Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng

Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng
Hội thảo "Kinh tế VN trước cuộc khủng hoảng toàn cầu" do Báo Đầu tư và Hội DN trẻ Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại TPHCM ngày 18/11. Nhiều nhà kinh tế phản bác ý kiến cho rằng, VN chỉ chịu tác động gián tiếp từ cuộc khủng hoảng.
Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng ảnh 1
Kinh tế toàn cầu đang suy giảm.

Hậu quả sẽ rất nặng nề nếu VN chưa nhận định đúng tình hình và đề ra các giải pháp hữu hiệu.x

Không nằm ngoài vòng xoáy

Theo GS-TS Nguyễn Mại, cần đánh giá đúng tác động của cuộc khủng hoảng đối với VN, không nên và không được phép đưa ra những nhận xét thiếu tính khoa học, cho rằng tác động "không lớn lắm", nhằm trấn an dư luận.

Trong đợt khủng hoảng tiền tệ khu vực 1997, chúng ta cũng từng đánh giá VN nằm ngoài vòng xoáy, do đó không chủ động đề ra giải pháp hữu hiệu, hậu quả nặng nề là tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút trong 5 năm, từ 1998-2004.

VN cần xem xét khách quan tình hình đất nước, trong đó có hoạt động tín dụng NH, nhất là những khoản tín dụng đối với thị trường nhà đất đang có dấu hiệu bất ổn, hậu quả khó lường.

Trong khi chưa thoát khỏi tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng giảm thì cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ như một đòn thứ hai giáng vào nền kinh tế nước ta. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK từ tháng 9 bị giảm, nhất là XK sang Mỹ. Nhiều DN vốn đã gặp khó khăn do chi phí vay vốn cao quá mức bình thường, nay lại đối đầu với cuộc khủng hoảng. Hệ thống NH đứng trước nguy cơ tiền ẩn lớn.

Môi trường đầu tư đang xấu đi do 2 yếu tố: Về kinh tế thì  tăng trưởng đang giảm, lạm phát cao, XK giảm, thu nhập thực tế của khá đông dân cư bị giảm, tiêu dùng trong nước thu hẹp... Về xã hội, hàng nghìn người LĐ mất việc, chưa năm nào đình công xảy ra nhiều như năm nay.

GS-TS Nguyễn Mại cho rằng, vốn FDI và VN sắp tới sẽ giảm. Trước trạng thái mới của thị trường thế giới, các NĐTNN sẽ phải đánh giá lại chiến lược của họ. Nhiều dự án đã cấp phép sẽ dãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện được.

Mối lo từ các tập đoàn 

GS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng đánh giá rằng, tác động của cuộc khủng hoảng đối với VN là trực tiếp chứ không phải là gián tiếp. Nợ nần, thâm hụt ngân sách và thâm hụt mậu dịch là những điều đầu tiên mà VN có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Thơ liên hệ tình trạng thiếu kiểm soát đối với các tập đoàn ở Mỹ - một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng - với tình hình ở VN: "Các tập đoàn nhà nước VN tất nhiên cũng không là ngoại lệ, có điều mức độ nguy hiểm hơn nhiều, do mọi người vẫn hoàn toàn thiếu thông tin về hoạt động của các tập đoàn".

Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, một đại biểu công bố dữ liệu tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao ở các DNNN: Lilama vay gấp 21 lần trên vốn chủ sở hữu, Vinashin 22 lần... Nhà nước tiếp tục bơm vốn cho các tập đoàn, trong khi các DNVVN khó tiếp cận nguồn vốn.

"Chừng nào các tập đoàn VN chưa chính thức được kiểm toán quốc tế và công khai cho người đóng thuế  biết tiền của mình sử dụng ra sao, thì chừng đó những hậu quả khó lường có thể xảy ra, nếu như chạm phải chỉ một cơn bão nhẹ từ cuộc khủng hoảng..." - ông Thơ cho biết.

ĐTNN trên TTCK không giảm?

Ông Lê Hải Trà, Uỷ viên thường trực HoSE, nhận xét: Các DN đang đứng trước nhiều thách thức do cầu hàng hoá, dịch vụ giảm, XK gặp khó khăn. Có những Cty niêm yết lợi nhuận  trong 6 tháng đầu năm rất "đẹp", nhưng đến cuối năm thì thành tựu đó bị đổ vỡ do tồn kho. Khó khăn của DN tăng rõ vào cuối năm do chính sách thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, ông Trà cho rằng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên TTCK chưa có dấu hiệu giảm sút, NĐT chưa rút vốn và sắp tới ít có khả năng rút vốn khỏi VN. Tỉ trọng đầu tư vào VN còn quá nhỏ, không cần thiết phải rút để bù đắp cho các thị trường khác. Các quỹ đầu tư vào VN là quỹ đóng, không được rút để chuyển sang thị trường khác. Triển vọng tăng trưởng kinh tế VN, cũng như các nền kinh tế mới nổi, vẫn được đánh giá tốt. Kinh tế Mỹ và các nước phát triển sẽ mất nhiều thời gian phục hồi, trong khi VN có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn.

Ông Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư): Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt kế hoạch

"Thông tin dồn dập mấy ngày nay về tuyên bố suy thoái của các nước và vùng lãnh thổ cận kề VN như Nhật Bản, Hồng Kông... thực ra không phải là tin bất ngờ. Thế giới, cũng như các nước này, người ta đã dự đoán được diễn biến tình hình sẽ có khả năng xảy ra như vậy cách đây một, hai tháng rồi.

Từ dự báo tốc độ tăng trưởng thấp, giờ nhiều quốc gia đã phải dự báo tốc độ tăng trưởng âm cho đến tận quý IV/2009. Còn tác động đến VN thì tất nhiên là có trên các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, và một phần thanh khoản... (điều này VN cũng đã dự kiến được).

Hồng Kông thì chủ yếu liên quan đến vấn đề đầu tư tài chính, nhưng Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của VN. Nếu kinh tế Nhật suy thoái thì cũng giảm nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia khác, trong đó có VN.

VN dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2008 sẽ đạt khoảng 6,5%. Nhưng một số tổ chức nước ngoài dự đoán GDP năm 2008 của VN chỉ đạt khoảng từ 5,2% đến 5,3%. Với tình hình nhiều nền kinh tế trên thế giới tuyên bố suy thoái thế này thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của VN năm 2009 nhiều khả năng khó đạt như dự kiến (15%)". T.N.L ghi

Theo Trung Phương
Lao động

MỚI - NÓNG