Việt Nam hoan nghênh dự án giám sát nước sông Mekong của Mỹ

Một khúc sông Mekong cạn khô vào đầu năm 2020. (Ảnh: NYT)
Một khúc sông Mekong cạn khô vào đầu năm 2020. (Ảnh: NYT)
TPO - Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung, hợp tác quản lý và sử dụng hợp lý, công bằng và bền vững nguồn nước sông Mekong.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/12 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về dự án dùng vệ tinh để giám sát mức nước  tại các đập thuỷ điện trên sông Mekong mà Viện Stimson và trang web Eyes on Earth, sử dụng nguồn tài chính từ Bộ Ngoại giao Mỹ, triển khai từ ngày 16/12.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong”, bà Hằng nói.

 Dự án Giám sát Mekong (Mekong Dam Monitor) hoạt động một phần nhờ tiền của Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh xuyên qua đám mây để theo dõi lượng nước trên các đập thủy điện ở Trung Quốc và các nước khác. Thông tin này sẽ mở cho tất cả mọi người và được cập nhật theo thời gian thực.

 Một chỉ số riêng về “độ ẩm bề mặt” thể hiện vùng nào ướt hơn hoặc khô hơn bình thường, nhằm cho biết các dòng chảy tự nhiên bị các đập thủy điện ảnh hưởng như thế nào.

 Trung Quốc bị chỉ trích nặng nề trong nghiên cứu trước đây của Eyes on Earth – một phần của dự án Giám sát đập Mekong. Kết quả nghiên cứu nói rằng trong năm 2019, nước đã bị giữ lại trên thượng nguồn, trong khi các nước ở hạ nguồn chịu hạn hán nghiêm trọng.

 Về việc các chuyên gia Philippines gân đây nêu vấn đề nồng độ phóng xạ bất thường ở các rạn san hô trên Biển Đông. Những vị trí ghi nhận nồng độ cao nhất nằm gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm.

 Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Hằng nói rằng các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm và đang xác minh thông tin này.

 Bà Hằng nói thêm, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 quy định rõ ràng các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác định dựa trên UNLCOS 1982.

 Bên cạnh đó, việc sử dụng, khai thác, vận chuyển các phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn về an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và không ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bà Hằng nói.

MỚI - NÓNG