Sàng lọc thai nhi phát hiện dị tật đầu nhỏ
Bộ đã lấy mẫu xét nghiệm tại 8 điểm ở miền Nam và 3 điểm tại miền Bắc. Thời gian tới sẽ lấy mẫu tại 1.000 điểm trên toàn quốc để mở rộng phạm vi giám sát loại virus này. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Paster TPHCM là những đơn vị có đủ khả năng chẩn đoán bệnh do virus Zika. Tuần tới sẽ có thêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tham gia xét nghiệm. Những người trở về từ vùng dịch có thể đến các đơn vị này để lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đa phần người bệnh không có biểu hiện triệu chứng nên sẽ rất khó để có thể phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên. Do đó, ngoài việc giám sát chặt người nhập cảnh từ các vùng dịch, cần theo dõi những trường hợp thai phụ siêu âm thấy trẻ có bất thường đầu nhỏ thì cần lấy máu làm xét nghiệm tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Nếu để đến khi sinh trẻ ra mới phát hiện mắc hội chứng đầu nhỏ thì khó can thiệp. Ông Kính đề xuất Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống sản khoa nhập cuộc trong việc giám sát virus Zika tại Việt Nam. Ngoài ra, trong hệ thống giám sát bệnh bại liệt mà Việt Nam đang duy trì nếu phát hiện các ca viêm đa rễ thần kinh (một trong những hội chứng liên quan đến bệnh do virus Zika) cũng cần báo cáo.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) đề nghị, cần truyền thông đúng tính chất mức độ; không tuyên truyền đến mức khiến người dân hoang mang. Vụ sẽ tiến hành tập huấn sớm cho các cán bộ sản khoa kiến thức về virus Zika, cũng như mối liên quan đến hội chứng đầu nhỏ, trước mắt tập trung vào các điểm quan trọng. Bộ Y tế cũng khuyến cáo công dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trong tuổi sinh đẻ không có việc cần kíp không đi đến các vùng dịch. Nếu buộc phải đi cần đến cơ quan y tế để được tư vấn, hướng dẫn.
Nghi vấn chất diệt muỗi
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cơ quan y tế quốc tế đang đặt nghi vấn nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là do hóa chất diệt ấu trùng muỗi (Pyriproxyfen) có trong nước sinh hoạt tại Brazil. Tại Việt Nam, hóa chất này chỉ được sử dụng trong nước thải, nước công trình xây dựng. Ông Long khẳng định, Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống. Hóa chất Pyriproxyfen là hóa chất vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng để diệt ấu trùng muỗi trong nước. Nhưng đã có thông tin hóa chất này có khả năng gây teo não ở trẻ. Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm Mỹ tại Việt Nam cho hay, nghi ngờ hóa chất Pyriproxyfen là nguyên nhân gây ra bệnh teo não Zika ở trẻ đang được tiến hành điều tra và chưa có kết luận rõ ràng. Việc dùng thuốc diệt ấu trùng muỗi tại Brazil đã áp dụng khá dài tại vùng có dịch sốt xuất huyết và sốt rét. Hóa chất Pyriproxyfen dùng ở tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì Brazil.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay, Việt Nam cho phép nhập khẩu hóa chất Pyriproxyfen từ năm 2010 nhưng đến năm 2012 hóa chất này mới về Việt Nam. Trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 4/2014 có hơn 9.000 kg hóa chất Pyriproxyfen nhập vào Việt Nam và khoảng 2.000 kg được bán. Đây là hóa chất duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng trong nước sinh hoạt.
Liên quan đến virus Zika hiện nay là hội chứng đầu nhỏ và viêm đa rễ thần kinh đang tiếp tục được điều tra. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng nhưng vẫn chưa thể khẳng định virus Zika liên quan đến 2 hội chứng này.
Hiện đã có 36 quốc gia ghi nhận nhiễm virus Zika, một số ghi nhận ca bệnh xâm nhập, là người du lịch về từ châu Mỹ, vùng Caribe như: Thái Lan, Đức, Hà Lan, Australia, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika về từ vùng dịch.
Tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika; tuy nhiên nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền virus Zika, đồng thời hiện nay sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh do virus Zika…