Việt Nam tính GDP không giống ai!

Cần một bộ tiêu chí chung cho cách tính GDP. Ảnh: Ngọc Châu
Cần một bộ tiêu chí chung cho cách tính GDP. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Các nước thế trên giới nhìn vào Việt Nam, thấy địa phương nào cũng có tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng 9-10%/năm, thậm chí tăng đến 15%, nhưng GDP cả nước chỉ đạt 5-7%- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc ngành KH&ĐT, tổ chức tại Đà Nẵng (từ 7-8/8).

Từ năm 2018, Tổng cục Thống kê trực tiếp tính tăng trưởng GDP cho các địa phương thay vì tỉnh thành tự tính như hiện nay. 

Theo ông Vinh, GDP ở các địa phương tăng “đột biến” bởi cách tính bị “trùng, ảo”. Như các địa phương có cửa khẩu như TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn… mỗi năm có thể xuất khẩu 3-5 tỷ USD/cửa khẩu. Nhưng toàn bộ giá trị sản xuất đó không phải do tỉnh đó làm ra mà do các địa phương khác. Cả nước tính rồi, ông lại đem ra tính tiếp nên bị trùng. 

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Quy trình tính GDP hiện bộc lộ hạn chế, bất cập cả về chất lượng số liệu, tính đồng bộ, thống nhất trong phương pháp thu thập nguồn thông tin đổ vào, cách thức tổ chức thực hiện dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa GDP toàn nền kinh tế và tổng cộng GRDP tỉnh cho 63 tỉnh, thành. 

Nguyên nhân là các địa phương chịu ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng thời kỳ và kế hoạch hằng năm. Nhưng kế hoạch này phần lớn không dựa trên cơ sở nguồn lực, dẫn đến con số tăng trưởng cao. Bên cạnh phải kể đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn và đội ngũ cán bộ thống kê biên soạn GDP còn hạn chế. 

Ông Vinh cho rằng, cách tính GDP hiện nay không thể chấp nhận được trong kinh tế. Các nước trên thế giới không ai tính GDP cho tỉnh, thành mà chỉ tính GDP chung cho cả quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta đang thời kỳ chuyển đổi nên chấp nhận tính GDP cho các địa phương mà chưa có cách nào khác để đánh giá, so sánh sự phát triển của các địa phương.

Ông Vinh cảnh báo, nếu cứ để các địa phương tính sai về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP của mình thì quyết sách sẽ sai.

Tiến đến một bộ tiêu chí chung

Ông Lâm cho hay, để khắc phục hạn chế này, quy trình tính GDP cho các địa phương được tập trung tại đầu mối Tổng cục Thống kê. 

Theo đó, từ năm 2016, Tổng cục trực tiếp biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP. Để không gây sự xáo trộn, trong 2 năm (2016-2017), Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê cấp tỉnh đồng thời cùng biên soạn số liệu GRDP, nhưng vẫn do Tổng cục Thống kê công bố. “Cách làm này loại trừ những nhân tố tính trùng”. 

Từ năm 2018, các địa phương không trực tiếp tính toán số liệu GDP của mình mà do Tổng cục Thống kê độc lập công bố. Với cách tính này, chắc chắn GDP các địa phương bị tụt vài con số. 

Theo ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, việc thay đổi cách tính GDP cho các địa phương sẽ mở ra một thời kỳ mới cho việc tính toán một cách nghiêm túc, chính xác, phù hợp với thực tế của tăng trưởng kinh tế xã hội của từng địa phương. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cũng nhất trí đến lúc không cần tính GDP cho các địa phương mà chỉ cần tính cho cả nước. Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định, tỉnh tự tính năm rồi GDP đạt 12% nhưng nếu T.Ư tính chắc còn 8-9%. Ông Văn Hữu Chiến-Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề xuất, cần có một bộ tiêu chí thống nhất tính GDP cho tất cả các địa phương vì các địa phương có những đặc trưng ưu thế riêng không giống nhau.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Cách tính GDP không sát thực, không sát thực tế và so với quốc tế là không giống ai cả. Tính tăng trưởng GDP cả nước, tính lạm phát từng tháng, quý hay năm thì các tổ chức quốc tế đánh giá là sát nhưng GDP ở các địa phương thì phải sát lại để phù hợp với thông lệ quốc tế. Tính lại là thấp hết. “Tỉnh nào tôi đi làm việc, tăng trưởng cũng trên 9-10%.

Nhưng cả nước cố lắm chỉ đạt 5,8%. Chúng ta nên chấp nhận tính lại một cách khoa học cho chính xác. Tinh thần là thế, còn cách làm Tổng cục Thống kê có hướng dẫn. Nếu tính lại xác thực chúng ta có cơ sở để xác định mục tiêu, kế hoạch 5 năm tới”- Thủ tướng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG