Ông Vũ Tiến - Phó tổng biên tập báo Tiền Phong, Phó ban tổ chức giải cho biết: "Việt dã và marathon báo Tiền Phong là giải đấu đỉnh cao có tuổi đời lâu nhất trong làng thể thao Việt Nam và đã được đưa vào hệ thống thi đấu của điền kinh Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Trong nhiều năm trở lại đây, BTC giải đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức, để nâng cao tính chuyên nghiệp của giải đấu.
Năm nay, Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong có nhiều sự thay đổi lớn như đưa vào sử dụng hệ thống tính điểm điện tử; cung cấp gel năng lượng, nước, nước điện giải và hoa quả giàu vitamin, khoáng chất cho các VĐV trên đường chạy; rút ngắn thời gian cut- off cho VĐV phong trào... Cũng nhờ đó, số lượng đoàn tham dự tăng mạnh, số lượng VĐV phong trào tham dự nội dung marathon đã tăng gấp 5 lần so với giải năm 2017".
Ông Vũ Tiến cũng đánh giá cao sự ủng hộ, phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk trong quá trình chuẩn bị cho Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong 2018.
Về công tác tổ chức giải, bà H' Lim Nie - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk xác nhận, tới thời điểm hiện tại, khâu chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, và hiện chỉ còn phải đi vào các chi tiết. Công an tỉnh Đắc Lắk đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ, trong đó có 20 người túc trực tại địa điểm khai mạc, số còn lại cắm chốt ở khắp các tuyến đường cấm, đảm bảo không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Về công tác y tế, BTC sẽ bố trí 2 xe cứu thương cố định hai đầu trên đường chạy, cùng một lều y tế với 3 tổ cấp cứu, mỗi tổ có một bác sĩ chính sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các VĐV trong trường hợp cần thiết.
Các công tác khác như an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, lưới điện… cũng được lên kế hoạch chu đáo. Phía Đắk Lắk cũng huy động thêm 2.000 học sinh, sinh viên tham gia chạy đồng hành, chuẩn bị chương trình ca nhạc, văn nghệ phục vụ khán giả.