Nợ công đang bào mòn ngân sách
Trong phiên thảo luận về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá, hiện nay nợ công báo động cao, cho thấy sự liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và nợ công. Trung bình mỗi năm, tổng số nợ công tăng 2% so với GDP.
Ông Vinh cho rằng: "Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách. Đây là hậu quả của việc đi vay tràn lan, nhưng đầu tư không hiệu quả".
Đại biểu Vinh cho rằng, tình hình bội chi ngân sách còn cao. Một trong những lý do khiến ngân sách bội chi là việc quản lý chi tiêu không chặt chẽ, nên bội chi từ năm này qua năm khác.
Theo đại biểu Vinh: “Nếu không kìm hãm tốc độ phi mã của nợ công hiện nay, kiểm soát nguồn phân bổ, thay đổi cơ cấu nợ công…, Việt Nam sẽ không có tiền trả nợ mà phải tiếp tục vay để trả nợ”.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, sau 5 năm (2011-2016) nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP, so với quy định là không quá 50%). Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.
“Chưa thấy ai bị phạt vì lãng phí”
Góp ý về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, trong báo cáo dùng hai từ “đẩy mạnh” và “chú trọng” là chưa đúng tầm, phải đặt phòng chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu.
Theo đại biểu Hùng, tham nhũng không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn lan sang các lĩnh vực khác như tham nhũng chính sách… tạo mối nguy hiểm cho quốc gia.
Đại biểu Hùng cũng chỉ ra rằng: “Chống tham nhũng đã có một số kết quả, nhưng chống lãng phí thì chưa có kết quả. Chưa thấy ai bị kỷ luật vì lãng phí. Hãy coi tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm”.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, nên khoán chi tất cả vào lương để cho dân giám sát xem ngành nào chi có hiệu quả và đề nghị công bố công khai (trừ lĩnh vực quốc phòng và an ninh) để dân được biết. Thậm chí, nếu ngành nào, địa phương nào làm tốt, làm không tốt có thể đưa vào chỉ tiêu thi đua để thưởng, phạt tương xứng.