Việt Nam nên bắt tay với các tập đoàn lớn để phát triển

Ông Mike MacDonald , Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Huawei khu vực Đông Nam Châu Á.
Ông Mike MacDonald , Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Huawei khu vực Đông Nam Châu Á.
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mike MacDonald, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Huawei khu vực Đông Nam Châu Á cho rằng, để hiện thực hóa tham vọng trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin, Việt Nam nên bắt tay với các tập đoàn công nghệ lớn thế giới và tập trung phát triển phần mềm.

Việt Nam đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin. Là một tập đoàn lớn trên thế giới với nhiều hoạt động tại Việt Nam, ông có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu trên?

Tôi nghĩ rằng sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ lớn trên thế giới sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, đó là các nhà cung cấp giải pháp CNTT lớn có nhiều kinh nghiệm, hoạt động ở nhiều quốc gia, do đó họ có thể nhìn thấy các mô hình tương tự ở các nước khác mà Việt Nam có thể học hỏi.

Họ cũng có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với Việt Nam, có thể giúp phát hiện ra những vấn đề tiềm ẩn để tránh đi. Họ cũng có thể chia sẻ những xu thế phát triển của ngành, cũng như những biện pháp để cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất làm việc và có thể chia sẻ khả năng đưa công nghệ đến với người nghèo, vùng sâu vùng xa mà hiện nay cũng đang là 1 trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, vấn đề của Việt Nam nằm ở chỗ chất lượng nguồn nhân lực. Dưới góc nhìn của Huawei, ông có khuyến nghị gì để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam?

Tôi nghĩ rằng để phát triển tài năng thì thế hệ trẻ bao giờ cũng tò mò hơn về công nghệ so với thế hệ già. Họ lớn lên cùng smartphone, tablet và chắc chắn khi họ tham gia vào lực lượng lao động thì họ cũng muốn sử dụng công nghệ trong môi trường làm việc.

Những đối tác như Huawei thì có thể hỗ trợ phát triển tài năng ở trong nước bằng cách hợp tác với các trường ĐH, hỗ trợ những cơ chế như hỗ trợ học phí, tặng học bổng cho sinh viên. Về mặt CP mà nói thì nên đưa ra những ưu đãi về thuế, và một khi có những cơ chế ưu đãi về thuế thì những tài năng trẻ họ phát triển được những sản phẩm thành công thì họ cũng cảm thấy họ được động viên khích lệ hơn.

Một cơ chế khác nữa, chúng ta nên có những chương trình, ví dụ như là tạo ra các vườn ươm …, trong đó thì chúng ta phát hiện và xây dựng những nhóm nhỏ thanh niên trẻ đam mê kỹ thuật công nghệ, tạo cho họ một môi trường thuận lợi, cũng như hỗ trợ họ về mặt tư vấn, kinh nghiệm, cơ chế chính sách cũng như tiền bạc. Và khi họ đã phát triển những sản phẩm rồi, họ có thể thử nghiệm trong quy mô nhỏ, và sau khi thành công rồi thì phát triển thành quy mô lớn. Đó là những cách mà có thể phát triển tài năng, nâng cao chất lượng nguồn lực.

Tôi nghĩ rằng, việc gửi sinh viên tài năng đi nước ngoài học tập và làm việc sau đó quay lại Việt Nam làm việc cũng là một cái ý hay. Nhưng cái giá của nó là rất đắt đỏ. Và để khắc phục cái đắt đỏ này thì thay vì gửi học sinh, sinh viên ra nước ngoài thì chúng ta có thể có các chương trình hợp tác quốc tế giữa các trường ĐH trong nước với các trường ĐH nước ngoài.

Cũng có những mô hình là thay vì làm toàn bộ ở nước ngoài thì học sinh học các chương trình liên kết học phần lớn ở trong nước và thời gian thực tập 2 tháng ở nước ngoài, cấp chứng chỉ quốc tế, đạt chất lượng tương đương. Hoặc có thể sử dụng những môi trường như internet, đó cũng là một công cụ để chúng ta cắt giảm chi phí thay vì cử người trực tiếp đi nước ngoài.

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam tài năng, cũng như xây dựng các chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT và tạo ra một môi trường khuyến khích, phát huy sáng tạo cho cộng đồng

Trong quá khứ, Việt Nam từng kỳ vọng sẽ trở thành một nước sản xuất công nghiệp phần cứng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, theo ông, kỳ vọng này có còn thực tế?

Tôi nghĩ rằng ngành công nghiệp phần cứng và phần mềm phải song hành với nhau và về mặt lý tưởng thì 2 lĩnh vực này sẽ bổ trợ rất tốt cho nhau. Nhưng nếu muốn phát triển công nghiệp phần cứng sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như chi phí, giá thành.

Nếu một sản phẩm sản xuất ra cùng một mức chất lượng nhưng chi phí trong nước rẻ hơn so với nước ngoài thì chắc chắn vẫn có thị trường. Nhưng rất tiếc là trên thế giới hiện nay không nhiều nước làm được việc đó, đó chính là lý do tại sao sản xuất phần cứng hiện nay chỉ tập trung ở một số ít thị trường trên thế giới, nơi mà người ta có sự chuyên môn tập trung hóa cao độ, sản xuất ra được những phần cứng có giá rẻ, có chất lượng cao.

Vấn đề này không chỉ riêng Việt Nam gặp phải, tôi đã thấy rằng, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đang có định hướng tập trung vào phần mềm nhiều hơn là phần cứng. Tập trung phát triển phần mềm sẽ thuận lợi hơn cho các bạn cả ở góc độ phát triển nhanh, hiệu quả và chi phí đầu tư. Đó là lý do nhiều nước “bỏ qua” phát triển phần cứng để tập trung vào phần mềm.

Đối với Việt Nam, tôi cho rằng định hướng tập trung vào phần mềm là một định hướng đúng đắn.

Nhiều đề án cũng được lập ra với khát vọng biến Việt Nam trở thành thung lũng Silicon của khu vực Đông Nam Á. Với những chính sách ưu đãi như hiện nay, theo ông, điều này có khả thi?

Tôi thấy rõ rằng, Việt Nam đặt mục tiêu rất tham vọng là đến năm 2020 trở thành một nước mạnh về CNTT. Đây là tham vọng rất chính đáng, tham vọng đó sẽ giúp chúng ta có động lực mạnh hơn và có định hướng. Tuy nhiên định hướng đó có hiện thực hóa được hay không thì thời gian mới có thể trả lời được.

Thuật ngữ thung lũng Silicon mới đã nói nhiều về các thung lũng Silicon thuần túy về phần mềm và những điển hình về thành công trong khu vực cũng đã có tại Philipine, Ấn Độ, Thái Lan.

Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện. Một người bạn rất thân của tôi ở Mỹ và ở châu Âu, những công ty đó dùng Ruby on Rails – một ngôn ngữ lập trình để phát triển phần mềm. Tuy nhiên công ty đặt tại Mỹ và châu Âu nhưng họ lại thuê những lập trình viên rất giỏi tại Thái Lan làm việc và phát triển phần mềm bán ra toàn thế giới. Như vậy mô hình thung lũng Silicon trong tương lai không nhất thiết phải nằm ở địa điểm địa lý cụ thể mà có thể dàn trải ở nhiều nơi, chúng ta cũng cần ý thức về điều đó.

Cũng xin chia sẻ thêm là công ty đó tuyển dụng toàn bộ là các nhân viên người Thái Lan, họ học ở Thái Lan bằng tiếng Thái và họ chỉ học trong nước thôi. Chỉ có duy nhất một bạn có cơ hội ra nước ngoài học ngôn ngữ lập trình đó, sau đó trở về dạy lại các đồng nghiệp của mình. Hiện nay anh ta cũng là một trong những lập trình viên hàng đầu về ngôn ngữ này trên thế giới. Như vậy thì không nhất thiết cứ phải cử người đi nước ngoài thì mới có thể thành công được, và những người học trong nước nếu được sử dụng đúng họ cũng có thể phát huy.

Với các quốc gia như Việt Nam, để phát triển được thì chúng ta nên xác định xem Việt Nam mạnh ở lĩnh vực nào, chúng ta không giỏi ở lĩnh vực nào. Cần tận dụng thế mạnh của mình để phát triển hướng đi riêng thì mới có thể phát triển được. Nếu học hỏi copy nước ngoài thì chắc là khó.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.