Việt Nam có 350 tấn rác thải y tế mỗi ngày

Việt Nam có 350 tấn rác thải y tế mỗi ngày
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo đánh giá về xử lý rác thải y tế độc hại diễn ra ngày 3/9 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có khoảng 14 ngàn cơ sở y tế với tổng lượng rác thải y tế độc hại khoảng 350 tấn/ngày. 

Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có một số bệnh viện tuyến Tỉnh và Trung ương được đầu tư các lò đốt và thiết bị hiện đại để xử lý rác thải y tế độc hại. Ở các vùng kinh tế khó khăn nhất là ở các cơ sở y tế tuyến Huyện, tuyến Xã thì hầu như rác thải y tế độc hại đều không qua khâu xử lý khử trùng mà đưa thẳng vào lò đốt theo phương pháp thủ công hoặc chôn luôn xuống đất. Điều này gây ô nhiễm tới môi trường và ảnh hưởng tới những hộ dân sống quanh vùng.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, từ thực trạng trên, tháng 7/2014, Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức Luxembourg thực hiện dự án VIE/027 “Hỗ trợ Chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo tại Cao Bằng, Bắc Kạn” nhằm trang bị các lò hấp xử lý rác thải y tế độc hại cho 6 bệnh viện Huyện và 17 trạm y tế Xã thuộc Tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.

Theo chương trình triển khai Dự án, từ tháng 5/2015, Dự án hỗ trợ lắp đặt 23 máy hấp xử lý chất thải y tế tại 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 17 trung tâm y tế của 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Trong đó, Cao Bằng có 3 huyện được hưởng lợi là: Trùng Khánh, Hà Quảng, Nguyên Bình.

Bộ Y tế cũng đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cập nhật, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường. Bộ còn xây dựng cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính triển khai một số dự án cấp bách để giải quyết ngay những cơ sở chữa bệnh đang gây ô nhiễm nặng nề nhất. 

Các sở y tế địa phương cũng tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và nhân viên y tế về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý chất thải y tế. Không chỉ vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường được tăng cường.

Bên cạnh những biện pháp nhằm giảm thiểu mối đe dọa do rác thải y tế gây ra như: tăng cường tuyên truyền, thanh tra, xử phạt,…,cũng cần sự tích cực của các bệnh viện trong việc mạnh dạn đầu tư và đưa vào sử dụng những sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ mới nhằm giảm thiểu rác thải y tế. 

Nhiều bệnh viện như bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Viện Huyết học truyền máu Trung Ương, bệnh viện E, bệnh viện Nhi TW, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, v.v. cũng tích cực sử dụng thuốc têm ống nhựa, nước cất ống nhựa sử dụng để pha thuốc, thay thế ống thủy tinh giá rẻ chất lượng thấp, nguy hại cho môi trường.

Đây là loại ống nhựa sản xuất theo dây chuyền công nghệ BFS và làm từ nhựa polypropylen đặc biệt, đảm bảo không có hóa chất gây độc, xóa bỏ các khâu xử lý lọ như: tồn kho, làm sạch, khử trùng giúp hạn chế tối đa ô nhiễm vi sinh vật.  

Thêm vào đó, loại thuốc tiêm và nước cất ống nhựa có ưu thế góp phần giảm lượng rác thải y tế trong điều trị từ những chiếc gạc mà trước kia các y tá, điều dưỡng viên vẫn thường phải dùng lót để bẻ ống, giảm thiểu chi phí cho việc sử dụng, thu gom, tiêu hủy…

Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có công ty cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội - đạt tiêu chuẩn GMP- WHO có khả năng sản xuất loại nước cất này. Các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng mô hình áp dụng công nghệ mới để hạn chế ảnh hưởng độc hại từ rác thải y tế hiện nay.

MỚI - NÓNG