Việt Nam thực hiện thành công phương pháp mới 'cứu' bệnh nhân ung thư trực tràng

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp.  Đây là hướng đi mới để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp và ống hậu môn.

Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp. Phẫu thuật có tên gọi là TaTME (Transanal Total Mesorectal Excision). Đây là hướng đi mới để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp và ống hậu môn.

Đi ngoài ra máu - khám thì phát hiện ung thư trực tràng

Chị Nguyễn Thị M, 54 tuổi đến khám tại Phòng khám 414, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai vì cách đây 2 tháng, chị bị đi ngoài ra máu đỏ tươi, số lượng ít bao quanh phân dai dẳng. Qua khai thác bệnh sử, chị M đã mổ cắt tuyến giáp toàn bộ và đang điều trị hormon thay thế thường xuyên. Bác sĩ Vũ Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy cho biết: Đây là triệu chứng gặp ở rất nhiều bệnh lí khác nhau vùng hậu môn như trĩ hoặc táo bón. Những bệnh đó cũng gây hiện tượng đi ngoài ra máu do tổn thương niêm mạc hậu môn. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh lí ung thư vùng hậu môn - trực tràng. Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán chính xác để điều trị sớm thì mới đem lại hiệu quả cao và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Chia sẻ dưới góc độ thầy thuốc lâm sàng, bác sĩ Vinh, nhấn mạnh: Khi thăm khám những trường hợp này, động tác thăm khám hậu môn là vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ sơ bộ phân biệt các bệnh lý cơ bản liên quan đến hậu môn. Ở bệnh nhân M, ngay khi khám hậu môn, chúng tôi đã sờ thấy khối u sần sùi gần sát rìa hậu môn. Đây là triệu chứng tiên quyết để chẩn đoán khối u ở hậu môn - trực tràng thấp. Khối u tiến triển sùi vào lòng trực tràng, dẫn đến dễ chảy máu khi đi đại tiện. Để chẩn đoán xác định, chị M đã được chỉ định nội soi trực tràng.

Kết quả nội soi tiêu hóa khớp với nhận định ban đầu khi khám lâm sàng. Chị M có khối u sùi trực tràng thấp cách rìa hậu môn 5cm, chiếm gần hết chu vi. Sinh thiết tổn thương cho kết quả là tế bào ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Bệnh nhân M tiếp tục được chỉ định chụp cộng hưởng từ để đánh giá giai đoạn của khối u. Trên cơ sở đó, các bác sĩ có thể lập phương án điều trị tối ưu nhất.

Việt Nam thực hiện thành công phương pháp mới 'cứu' bệnh nhân ung thư trực tràng ảnh 1
Hình ảnh phẫu thuật TaTME

Nỗ lực ngược dòng để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh

Ung thư ống hậu môn - trực tràng là tổn thương ác tính ở phần cuối của ống tiêu hóa liên quan đến chức năng đại tiện. Khoảng cách của khối u có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật. Khối u càng thấp tức là càng sát lỗ hậu môn thì phẫu thuật càng khó khăn khi can thiệp đường bụng. Có hai vấn đề đặt ra trong phẫu thuật ung thư trực tràng thấp. Thứ nhất: cần phải thực hiện khéo léo để đạt được hiệu quả điều trị bệnh và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thứ hai, phải loại bỏ triệt để, rộng rãi tổ chức ung thư nhưng vẫn phải đảm bảo được chức năng đại tiện của bệnh nhân. Để đạt được mục đích điều trị triệt để những khối u gần hậu môn (cách rìa hậu môn ≤ 6cm) phải cắt cụt trực tràng (phẫu thuật Miles) tức là loại bỏ toàn bộ trực tràng và ống hậu môn, làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn trên thành bụng hố chậu trái. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Làm thế nào để người bệnh không phải gắn bó với hậu môn nhân tạo trong cả quãng đời còn lại mà vẫn điều trị được triệt căn khối u ác tính? Câu hỏi đau đáu đặt ra đối với các phẫu thuật viên trực tiếp điều trị cho bệnh nhân M hay với bất kỳ bệnh nhân nào khác có căn bệnh tương tự.

Chia sẻ về kết quả hội chẩn trước phẫu thuật cho bệnh nhân M, BS. Vinh cho biết: Kết quả chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân này cho thấy khối u còn khu trú ở thành trực tràng, chưa xâm lấn vào tổ chức xung quanh và cơ thắt. Đây là cơ sở để chúng tôi thực hiện phẫu thuật loại bỏ phần trực tràng có khối u và giữ lại cơ thắt hậu môn, đảm bảo chức năng đại tiện cho người bệnh.

Việt Nam thực hiện thành công phương pháp mới 'cứu' bệnh nhân ung thư trực tràng ảnh 2
Hình ảnh phẫu thuật TaTME

Phẫu thuật cắt trực tràng truyền thống được thực hiện qua đường bụng. Trước kia thường mổ mở. Sau này, khi khoa học phát triển đã được thay thế bằng phẫu thuật nội soi. Trực tràng là phần cuối của ruột già đi qua tiểu khung đến hết lỗ hậu môn. Do vậy khi tiếp cận đường bụng xuống tiểu khung sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ khung chậu là một ống xương cứng, không gian thao tác rất hẹp, đặc biệt, khi có khối u sẽ cản trở phẫu thuật rất nhiều. Để đảm bảo cắt bỏ tổ chức ung thư thì vị trí cắt trực tràng dưới u tối thiểu phải là 2cm, khi quan sát từ ổ bụng sẽ rất khó định vị chính xác vị trí diện cắt. Nếu cắt sát u quá thì sẽ có nguy cơ sót tế bào ung thư và nguy cơ tái phát lại rất cao, nếu cắt rộng thì tăng nguy cơ biến chứng, di chứng sau mổ.

Nhóm phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy chia sẻ: Để khắc phục nhược điểm này của phẫu thuật truyền thống, chúng tôi sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi qua đường hậu môn. Bằng dụng cụ bơm hơi trực tràng quan sát trong lòng trực tràng bằng ống kính nội soi, chúng tôi xác định chính xác vị trí khối u và vị trí diện cắt. Từ đó, chúng tôi cắt bỏ phần trực tràng và mạc treo của nó từ dưới đi qua ống hậu môn lên ổ bụng. Phẫu thuật này có tên gọi TaTME (Transanal Total Mesorectal Excision) là phẫu thuật cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn. Đây là hướng đi mới để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư trực tràng thấp mang lại kết quả tốt về mặt ung thư học và tránh phải làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy phương pháp TaTME ưu điểm hơn các phương pháp trước đây, đặc biệt với bệnh nhân béo phì, khối u to, khung chậu hẹp.

Và cái kết viên mãn

Sau 4 ngày phẫu thuật, Bệnh nhân M được xuất viện trở về nhà trở lại cuộc sống thường nhật. Điều này giúp giảm thiểu chi phí nằm viện và giảm những biến chứng liên quan đến vết mổ. Đây là điều kỳ diệu đối với người bệnh. Bởi lẽ, với kỹ thuật mổ truyền thống trước đây - khâu nối ống tiêu hóa khiến bệnh nhân phải nhịn ăn từ 5-7 ngày và nằm viện 7-10 ngày. Nhưng với ca bệnh của chị M, các phẫu thuật viên và điều dưỡng viên Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy đã áp dụng chương trình ERAS (tăng cường hồi phục sau mổ) giúp bệnh nhân hồi phục sớm. Thêm vào đó, nhờ mổ nội soi nên vết mổ nhỏ, giúp bệnh nhân giảm cảm giác đau so với mổ hở. Ngày từ ngày thứ nhất sau mổ, chị M đã được hỗ trợ vận động đi lại đồng thời bắt đầu chế độ ăn lỏng. Sang ngày thứ hai, chị M đã có thể tự đi lại và ăn uống tốt. Nhờ phẫu thuật qua đường hậu môn nên chị M không có những rối loạn khác thường thấy sau mổ nội soi thông thường hoặc mổ mở như bí tiểu, tiểu rắt, buốt, rối loạn đại tiện...

Đánh giá kết quả ca phẫu thuật, BS. Vũ Xuân Vinh chia sẻ: Kết quả sinh thiết bệnh phẩm của bệnh nhân M là ung thư giai đoạn IIA (T3N0M0). Nhưng phẫu thuật đạt được triệt căn nên chúng tôi tiên lượng bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường ít nhất 5 năm nếu đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bổ trợ tiếp theo.

Cảm động trước kết quả điều trị, chị M trân quý gửi lời cảm ơn đến kíp phẫu thuật. Chị M tâm sự: trước mổ, tôi vô cùng lo lắng vì bệnh của tôi rất nặng. Tuy nhiên, nhờ có các bác sĩ, điều dưỡng của khoa động viên nên tôi yên tâm hơn. Tôi biết các bác sỹ đã thực hiện các phương pháp điều trị mới tốt nhất cho tôi. Khối u của tôi rất thấp nên việc thực hiện các thao tác cắt nối là vô cùng khó khăn. Sau khi mổ xong, được bác sỹ thăm khám, thông báo cuộc mổ thành công nên tôi rất vui, sức khỏe hồi phục dần dần. Là người bệnh tôi thực sự rất cảm ơn sự nỗ lực, quan tâm chăm sóc của các bác sỹ, điều dưỡng dành cho bệnh nhân và tôi cảm thấy rất may mắn khi lựa chọn điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.

Lời tâm sự và kết quả phục hồi của bệnh nhân M là món quà vô giá đối với tập thể bác sĩ, điều dưỡng Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy nói chung và kíp phẫu thuật nói riêng. Đây cũng là động lực để tập thể khoa tiếp tục triển khai và ứng dụng những phương pháp điều trị hiệu quả, triệt căn, ít xâm lấn mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh.

MỚI - NÓNG