Việt Nam tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân

Nhờ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, Việt Nam có siêu lúa NPT4 năng suất cao, chất lượng tốt (Trong ảnh: lúa NPT4 được trồng trong vụ Xuân năm 2016 ở tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: N.H.Q.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, Việt Nam có siêu lúa NPT4 năng suất cao, chất lượng tốt (Trong ảnh: lúa NPT4 được trồng trong vụ Xuân năm 2016 ở tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: N.H.Q.
TPO - Việt Nam đang phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ứng dụng năng lượng, kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực, lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Ngày hội Hạt nhân & Khoa học 2017 khai mạc hôm nay tại Hà Nội.

“Chúng ta đang tập trung cho vấn đề xây dựng Trung tâm Khoa học & Công nghệ Hạt nhân (CNEST). Trung tâm này sẽ là nơi phát triển nguồn nhân lực trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đây cũng là bước tiền đề nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ hạt nhân của Việt Nam”, TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom), nói với phóng viên.

Cấu phần chính của CNEST sẽ được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai – nơi có nhiều cơ sở kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp, gần TPHCM, tạo điều kiện cho việc áp dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế-xã hội, TS Quang cho biết. Việt Nam đã và đang ứng dụng năng lượng hạt nhân trực tiếp, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế, nông nghiệp và công nghiệp.

Tại Ngày hội Hạt nhân & Khoa học 2017 do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tổ chức với sự phối hợp của Vinatom và Đại học Bách Khoa Hà Nội, TS Quang cho biết, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong nghiên cứu, tạo ra các giống lúa, ngô, đậu tương đột biến.

“Các giống lúa đột biến có năng suất cao, chất lượng tốt, thơm, kháng bệnh có thể kể đến VN 10, DT10, DT11, A20, Spring, DT39, DT37, VS1, BQ, NPT4, TQ14,   Xuân  4, Xuân 5, Tám Thơm đột biến, Khang Dân đột biến”, TS Quang nói.

Về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y học, một số bệnh viện Việt Nam có các thiết bị bức xạ ion hóa hiện đại. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 có máy chụp cắt lớp vi tính CT 320 dãy, SPECT/CT, PET/CT, dao điện tử, LINAC, 30 MeV-Cyclotron... Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai có máy chụp cắt lớp CT 128-256 dãy, hệ thống chụp mạch DSA...; Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu có máy xạ hình SPECT, máy PET/CT, LINAC, dao Gamma quay… Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều đồng vị dược chất phóng xạ dùng để chẩn đoán sớm ung thư…

Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp cắt lớp thế hệ 3, thiết bị CT/SPECT công nghiệp, thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh, triển khai kĩ thuật Tracer trên các mỏ dầu. Trong khi đó, Vinatom sử dụng phương pháp kiểm tra không phá hủy để kiểm tra chất lượng của các dự án quốc gia như: cầu Mỹ Thuận, cầu Việt Trì, nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ…, TS Quang cho biết.

Theo Giám đốc văn phòng Rosatom tại Đông Nam Á, ông Egor Simonov, Nga và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân nhiều năm qua, nhưng công nghệ hạt nhân cũng vướng phải nhiều định kiến và lầm tưởng. “Một trong những nỗ lực chính chúng tôi luôn hướng đến là cung cấp thông tin khách quan về nguyên tử vì mục đích hoà bình và vai trò của nguyên tử trong xã hội”, ông nói.

MỚI - NÓNG