Đây đồng thời cũng sẽ là cột mốc mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi chúng ta đặt chân tới Bán kết một kỳ Asian Cup. Tuy nhiên, thử thách với thầy trò ông Park Hang Seo là vô cùng lớn.
Nhật Bản quá mạnh
Chỉ riêng cái tên Nhật Bản đã là một thương hiệu khiến bất kỳ đối thủ nào ở châu Á cũng phải e ngại. Tại World Cup 2018, Nhật Bản từng khiến đội tuyển Bỉ với nhiều hảo thủ lừng danh phải trầy trật tới phút cuối. Tới Asian Cup 2019, dù không tập hợp đủ những cái tên nổi tiếng nhất, đội tuyển Nhật Bản vẫn là ứng viên lớn cho chức vô địch.
Cụ thể theo thống kê, 12 trong số 23 cầu thủ Nhật Bản mang tới Asian Cup 2019 đang thi đấu cho các CLB châu Âu. Đơn cử như Wantaru Endo, Yoshiori Muto, Takumi Minamino hay Ritsu Doan, Gaku Shibayaki…Minamino, chân sút hàng đầu của Nhật Bản tại Asian Cup 2019 không phải là cái tên xa lạ với các cầu thủ Việt Nam. Tại cúp Tứ hùng 2014 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Minamino đã lập cú “đúp” chỉ trong 5 phút, mở màn cho trận thắng huỷ diệt của U19 Nhật Bản trước U19 Việt Nam vốn đang nổi như cồn với lứa Công Phượng.
Một cái tên khác có thể trở thành mối đe dọa với hàng thủ đội tuyển Việt Nam là Ritsu Doan. Trong 2 mùa giải khoác áo Groningen, tiền vệ Nhật Bản đã ghi 14 bàn thắng cùng 5 pha kiến tạo. Ritsu Doan hiện được nhiều đội bóng châu Âu để ý, trong đó gồm cả “ông lớn” ở giải Ngoại hạng Anh, Manchester City. Dù mới chỉ ghi được 1 bàn thắng ở Asian Cup 2019, Ritsu Doan được đánh giá có vai trò quan trọng với tuyển Nhật Bản.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Trái với thương hiệu của mình, Nhật Bản thi đấu không quá ấn tượng tại Asian Cup 2019. Điều này có vẻ như xuất phát từ sự thay đổi trong lối chơi HLV Hajime Moriyasu áp dụng với đội bóng xứ hoa anh đào. Thay vì lối tấn công hoa mỹ quen thuộc, Nhật Bản bị đánh giá chơi thực dụng, thậm chí có phần xấu xí.
Cả 4 chiến thắng của Nhật Bản từ đầu giải tới nay đều chỉ có cách biệt tối thiểu 1 bàn, gồm các trận thắng Turkmenistan (3-2), Oman (1-0), Uzbekistan (2-1) và gần nhất là trận thắng Saudi Arabia 1-0. Tỉ lệ kiểm soát bóng của Nhật Bản trước Saudi Arabia thậm chí chỉ…28%. Tương tự trước Uzbekistan, Nhật Bản cũng để đối thủ lấn lướt về thời lượng kiểm soát bóng. Bù lại, hàng phòng ngự Nhật Bản chơi tương đối chắc chắn.
Ở trận đấu hôm nay, khu vực trung tuyến có thể là nơi quyết định kết quả thắng thua đối với đội tuyển Việt Nam. Hàng tiền vệ gồm những cầu thủ chất lượng, chơi kỹ thuật nhưng cũng mạnh mẽ của Nhật Bản sẽ là thử thách lớn đối với đội tuyển Việt Nam. Như thừa nhận của chính HLV Park Hang Seo, đây là tuyến có thể gây “chết chóc” với đội tuyển Việt Nam. “Họ (Nhật Bản) có tuyến giữa mạnh mẽ và những đường chuyền xuất sắc. Chúng tôi phải thận trọng, không để lộ khoảng trống”-ông Park Hang Seo cho biết.
Trên thực tế, đội tuyển Việt Nam vẫn có thể trông đợi vào hàng phòng ngự chơi ổn định từ đầu giải tới nay. Để tăng khả năng phòng thủ, ông Park có thể tung vào sân đội hình với những tiền vệ mạnh về hỗ trợ phòng ngự như Huy Hùng, Đức Huy và Hùng Dũng. Trên hàng công, Công Phượng và Quang Hải sẽ là những cầu thủ cầm chắc khả năng ra sân.
Sự khác biệt lớn nhất trong lối chơi của tuyển Việt Nam hiện nay là sự tự tin, phối hợp ăn ý giữa các cầu thủ ngay cả khi đối đầu với những đội bóng trội hơn. Cơ hội sẽ đến từ những tình huống phản công chớp nhoáng từ nhiều hướng.
Chỉ cách đây ít tháng, Olympic Việt Nam từng đánh bại Olympic Nhật Bản 1-0 tại Asiad 2018. Đây là trận đấu HLV Park Hang Seo đã tung vào sân lực lượng mạnh nhất dù đã chắc chắn đi tiếp với lý do muốn xóa đi nỗi sợ Nhật Bản của bóng đá Việt Nam lâu nay. Hôm nay, hãy cứ vững tin vào chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Trọng tài chủ nhà bắt trận tứ kết Việt Nam - Nhật Bản
Vị trọng tài nghiêm khắc không ngại rút thẻTrọng tài người UAE, Mohammed Abdulla Hassan được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) chỉ định làm người bắt chính trận tứ kết 1 Asian Cup 2019 giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản.
Ba trợ lý của ông Mohammed Abdulla Hassan cũng là người UAE. Theo quy định của BTC, kể từ vòng tứ kết Asian Cup 2019 sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ VAR. Như vậy, ngoài đội ngũ trọng tài trên sân, sẽ còn có sự xuất hiện của các trọng tài video (VAR). Tổ trưởng tổ VAR sẽ là ông Christopher Beath (Úc), hai trợ lý Mohamed Taqi (Singapore) và Valeri (Italia).
Ông Mohammed Abdulla Hassan, năm nay 40 tuổi, được cấp chứng chỉ FIFA từ năm 2010 và được đánh giá là một trong những trọng tài hàng đầu châu Á hiện tại. Ông từng điều khiển hai trận đấu có các đội tuyển của Việt Nam. Đó là trận thua Hounduras 0-2 ở vòng bảng U20 World Cup 2017, và trận thua Hàn Quốc 0-6 ở giải U19 châu Á 2014. Bên cạnh đó, ông cũng đã bắt chính một trận ở World Cup 2018 là trận Pháp thắng Peru 1-0 ở vòng bảng.
Ở Asian Cup 2019, trọng tài người UAE đã bắt chính 3 trận đấu. Cụ thể, ở vòng bảng, ông bắt chính trận Trung Quốc thắng Kyrgyzstan và trận Nhật Bản thắng Uzbekistan với cùng tỉ số 2-1. Đến vòng 1/8, ông bắt chính trận Thái Lan thua Trung Quốc 1-2. Trong đó, vị vua áo đen này thổi quả phạt đền ở phút 71 giúp Gao Lin ghi bàn quyết định. Trong 3 trận đấu này, ông đã rút ra 7 thẻ vàng và thổi một quả phạt đền.
Theo thống kê của Transfermarkt, ông Mohammed Abdulla là trọng tài rất nghiêm khắc. Trong 85 trận đấu được thống kê, vị “vua áo đen” này đã rút ra tổng cộng 347 thẻ vàng, 10 thẻ đỏ gián tiếp, 9 thẻ đỏ trực tiếp và thổi 36 quả phạt đền.H.M