Vỉa hè, chuyện lớn hay nhỏ ?

Vỉa hè, chuyện lớn hay nhỏ ?
TP - Sau khi ông Đoàn Ngọc Hải- người mới đây vừa đệ đơn xin từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TPHCM ) vì chuyện vỉa hè - quyết định giải tán 48 bãi giữ xe “vua”, một nghịch cảnh lại xảy ra nơi đây.

Đó là, vỉa hè nơi từng bị chiếm dụng làm bãi giữ xe thì phong quang thoáng đãng, trong khi nhà dân xung quanh chật ních xe cộ vì đua nhau mở dịch vụ trông giữ xe.

Chỗ ở biến thành “bãi giữ xe” mini, chuyện lạ trên thế giới nhưng không lạ ở Việt Nam. Những người có nhu cầu gửi xe gắn máy khi có việc quanh khu trung tâm quận 1 hẳn cũng “vui vẻ” móc hầu bao dăm mười ngàn để được gửi xe, bởi còn hơn không có chỗ để gửi. Với người dân xung quanh khu vực này, âu cũng là dịp để kiếm thêm đồng ra đồng vào, dẫu có đôi chút bất tiện và hít khói bụi xăng xe chút đỉnh.

Chỉ co điều, khó có thể đồng ý với ông Hải rằng, “Giữ xe trong nhà cũng là cách để giúp vỉa hè ngăn nắp, thông thoáng và trật tự hơn, không còn cảnh nhếch nhác nữa”. Bởi không thể đánh đổi sự “ngăn nắp, thông thoáng” nơi vỉa hè bằng sự bất tiện, nhếch nhác, thậm chí là mất an toàn cháy nổ nơi nhà dân được ! Lấy gì đảm bảo những ngôi nhà ống mặt phố, mặt ngõ kín mít kia sẽ đảm bảo mọi điều kiện an toàn, dù là tối thiểu, cho một dịch vụ trông giữ xe gắn máy?

Ngẫm ra, bộ mặt vỉa hè chính là hình thức biểu hiện của nội dung bên trong những ngôi nhà dân - tế bào của xã hội. Hay nói cách khác, trình độ phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội sẽ quyết định diện mạo chốn vỉa hè. Vậy nên, nội dung thế nào thì hình thức sẽ thế đó, không thể có một vỉa hè như Singapore giữa TPHCM hiện nay. Đó là điều duy ý chí!

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng phải mất tới ba chục năm mới có vỉa hè thênh thang, rợp bóng cây, không hàng quán bán rong như hiện nay. Cùng với sự phát triển đồng bộ của kinh tế, giáo dục và văn hóa, chính quyền quốc đảo này đã xây cả trăm khu bán hàng rong tập trung có kiểm soát, cấp giấy phép kinh doanh, ATVSTP…cho người dân mưu sinh. Ngày nay, bất cứ ai đến Singapore đều có thể dễ dàng tìm thấy những khu ăn uống bình dân tập trung rất tiện lợi và sạch sẽ, thể hiện rõ nét trình độ tổ chức xã hội đầy ngăn nắp và quy củ của chính quyền.

Quay lại vỉa hè của chúng ta, không chỉ mỗi chuyện bị chiếm dụng vì mưu sinh và vì cả lợi ích nhóm, mà ngay cả việc lát đá vỉa hè như Hà Nội cũng đang có chuyện phải thanh tra, thậm chí nghe nói có cả bóng dáng “con ông cháu cha”… Vì vậy, vỉa hè dường như là “tấm gương” đang phản chiếu nhiều điều, cả tốt lẫn xấu trong nội tại một xã hội. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi đây chính là nơi dễ nhìn, dễ thấy, dễ tiếp cận nhất đối với mọi người dân trong đô thị.

Hiểu theo nghĩa đó, câu chuyện quản lý và sử dụng vỉa hè đâu phải là chuyện nhỏ, mà chắc hẳn phải là chuyện lớn, trong mối tương quan với trình độ phát triển của cả một xã hội. Không thể nôn nóng, chủ quan, duy ý chí !        

MỚI - NÓNG