Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm

TPO - Hàng năm tại Việt Nam có hơn 2.000 sinh mạng trẻ em bị cướp đi do đuối nước trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng này.

Tại hội thảo Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em (ĐNTE) do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 19/12 ở Cần Thơ, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, trong đó có mục tiêu “bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải giải quyết nhiều thách thức đối với việc bảo đảm các quyền của trẻ em, trong đó tai nạn thương tích trẻ em. “Tử vong trẻ em do tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vẫn là vấn đề xã hội nóng. Hàng năm tại Việt Nam vẫn có khoảng hơn 2.000 sinh mạng trẻ em bị cướp đi do đuối nước trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng này” – ông Nam nói.

Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, ĐNTE tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức như: nhận thức, kiến thức, kỹ năng của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng chống ĐNTE còn hạn chế và bất cập; môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây; nhiều trẻ em còn thiếu kỹ năng; nguồn lực thực hiện công tác này tại một số địa phương còn thấp, thậm chí chưa được phân bổ.

Để giảm thiểu tử vong do đuối nước, đòi hòi phải có sự phối hợp chặt chẽ, chu đáo, cụ thể đến tỉ mỉ của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của đông đảo người dân, gia đình. Đặc biệt, cần quan tâm đến các can thiệp trực tiếp tại cộng đồng, đến việc trẻ em phải được biết, được rèn luyện các kỹ năng sinh tồn mà an toàn trong môi trường nước, bơi và cứu đuối an toàn là một trong những kỹ năng bắt buộc phải được trang bị...

Bà Đoàn Thị Thu Huyền – Giám đốc Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tại Việt Nam thông tin, theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu, mỗi năm trên thế giới có 524.000 trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, hàng chục triệu trẻ em cần được chăm sóc tại bệnh viện. “Một điều đau lòng là hơn 95% tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ hai của tử vong trẻ em” – bà Huyền cho hay.

Trong 2 năm qua, Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) và GHAI hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH để thực hiện chương trình với khoản hỗ trợ 1,8 triệu USD, triển khai tại hơn 100 xã, 21 huyện của 8 tỉnh, nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều phối và triển khai cho mạng lưới phòng chống ĐNTE, thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ về trẻ em tại Việt Nam…

Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm ảnh 2 Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Ảnh: Cảnh Kỳ

Kết quả của chương trình cho thấy, nhận thức của phụ huynh về nguy cơ của ĐNTE tăng từ 63% lên 72% sau 1 năm; đã có hơn 4.000 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và trên 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn từ hàng trăm lớp đào tạo.

Đã có gần 900 giảng viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng chống đuối nước và cấp chứng nhận bởi Tổng cục Thể dục thể thao. Trên 13.000 trẻ được dạy bơi an toàn và trên 23.000 trẻ em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Trong giai đoạn tới, chương trình tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1,6 triệu USD để triền khai, mở rộng lên hơn 35 huyện của 12 tỉnh.

Kết luận hội thảo, bà Đinh Thị Mai – Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) đề nghị các đại biểu, đặc biệt là Ban Tuyên giáo các tỉnh thành, các cơ quan báo chí… nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống ĐNTE. Đây là việc làm hết sức thiết thực, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ ĐNTE. “Quan tâm chăm sóc đối với trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị, cần nêu cao trách nhiệm của mình, tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng các hình thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền…” – bà Mai lưu ý.

MỚI - NÓNG