Việt Đức - Claudia Borchers - tâm hồn Việt

Việt Đức - Claudia Borchers - tâm hồn Việt
TP - Giới mỹ thuật chuyên nghiệp, hơn ba ngàn người tại Berlin, nhiều người biết tới tên họa sỹ Claudia Borchers. Nhưng những người Việt Nam lại gọi chị âu yếm bằng cái tên Việt Nam và Đức đan nhau: chị Việt Đức Claudia.
Việt Đức - Claudia Borchers - tâm hồn Việt ảnh 1
Họa sĩ Việt Đức

Họa sĩ Việt Đức Claudia hiện nay sinh sống tại một căn hộ nhỏ trên phố Bizetstrasse 102.b, trung tâm Berlin. Căn hộ Việt Đức là loại nhà ở giá tiền ưu đãi chính quyền thành phố dành cho nhiều văn nghệ sĩ, rẻ hơn so với những khu nhà hiện đại tương tự.

Căn hộ nằm sâu trong ngôi nhà thứ hai, sau ngôi nhà ngang mặt tiền. Cầu thang rộng dẫn lên ba phòng, phòng ngủ, phòng làm việc và phòng ăn; tất cả ngăn nắp, sạch sẽ và ăm ắp những bức tranh đủ mầu sắc.

Tôi tới thăm nhà chị đúng vào ngày chị chọn làm buổi triển lãm tranh tại nhà riêng. Nước Đức kì lạ, họa sĩ tổ chức triển lãm và bán tranh hàng năm vào đúng một ngày cố định. Không quảng cáo ầm ĩ, giới am tường hội họa truyền tai nhau và từ sớm tới tối mịt, lặng lẽ kéo tới nhà họa sĩ xem, ngắm, uống café, đàm đạo với chủ nhà.

Trong phòng bếp, Việt Đức kê một cái bàn rộng, dưới những bức tranh treo trên tường là đồ ăn, thức uống bầy sẵn, dành cho bất kì ai đó, vội vã từ công sở hay nơi xa tới, quen và chưa từng quen, có thể ăn một chút gì cho đỡ đói lòng hoặc nhắm tí rượu vang đỏ, chạm cốc với chủ nhà mà không cần mua một bức tranh nào.

Năm nay tranh Việt Đức Claudia tràn ngập hoa. Những bức tranh thuốc nước (Aquarell) của Việt Đức diễn tả đủ dáng vẻ của loài hoa bách hợp. Nó gợi cho tôi nhớ tranh lụa xứ Việt, vừa bàng bạc, vừa trong trẻo, lại mong manh, cảm giác cô đơn của con người trước vẻ đẹp không dễ gì nắm bắt của thiên nhiên.

Phòng trong kế bếp có bức Sơn dầu rất lớn, có lẽ nó được vẽ rất lâu rồi. Sơn dầu Việt Đức hiện đại và cổ điển như lớp họa sĩ thời Boda cha tôi.

Nhiều khách cứ lặng lẽ vào xem tranh và bàn bạc rất nhỏ nhẹ với Việt Đức. Họ tự do chọn tranh, xem và ngắm tranh trong từng xấp tranh lớn chủ nhà để trên các kệ, bàn và tất cả cái gì có thể xếp tranh. Có khung và để rời. Những bức tranh có giá cũng cực kì chênh lệch. Có loại như kí họa, phác thảo giá 20 Eu, 30 Euro, có tranh bốn năm chục đến vài trăm.

Tranh sơn dầu đắt nhất, giá vài ngàn. Tôi xem một tập tranh rời, đụng phải mấy bản phác thảo, kí họa cảnh trí Việt Nam. Người đi cầy và trâu. Dăm bức thôi, đó là những tranh còn sót lại qua nhiều cuộc bán tranh, sản phẩm của lần chị về thăm quê ngoại năm nảo năm nao.

Trong một phòng, nơi trang trọng, tôi nhìn thấy một bàn thờ đặt cao. Thật bất ngờ, trên đó có thờ Bác Hồ chung với song thân của chị. Chiếc ảnh của Bác Hồ treo cùng ảnh thân phụ của Việt Đức Claudia.

Chúng tôi ngồi bên nhau, cả những người bạn Đức và Nga, uống rượu vang  và câu chuyện bắt đầu.

Họa sĩ Việt Đức Claudia sinh 1950 tại chiến khu Việt Bắc. Cha chị, ông  Erwin Borchers sinh năm 1906 ở Strasburg, là con trai của một sĩ quan Phổ và mẹ ông là con gái một chủ trang trại trồng nho vùng Elsaess. Ông bị đẩy sang Đông Dương trong đội quân Lê dương của thực dân Pháp vào những năm sau đại chiến thế giới lần thứ Hai đang tàn lụi.

Tận mắt nhìn thấy sự quật khởi của dân tộc Việt Nam trong khát vọng tự do, độc lập, Erwin Borchers nhận ra tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp do Bác Hồ lãnh đạo, ông tình nguyện tham gia vào đội quân cách mạng của Việt Nam trước toàn quốc kháng chiến.

Cùng với nhà trí thức cộng sản Đức gốc Do Thái Ernst Frey, một trong những cố vấn của tướng Giáp trong công tác tìm hiểu đối phương và binh vận, họ đã cho ra đời bản tiếng Pháp từ tờ báo đầu tiên của Việt Minh.

Được phân công tham gia địch vận, với quân hàm trung tá, thân phụ Việt Đức, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam Erwin Borchers - thuộc ban quân vận trong chiến dịch Điện Biên- bám sát nơi tiền chiến suốt 55 ngày đêm, đã lập được nhiều thành tích và được vinh dự gặp Bác Hồ.

Ông được bác đặt bí danh là Chiến Sĩ. Trung tá Chiến Sĩ thuộc ban quân vận có thành tích trong tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương chiến thắng hạng ba, cùng một món quà lưu niệm của Bác, một chiếc đồng hồ đeo tay có hình Hồ Chí Minh trên đó.

Erwin Borchers có kiến thức rộng, ông nổi tiếng trong số những người nước ngoài tham gia vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, như một Bách khoa toàn thư, hiểu biết khá rộng nhiều lĩnh vực về tôn giáo và văn hóa.

Đặc biệt về văn hóa và văn học Đức, văn học và ngôn ngữ Romania trong cương vực Pháp-Phổ. Lại là một tín đồ Tin lành, ông tin ở điều thiện, tin vào sự nghiệp chính nghĩa mà ông tham gia cùng Việt Nam, do vậy ông rất tận tâm công tác, có nhiều sáng kiến trong việc giác ngộ, binh vận với binh lính Pháp, đặc biệt là đối với số binh sĩ gốc Đức.

Năm 1953, được sự giúp đỡ của bạn bè người Việt, cha chị kết hôn với một thiếu nữ Việt quê ở Ninh Bình và sinh ra chị trước chiến dịch Điện Biên trên chiến khu Tây Bắc. Thập kỉ sáu mươi ông giải ngũ và hồi hương về Đông Đức. Những năm tháng ở Việt Nam để lại cho người cựu binh già nhiều tự hào và kỉ niệm. 

Về tổ quốc, Erwin Borchers cùng các nhà văn hóa, nhà thơ và bạn chiến đấu khác tổ chức nhiều buổi nói chuyện giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt Quân đội Nhân dân của Bác Hồ, của đại tướng Võ Nguyên Giáp, luôn là kí ức còn tươi roi rói trong ông.

Những điều đó có tác dụng không nhỏ, đối với một bộ phận nhân dân Đức trong việc ủng hộ tích cực về tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Nói về người cha kính yêu của mình, Việt Đức không dấu vẻ tự hào khi chị chỉ rõ ảnh của Trung tá Chiến Sĩ, ông Erwin Borchers  treo trang trọng trên ban thờ dưới chiếc ảnh Bác Hồ kính yêu.

Quá trình sống cùng cha mẹ tại Việt nam, Việt Đức Claudia được đào tạo mỹ thuật, hai năm, ở Trường Đại học mỹ thuật Yết Kiêu, Hà nội. Năm 1966, theo cha mẹ trở về Đức, chị lại học tiếp và 1973 tốt nghiệp trường Đại học mỹ thuật Dresden (Studium der Tafemalerei an der Hochschule fur Bildende Kunste) Chị đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh trong nước Đức và nước ngoài, kể cả cuộc triển lãm tranh tại Việt Nam năm 1994.

Tâm sự với tôi, Việt Đức Claudia nói: “Tôi về thăm nhà hai lần. Bây giờ nhiều khi nhớ Hà Nội lắm. Hoa sữa là loại hoa thơm lạ kì. Tiếng ve. Hoa phượng rực rỡ thắm đỏ. Những đường phố yên tĩnh và con gái Hà Nội duyên dáng. Sâu đậm nhất với tôi là tiếng Việt Nam…”

Việt Đức nói tiếng Việt rất chuẩn. Những âm hưởng thuần Việt dường như chưa hề phôi phai ở con người này mỗi khi trò chuyện, cũng như những gì sâu thẳm ở tâm hồn, văn hóa Việt Nam còn nồng nàn âm ỉ cháy trên những gam mầu và phong cách của tranh Claudia Borchers đang treo trên tường kia.

Viết thư cho tôi tháng vừa qua, Việt Đức Claudia thông tin vừa thành công lớn thêm một cuộc triển lãm tranh nữa, mới nhất mùa hè năm 2008 tại Berlin. Chị ao ước ngày nào đó quay lại Việt Nam để được gặp lại quê mẹ, mảnh đất chôn nhau của chị. “Để vẽ và triển lãm tranh một lần nữa ngay chính tại quê mẹ.”

Ước mơ dung dị thế, mà làm tôi dưng dưng. Hình như dầu thành danh trên đất Đức họa sỹ Việt Đức Claudia chưa khi nào quên được nửa dòng máu Âu Cơ của mình…

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.