Việt Nam có nhiều nhân tố để tăng trưởng tốt

Việt Nam có nhiều nhân tố để tăng trưởng tốt
TPO- Đây là nhận định của ông Justin Wood, GĐ Corporate Network, Singapore về triển vọng kinh tế của Việt Nam trước thềm Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đối ngoại 2008 có tên "VN - Ngôi sao đang lên" sẽ diễn ra trong hai ngày 8- 9/1 tại Hà Nội.
Việt Nam có nhiều nhân tố để tăng trưởng tốt ảnh 1
Theo đánh giá, hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Đặng Vỹ

Theo ông J.Wood, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu mạnh mẽ những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó việc gia nhập WTO cùng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm bớt những cản trở đầu tư sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển trong thập kỷ tới.

Ông cũng cho rằng triển vọng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tỷ lệ tăng trưởng năm 2007 là 8,3% và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì trong những năm tới.

Sự phát triển này là do sự ổn định về chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó các nhà lãnh đạo đã có cam kết cụ thể và ổn định trong tiến trình cải cách nền kinh tế. Một điểm nữa, tác động tới sự tăng trưởng của Việt Nam là việc ngày càng mở cửa hơn đối với thương mại quốc tế.

“Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO cách đây một năm là một bước đi lớn nhất, mới nhất của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Trong quá trình mở cửa và đổi mới, quá trình công nghiệp hoá là một nhân tố rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Cùng với đó là sự chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực có nhiều giá trị gia tăng hơn”- ông cho biết.

Cũng theo đánh giá của ông Wood, về dài hạn, Việt Nam có nhiều nhân tố tích cực để duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Đó là lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ ngày càng tăng.

Thêm vào đó, cam kết của Chính phủ về việc tự do hóa nền kinh tế và việc đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường cũng đem lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế.

Khó trở thành hiện tượng Trung Quốc thứ hai ở châu Á

Việt Nam có nhiều nhân tố để tăng trưởng tốt ảnh 2
Ông Justin Wood

Đánh giá về việc phát triển của Việt Nam, ông Justin Wood nhận định đây là thị trường có tiềm năng rất lớn với nhiều rủi ro, thách thức. Cũng theo ông Wood, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, nhưng cũng nhiều điểm khác biệt nên khó có thể trở thành hiện tượng Trung Quốc thứ hai ở châu Á.

Điều này do Việt Nam khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số như Trung Quốc đã duy trì được nhiều năm. Cùng với đó, Việt Nam có quy mô thị trường hoàn toàn khác với Trung Quốc.

Với đặc thù trên, Việt Nam sẽ không trải qua những điều mà Trung Quốc đã trải qua trong quá trình phát triển. Hơn nữa, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc hiện cao hơn Việt Nam rất nhiều, do đó, khả năng đầu tư và tái đầu tư của nước này lớn hơn, dẫn đến tăng trưởng cao.

“Nhưng bù lại Việt Nam có cơ cấu dân số rất hấp dẫn. Với 85 triệu dân, Việt Nam là nước có dân số đông thứ 13 trên thế giới với trên một nửa lực lượng lao động dưới 25 tuổi và được đào tạo tương đối tốt. Chính vì vậy, tôi nghĩ, VN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới”- Ông Wood lạc quan.

Không ít rủi ro và thách thức

Về phần mình ông, Charles Goddard, Trưởng ban biên tập khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Economist Intelligence Unit cũng cho rằng, bên cạnh những thành công đạt được, hiện Chính phủ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ lạm phát cao là một điều đáng lo ngại.

Bên cạnh đó một số vấn đề dễ nhận thấy đó là nền tảng hạ tầng cơ sở chưa đầy đủ. Đường sắt, đường hàng không, nước, điện chưa đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp nước ngoài. Mối quan tâm thứ 2 là mặc dù lực lượng lao động Việt Nam đông đảo, nhưng thiếu nhân lực có chất lượng cao.

“Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện vẫn là một mối quan ngại lớn. Một vấn đề nữa là sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn và quản lý. Vấn đề tham nhũng, cũng là một vấn đề cần chú ý”- Ông Goddard nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng trong quá trình phát triển, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống sản xuất xuyên châu Á. Điều này có thể nhận thấy qua việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư đang chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đối ngoại 2008 với tên gọi “Việt Nam- ngôi sao đang lên của châu Á”- do tạp chí Economist (thuộc Economist Intelligence Unit) phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức với sự tài trợ chính của HSBC, Nokia Siemens Networks cùng các nhà đồng tài trợ là VinaCapital và IndoChinaCapital- là cơ hội đem lại một cái nhìn sâu hơn về một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Á.

Hội nghị cũng được xem là cơ hội “có một không hai” để giới đầu tư nước ngoài có thể gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, cũng như thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

MỚI - NÓNG