Việt Nam học tập kinh nghiệp đào tạo trực tuyến chuẩn quốc tế

Việt Nam học tập kinh nghiệp đào tạo trực tuyến chuẩn quốc tế
TPO - Thời gian tới, bệnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường, hình thức dạy và học trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục Việt Nam. Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách cần thiết để khuyến khích dạy và học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục.

Chiều nay, 4/9, tại Hà Nội  các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học của Úc và Việt Nam đã chia sẻ về sự chuyển dịch nhanh chóng sang học tập trực tuyến và những đổi mới được kiến tạo từ quá trình này tại tọa đàm cấp cao: “Chính sách Giáo dục Trực tuyến và Nâng cao Số hóa trong Giáo dục”.

Tọa đàm diễn ra trước thềm năm học mới nhằm thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về học tập trên nền tảng kỹ thuật số.

Lãnh đạo phụ trách đào tạo từ Đại học RMIT, Đại học Mở Hà Nội và Đại học Anh Quốc Việt Nam đã chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm của trường mình trong quá trình chuyển đổi sang học tập trực tuyến và học tập hỗn hợp (tức kết hợp trực tiếp và trực tuyến).

Lấy ví dụ từ Đại học RMIT, trường cung cấp các chương trình đào tạo trên nền tảng kỹ thuật số với chất lượng quốc tế, đồng thời hợp tác với các nhà lãnh đạo tư duy và chuyên gia đa ngành để đem đến trải nghiệm học tập linh hoạt nhất. Năm nay, trường đã chuyển đổi thành công hơn 5.000 môn học sang trực tuyến trên toàn cầu nhằm ứng phó với những hạn chế do COVID-19 gây ra.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT Việt Nam chú trọng đầu tư phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao, một số trường đại học có điều kiện phát triển tốt ở trong nước và tham mưu cho Chính phủ thành lập các trường đại học xuất sắc hợp tác với một số nước phát triển.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường đại học nước ngoài liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước và thu hút các trường đại học của nước ngoài mở chi nhánh hoặc đầu tư ở Việt Nam, trong đó có trường ĐH RMIT Vietnam.

Với các chính sách này, những năm gần đây giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá về chất lượng và được ghi nhận trên trường quốc tế. Việt Nam đã có 3 cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong danh sách 1000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín nhất; 8 cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á; trên 500 chương trình đào tạo quốc tế và liên kết quốc tế; 35 chương trình tiên tiến; và giáo dục đại học Việt Nam nói chung được đánh giá xếp hạng thứ 68 trên tổng số gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam, Hội thảo này là cơ hội tốt để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục thông qua hình thức đào tạo ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng mong muốn từ kinh nghiệm trong việc đào tạo trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp, đạt chuẩn quốc tế, Australia và trường ĐH  RMIT nói riêng sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ về học liệu, kết nối các bên liên quan để phát triển hình thức đào tạo này ở các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở Việt Nam.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số với sự đóng góp từ các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ khẳng định mục tiêu phù hợp của Việt Nam khi thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, từ đó tiếp cận nhanh và bền vững với những tiến bộ, xu thế mới nhất trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam và thế giới. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.