Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỉ đô la Mỹ nhờ FDI

Giá gạo xuất khẩu giảm làm nhóm hàng nông sản bị giảm khoảng 160 triệu đô la trong quí 1. Ảnh TL SGT
Giá gạo xuất khẩu giảm làm nhóm hàng nông sản bị giảm khoảng 160 triệu đô la trong quí 1. Ảnh TL SGT
Dù giá xuất khẩu giảm mạnh và lượng hàng tồn kho trong nước sản xuất vẫn chưa giảm nhưng quí 1 năm nay Việt Nam đã xuất siêu hơn 1 tỉ đô la Mỹ, nhờ các doanh nghiệp FDI.

Tin từ Bộ Công thương cho biết, trong tháng 3 Việt Nam nhập siêu khoảng 300 triệu đô la Mỹ nhưng tính chung cả quí 1 thì xuất siêu hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Sự dịch chuyển cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu là nhờ các doanh nghiệp FDI xuất siêu 3,9 tỉ đô la trong quí 1. Còn khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 2,9 tỉ đô.

Tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1 năm nay ước đạt 33,35 tỉ đô la, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 10,9 tỉ đô la, chiếm 32,6%, còn xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 22,47 tỉ đô la, chiếm 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 20,78 tỉ đô la, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2013.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá quí 1 ước đạt 32,3 tỉ đô la, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 18,6 tỉ đô la, tăng 14,6%, chiếm tỷ trọng 57,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp nội ước đạt gần 13,8 tỉ đô la, chiếm 42,6% tổng kim ngach nhập khẩu , tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo đánh giá của bộ Công Thương, một số mặt hàng có quy mô và tốc độ xuất khẩu tăng cao là nhân tố chính đóng góp vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến, nhóm có quy mô lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (chiếm 70,6%). Trong nhóm này gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%, hàng dệt và may mặc tăng 21,9%, giày dép và các loại tăng 25,9%, điện thoại và linh kiện tăng 22,7%.

Tuy tình hình xuất siêu khả quan như vậy nhưng giá xuất khẩu quí 1 năm nay không được lợi. Giá bình quân của hầu hết các mặt hàng nhóm nông sản giảm, thậm chí có mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu giảm đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chẳng hạn giảm khoảng 160 triệu đô la.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước vẫn chưa khả quan. Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của một số sản phẩm cao so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 1-3-2014, lượng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó một số ngành chỉ số tồn kho cao là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 46,7%, sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự tăng 70,7%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 41,2%..

Bộ Công Thương: vẫn kiên quyết ưu đãi cho các dự án bô-xít

Bộ Công thương vẫn kiên quyết giữ nguyên quan điểm bảo vệ những đề xuất về ưu đãi nhằm giảm lỗ cho các dự án bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ. Theo lời ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng nói tại cuộc họp báo ngày 7-4 của bộ, hiện nay bộ đang tiến hành đề xuất giảm thuế và phí với hai dự án. Mức thuế giá trị gia tăng đề xuất cho sản phẩm là 0%.

Tiếp đó là đề xuất giảm phí môi trường vì cho rằng phí môi trường hiện ở mức 30.000 đồng đến 50.000 là quá cao. Tuy nhiên các dự án khai khoáng khác, tùy theo loại sản phẩm đều phải đóng đúng mức phí nhà nước quy định.

Bộ này còn đề nghị không chi trả việc bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành mà chỉ tiến hành đền bù tài sản hoa màu có trên đất, chỉ trả tiền thuê đất cho người dân.

Theo tính toán của Bộ Công thương, dự án Tân Rai sẽ lỗ trong 5 năm đầu tiên và mất 12 năm hoàn vốn. Dự án Nhân Cơ sẽ lỗ trong 7 năm đầu tiên và thời gian hoàn vốn là 13 năm . Dự án tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỉ đồng trong vòng 3 năm đầu. Trong khi con số ở Nhân Cơ là 3000 tỉ đồng cho 6 năm.

Theo Lan Nhi

Theo Saigontimes
MỚI - NÓNG