tiếng, mãi thế kỷ XIX giống này mới được di thực sang nước ta gọi là vải Thiều).

Mai Thúc Loan cùng đoàn phu chuyên chở vải cống bất bình nổi dậy là không đúng về nguyên nhân khởi nghĩa. Chế độ cai trị hà khắc cùng nạn sưu dịch nặng nề Bắc thuộc thời Mai Thúc Loan có quá nhiều nguyên nhân để dân ta nổi dậy cứ gì duyên do việc cống vải?

Xin tham khảo thêm ý kiến và luận cứ của GS Phan Huy Lê mới đây:

Theo kết quả tra cứu của tôi thì vào thời thuộc Đường, không tìm thấy một tư liệu đáng tin cậy nào về chế độ cống vải từ Giao Châu hay An Nam, tức từ nước ta. Còn việc tiến vải cho Dương Quý Phi xảy ra sau khởi nghĩa Mai Thúc Loan và là quả vải cống của vùng Lĩnh Nam, từ Quảng Châu, Nam Hải của Trung Quốc. Phương thức chuyển quả vải cống thời này được ghi rõ là dùng ngựa trạm chạy khẩn cấp từ Lĩnh Nam đến Trường An làm sao bảo đảm quả vải tươi. Vì vậy câu chuyện Mai Thúc Loan đã từng đi phu cống vải là không có cơ sở và có lẽ chỉ thuộc phạm trù truyền thuyết dân gian!

May thay, những lần xuất bản gần đây trong sách giáo khoa lịch sử các bậc học, người ta đã lặng lẽ bỏ đi các đoạn cống vải lâm ly ấy! Công bằng. Khoa học. Khách quan có lẽ luôn là tiêu chí của nhà làm sử mọi thời?

Nguyên Tiêu năm Tỵ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.