Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel:

Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn

TP - Nhân Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của các giới kinh tế Đức lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn độc quyền của PV Tiền Phong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel, nhận định, Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn cho mình, đó là theo đuổi tự do hóa kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô. 

Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn ảnh 1 Trong chương trình thăm chính thức Đức, ngày 15/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Bộ Kinh tế & Năng lượng Đức. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TTXVN

Lần đầu tiên Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức được tổ chức tại Việt Nam, xin ông cho biết vì sao Ban tổ chức lại chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện này? 

Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách Đổi mới và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã trở thành một trong những nước năng động và phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và được coi là một đối tác thương mại quan trọng của Đức. Vì vậy, việc đại diện kinh tế Đức tại khu vực châu Á năm nay lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương (APK) - sự kiện giao lưu quan trọng nhất của giới kinh tế Đức và đối tác tại khu vực châu Á tổ chức hai năm một lần - là một quyết định hoàn toàn chính xác và hợp lôgic. 

Chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế, những mâu thuẫn, xung đột chính trị nghiêm trọng đang xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Xu thế hiểu biết và triển vọng” (Understanding Trends and Perspectives). Vậy ông có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề hội nghị nói trên?

Doanh nghiệp Đức có mối quan tâm lớn tới đầu tư cũng như xuất khẩu hàng hóa sang châu Á. Chúng tôi nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với các nước đối tác tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, các dòng đầu tư này không phải là một chiều mà chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tại châu Á về phần mình cũng tăng cường tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Đức. Do đó, chủ đề của Hội nghị lần này đã được lựa chọn một cách có chủ đích là hướng đến mối quan hệ tương hỗ. Chúng tôi nhấn mạnh ý nghĩa của việc lắng nghe và cũng muốn thảo luận với các đối tác tại khu vực châu Á những việc mà đôi bên có thể cùng cải thiện và phát huy.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn giữa hai bên. Ông đánh giá gì về triển vọng hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước, liệu sắp tới có làn sóng đầu tư hoặc hàng hóa từ Đức nói riêng và châu Âu nói chung tràn vào Việt Nam?

Hiệp định Thương mại Tự do sắp ký kết giữa EU và Việt Nam có ý nghĩa chiến lược cho cả hai bên. Hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam cũng như Đức và sẽ góp phần cải thiện giao thương kinh tế hai chiều giữa hai nước chúng ta. Cả hai phía EU và Việt Nam nên tăng cường nỗ lực chính trị ở mức tối đa để nhanh chóng tiến đến việc ký kết hiệp định quan trọng này.

Theo ông, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam có điểm gì thuận lợi và khó khăn đối với các doanh nghiệp Đức?

Việt Nam đã xác định được con đường đúng đắn cho mình: Theo đuổi sự tự do hóa kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô. Các bước tiến tiếp theo như đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty nhà nước hay cải cách trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng cũng có thể rất hữu ích cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng góp phần tăng cường lòng tin và sự đầu tư tại Việt Nam: Cải thiện môi trường pháp lý thông qua quản lý và tư pháp hiệu quả, giảm thiểu các thủ tục cấp phép, quy định rõ ràng cho việc đấu thầu công, chống tham nhũng hiệu quả. 

Theo ông, vì sao hàng hóa Việt Nam hiện nay, nhất là nông sản và thủy hải sản, chưa xuất hiện nhiều tại Đức? Ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp Việt Nam để các loại hàng hóa này thâm nhập vào thị trường Đức và được người tiêu dùng Đức ưa chuộng?

Tôi thấy rất nhiều người ở Đức tò mò và quan tâm tìm hiểu các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Để đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam, tôi khuyên các bạn trước mắt nên chú ý đến thị trường triển lãm đa dạng ở Đức. Đức là đất nước dẫn đầu với các hoạt động triển lãm, các cuộc triển lãm chuyên ngành đa dạng đã tạo điều kiện giới thiệu rộng rãi các sản phẩm trong khu vực cũng như tiếp cận các chuyên gia chuyên ngành và các nhà tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng cuối cùng. Tại đây, các nhà cung cấp các sản phẩm của Việt Nam có thể tìm hiểu các thị hiếu thời thượng của thị trường Đức và xác định sản phẩm nào có tiềm năng nâng cao doanh thu tiêu thụ tại thị trường Đức.

Đức là một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, thương hiệu “made in Germany” cũng rất nổi tiếng thế giới. Làm thế nào để nước Đức đạt được điều đó, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về vấn đề này với bạn đọc Việt Nam?

Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của các sản phẩm ‘‘made in Germany” là dựa trên các doanh nghiệp hạng trung của Đức. Tất nhiên là các thương hiệu lớn của Đức cũng rất thành công và nổi tiếng trên toàn cầu. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức với các thương hiệu đa dạng trong các ngành nghề, các sản phẩm và quá trình sản xuất chuyên môn hóa cao chính là xương sống của nền kinh tế Đức. Thay vì cung cấp các sản phẩm công nghệ rập khuôn sẵn có, các công ty hạng trung của Đức có thể cung cấp cho các đối tác châu Á của mình các giải pháp phù hợp theo yêu cầu. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến các “nhà vô địch tiềm ẩn”, các nhà dẫn đầu trên thị trường thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cấp cao. Và quan trọng hơn cả là chúng tôi tập trung vào đào tạo nghề và nhân lực, bởi vì đây là yếu tố phát triển và tạo ra các sản phẩm tân tiến.

Cảm ơn ông.

Theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, ông Sigmar Gabriel đến Việt Nam từ 18 đến 22/11, cùng đi có các nghị sĩ đại diện cho tất cả các đoàn nghị sĩ của các đảng trong Quốc hội Đức và đông đảo các doanh nghiệp Đức. Tại Hà Nội, ông Sigmar Gabriel sẽ có các cuộc gặp với Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Tại TPHCM, Phó Thủ tướng Đức Gabriel sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khai mạc Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương. Khoảng 700 doanh nghiệp từ Đức và khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị này.

MỚI - NÓNG