Từ ngày 18/5, các đường ống cống kích thước lớn được thi công, lắp đặt dưới sông Tô Lịch, sông Lừ. Khi hoàn thành, nước thải xả xuống sông sẽ được gom lại đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Hai gói thầu nằm trong Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài toàn tuyến dài hơn 60 km.
Trước tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện. Năm 2014, Sở TN&MT Hà Nội tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông.
Cuối năm 2018, Cty Thoát nước Hà Nội đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch, sau đó sử dụng công nghệ Bio-nano của Nhật Bản, công nghệ Redoxy3C…
Tuy nhiên, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định. Riêng đối với công nghệ Nano - Bioreactor, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: “Công nghệ Nano-Bioreactor được thành phố mời đến thí điểm và đơn vị này đã thất bại”.
Ðáp ứng nhu cầu xả thải cho gần 1 triệu dân
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường nhận định, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ giải quyết được đồng bộ lưu vực hơn 4.800ha, nhu cầu xả thải của xấp xỉ 1 triệu dân.
Theo quy định, nước thải sau xử lý xả ra sông Nhuệ, sông Tô Lịch chỉ cần mức B QCVN, tuy nhiên công nghệ xử lý của Nhà máy Yên Xá đạt đến mức A. Mùa khô nước thải xả về sông Tô Lịch, mùa mưa nước xả cả về sông Nhuệ, sông Lừ.
“Tất nhiên, việc nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ chưa thể làm xanh dòng sông ngay được, nhưng sau khoảng 6 tháng và từ đó trở đi chúng ta có thể mong đợi nước các dòng sông sẽ hồi sinh”, ông Hạ nói.
GS sử học Lê Văn Lan nhận định, việc cải tạo sông Tô Lịch mang ý nghĩa lớn cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa. Từ nhiều năm trước, đã có các dự án “hồi sinh” dòng sông này, nhưng GS Lan đánh giá, lần này mới là công trình mang tính tổng hợp, đầu tư quy mô, lần đầu được triển khai. “Tôi rất mong với sự quyết tâm của thành phố, sẽ giúp dòng sông lịch sử sớm được hồi sinh”, ông Lan nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQLDA cho biết, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được căn bản phần gốc của vấn đề xử lý nước thải cho các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần quận Hà Đông và khu đô thị mới.
Các hạng mục, trạm bơm nước thải đầu vào, bể phản ứng bùn, bể lắng thứ cấp... được thực hiện đồng bộ, hoàn thành cơ bản trước khi mùa mưa đến. Đặc biệt, đa số các tuyến ống sẽ được thi công chìm, đào mở để khoan kích ngầm. Công nghệ khoan kích ngầm mới được đưa vào sử dụng tại Hà Nội, giúp hoạt động khoan dưới lòng đất không ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao thông của người dân trên mặt đất.
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có quy mô xây dựng trên phạm vi lưu vực khoảng 4.874ha, công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cầu đấu nối (dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) tiếp nhận nước thải của 7 quận, huyện. Dự án được đánh giá có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.