Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh Hoa Kỳ trong việc hợp tác tẩy độc môi trường nhiễm dioxin tại Việt Nam thời gian qua; nhấn mạnh trong hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có tẩy độc môi trường nhiễm dioxin, đặc biệt là khu vực nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị Hoa Kỳ thời gian tới tích cực hợp tác với Việt Nam để sớm triển khai và hoàn thành Dự án tẩy độc môi trường nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, nhằm giải phóng đất đai bị ô nhiễm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Cảm ơn Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã dành thời gian đón tiếp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis khẳng định sẽ cam kết cùng Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, các hoạt động gìn giữ hòa bình và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bộ trưởng James Mattis cho biết thêm, kết quả chuyến thăm lần này sẽ là cơ sở báo cáo Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh về dioxin.
Trước đó, Bộ trưởng James Mattis đã trực tiếp xuống thăm khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), địa điểm mà Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án xử lý dioxin.
Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm nhất ở Việt Nam với khoảng 500.000 mét khối đất ô nhiễm dioxin. Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai nhiều dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Trong đó “Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa” được Bộ Quốc phòng khởi công ngày 16/9/2017, với tổng trị giá dự án khoảng 270 tỷ đồng.
Ngày 11/5/2018, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam đã ký thỏa thuận triển khai Dự án “Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1,”được thực hiện từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Quá trình xử lý dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm.