Xin Thủ tướng đánh giá về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay?
Hai nước Việt Nam - Trung Quốc có mối quan hệ truyền thống lâu đời, núi liền núi, sông liền sông, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công xây dựng và củng cố. Đặc biệt, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực, đạt được những thành quả đáng khích lệ. Thành tựu lớn nhất, nổi bật nhất là hai nước đã không ngừng củng cố, phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và duy trì đà phát triển tích cực. Các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai nước được duy trì thường xuyên; qua đó, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Thành tựu trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc là tiền đề cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai quốc gia. Với nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác đầu tư về kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có những bước phát triển. Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều tăng mạnh; chênh lệch cán cân thương mại đang dần được cải thiện.
Hai nước đã triển khai nhiều hoạt động sôi động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ và người dân các địa phương vùng biên giới hai nước; các cuộc gặp gỡ giữa các bộ, ngành và địa phương… với nội dung trao đổi, hợp tác đa diện, nhiều chiều, nhiều tầng nấc, góp phần tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, Trung Quốc dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam; năm 2017, có hơn 4 triệu lượt người, tăng 48,6%, chiếm hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (riêng 10 tháng năm 2018, đã có gần 4,2 triệu lượt khách Trung Quốc thăm Việt Nam tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước); trong khi đó hàng năm có khoảng 3 triệu người Việt Nam sang Trung Quốc.
Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; đạt được những nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển và đang tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển.
Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc củng cố hơn nữa nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển, nâng cao vị thế của mỗi nước.
Với những cơ sở và nền tảng tốt đẹp như đã nêu ở trên, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục triển khai hiệu quả những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được; tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy các cơ chế giao lưu, hợp tác cùng có lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, to lớn hơn nữa, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của chính phủ Trung Quốc với mục tiêu mở cửa thị trường Trung Quốc ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia được mời chính thức với vai trò “Quốc gia danh dự” tham dự Hội chợ lần này, vậy xin Thủ tướng cho biết, Việt Nam kỳ vọng gì trong việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc?
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải (CIIE 2018). Nhân đây tôi cũng cảm ơn Chính phủ Trung Quốc và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình đã trân trọng mời Việt Nam tham dự với danh nghĩa “Quốc gia danh dự”.
Tôi đánh giá cao việc Trung Quốc tổ chức CIIE 2018, thể hiện tư duy hợp tác cùng thắng, cùng có lợi, tạo ra một kênh xúc tiến thương mại mới, quan trọng và có quy mô lớn đối với Trung Quốc và các đối tác, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường, thực hiện các hoạt động xúc tiến giao thương.
Tham dự Hội chợ với vai trò là “Quốc gia danh dự” trong lần tổ chức đầu tiên này, Việt Nam có cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với hơn 150.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác.
Thông qua CIIE 2018, với vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam mong muốn tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa những lợi ích thiết thực do Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc đem lại, đóng góp vào sự phát triển toàn diện quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trung Quốc quyết tâm kiên trì cải cách mở cửa, kiên trì ủng hộ tự do hóa thương mại. Vậy xin Thủ tướng cho biết hai nước Việt Nam - Trung Quốc nên làm thế nào để tăng cường sự kết nối giữa sáng kiến “Vành đai, Con đường” với Kế hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn nữa cho nhân dân hai nước ?
Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác, liên kết kinh tế trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” vì mục đích hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung cho các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước tham gia hợp tác cũng như luật pháp quốc tế. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Phía Việt Nam cho rằng hai bên có tiềm năng hợp tác trên cả 05 lĩnh vực kết nối (chính sách, hạ tầng, tài chính, thương mại, con người) đã nêu trong MOU.
Trên tinh thần đó, tôi đề nghị thời gian tới hai nước cần tập trung thúc đẩy một số vấn đề sau:
Một là, tích cực thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được nhập khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc, nhất là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và Trung Quốc có nhu cầu, như hàng nông sản, thuỷ sản, hoa quả, hàng điện tử tiêu dùng...
Hai là, doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng và tiến độ, nhất là các dự án được Lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm, qua đó tạo hình ảnh tốt, uy tín của đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam.
Ba là, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với phía Trung Quốc để cụ thể hóa các nội dung hợp tác nói trên; nghiên cứu xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tôi hi vọng rằng, việc tích cực phối hợp, triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết nêu trên sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia.