Việt Nam không né tránh các vấn đề gai góc

Việt Nam không né tránh các vấn đề gai góc
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an khẳng định thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 cho thấy Việt Nam không né tránh các vấn đề gai góc của thế giới và sẵn sàng tham gia giải quyết một cách có trách nhiệm.

> Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
> Thủ tướng trả lời phỏng vấn các hãng tin lớn ở LHQ

Thiếu tướng đánh giá thế nào về thông điệp của Thủ tướng qua bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua?

Bài phát biểu Thủ tướng có nội dung phong phú, đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng của thế giới và khu vực. Tại biển Đông nói riêng và châu Á Thái Bình Dương nói chung, Thủ tướng đề cao vai trò các cường quốc và đề nghị các cường quốc gương mẫu trong việc thực thi luật pháp quốc tế và công ước của Liên Hợp Quốc.

Theo tôi đây là quan điểm tích cực và cần thiết. Với việc đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng, phát biểu của thủ tướng được dư luận đánh giá tích cực. Qua đó, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng lên.

Cũng phải nói, trong năm 2012- 2013, tại ASEAN, Việt Nam có vai trò tích cực, quan trọng. ASEAN trở thành cầu nối trung tâm cấu trúc quyền lực tại châu Á Thái Bình Dương. Thông qua chuyến viếng thăm cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng sang các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, xác định đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Cũng năm 2013, với phía Đông, chúng ta kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật, với phía Tây kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Pháp. Hoạt động đối ngoại sôi động và hài hòa đưa vị thế Việt Nam lên và tạo “vốn liếng” để Thủ tướng có điều kiện khách quan đặt vấn đề thẳng thắn tại Đại hội đồng LHQ thứ 68.

Thông điệp “lòng tin chiến lược” và “hòa bình” một lần nữa được Thủ tướng nhắc lại tại bài phát biểu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thiếu tướng đánh giá thế nào về thông điệp này ở tầm mức toàn cầu?

Trong bối cảnh Shangri-La lần đầu tiên Thủ tướng đưa ra khái niệm “lòng tin chiến lược” và lần này ở tầm mức cao hơn cho thấy khái niệm này đã phát huy trong thực tế. Cụ thể, như xung đột tại Syria tưởng chừng đã bùng nổ một cuộc chiến, nhưng bằng lòng tin Hoa Kỳ và Nga đã bắt tay để bẻ lái xung đột tại đây sang một lối đi hòa bình, không có đổ máu. Chính điều này, cho thấy giá trị của lòng tin chiến lược.

Về thông điệp về Hòa bình - Chiến tranh đã được con người nói tới hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, trước khi nêu thông điệp về hòa bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khắc họa một đất nước Việt Nam từng bị chiến tranh tàn phá, đang trong giai đoạn xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế. Người dân Việt Nam nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh. Vì vậy lời kêu gọi “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sức thuyết phục và tính thời sự.

Thiếu tướng nhận định vị thế hiện nay của Việt Nam như thế nào và việc tận dụng phải được áp dụng ra sao?

Chúng ta ngày càng tham gia sâu hơn vào các vấn đề lớn của thế giới, tiếng nói Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế lắng nghe và trân trọng hơn. Việt Nam đã là chủ tịch luân phiên của ASEAN, là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… Như vậy có thể nói, Việt Nam tham gia vào thế giới một cách có trách nhiệm không chỉ chính trị, kinh tế mà còn an ninh quốc phòng.

Thông qua bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ, thể hiện sự ủng hộ đối với cải cách kinh tế, sự cởi mở và minh bạch. Việt Nam cũng không né tránh các vấn đề gai góc của thế giới và sẵn sàng tham gia giải quyết một cách có trách nhiệm.

Vị thế này cũng đặt ra thách thức đối với Việt Nam. Đó là chúng ta có tận dụng để giải quyết các vấn đề gai góc của khu vực, để vươn lên hay không? Nếu không tận dụng, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội và sẽ có nguy cơ tụt hậu.

Xin cảm ơn thiếu tướng.

N.C.KHANH
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG