Việt Nam tăng đầu tư mạnh vào Ấn Độ

Nông sản là thế mạnh của Việt Nam
Nông sản là thế mạnh của Việt Nam
TPO - Dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, hóa chất… là các lĩnh vực đang được Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ trong thời gian qua.  

Ngày 22/1, tại Diễn đàn đầu tư Ấn Độ - Việt Nam do Lãnh sự quán Ấn Độ, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư (ITPC) TPHCM và Vina Capital tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ đã cùng chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tại đây, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, Việt Nam hiện nay kinh tế rất phát triển, tiềm năng đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ đạt 30 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, hóa chất… Trong khi đó, Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam đạt 900 triệu USD, nếu tính các nước thứ 3 thông qua Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam là 1,9 tỷ USD.

Theo ông Pranay Verma, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tự do nhất, cung cấp nhiều cơ hội lớn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào Ấn Độ.

Việt Nam tăng đầu tư mạnh vào Ấn Độ ảnh 1 Diễn đàn đầu tư Ấn Độ - Việt Nam tổ chức ngày 22/1 tại TPHCM

“Trong thời gian tới, tôi cho rằng Việt Nam và Ấn Độ có nhiều triển vọng hợp tác. Cụ thể, Việt Nam có thế mạnh nổi trội như chế biến thực phẩm nông nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; IT cũng là lĩnh vực 2 quốc gia có thể liên kết lâu dài. Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tốt về thúc đẩy du lịch – đây là lĩnh vực chiến lược thúc đẩy kinh tế. Ấn Độ sẵn sàng mở ta nhiều phương án để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư” – ông Pranay Verma nói.

Ông Don Lâm, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, khu vực tư nhân của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 2020, cả nước có gần 135.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 2.200 ngàn tỷ đồng (94 tỷ đô), tăng 29% về vốn đăng ký so với năm trước. Hiện, các doanh nhân đang lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và nhỏ đã sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm chính là việc giao thương với Ấn Độ. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ mới chỉ đạt hơn 2,7 tỷ USD. Chỉ 3 năm sau đã đạt hơn 4,5 tỷ USD (tăng hơn 65%). Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dược phẩm, hàng thủy sản, linh kiện phụ tùng ô tô... Trong khoảng thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng gần ba lần, từ 2,6 tỷ USD đến xấp xỉ 6,7 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, Kim loại thường, Hóa chất...

“Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước không chỉ dừng lại ở xuất nhập khẩu. Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, chè, đường, đào tạo công nghệ thông tin, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á” – ông Don Lâm nhìn nhận.

Việt Nam tăng đầu tư mạnh vào Ấn Độ ảnh 2

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực xuất khẩu tại TPHCM vẫn phát triển ổn định

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho rằng, Ấn Độ là một trong ba đối tác quan trọng nhất xếp hàng cùng Nga và Trung Quốc. Với những lợi thế như nền kinh tế phát triển nhanh, môi trường kinh doanh cạnh tranh và kết nối với những thị trường lớn, Đại sứ Phạm Sanh Châu kỳ vọng sẽ có những bước phát triển trong tương lai giữa hai quốc gia.

Mặc dù quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, tăng từ mức 200 triệu USD năm 2000 lên hơn 12 tỷ USD trong năm tài khóa 2019-2020, song vẫn chưa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế. Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do thiếu kết nối trực tiếp, giao thương giữa người với người. Hai bên cần phải mở rộng, tăng cường quan hệ thương mại để phát huy hết tiềm năng.

“Trước đây Việt Nam - Ấn Độ có chuyến bay trực tiếp từ năm 2019, nhưng đến năm 2020 tạm dừng đến nay do dịch bệnh COVID-19. Thời gian tới cần có thêm kết nối đường bộ. Trước mắt, chúng tôi đã có nghiên cứu kết nới đường bộ từ Ấn Độ - Myanma – Thái Lan, sau đó sế đến Lào – Campuchia – Việt Nam. Nếu thành được điều này, kết nối giao thương của Việt Nam - Ấn Độ sẽ thêm thuận lợi” - ông Pranay Verma chia sẻ.

MỚI - NÓNG