Có thể khi còn yêu nhau, hai người chưa thực sự là của nhau, chưa thực sự rang buộc cả về mặt gia đình và pháp lý, thì chị có thể “nương tay” với cái tật thích trêu gái, tán tỉnh, buông lời ỡm ờ trăng gió của anh ta với phụ nữ.
Nhưng khi đã chính thức là vợ chồng rồi, chị phải thẳng thắn nói cho anh ta biết rằng, chị không thể chấp nhận tính cách đó của anh ta và nếu như muốn được vợ tôn trọng, gia đình yên ấm thì anh ta phải chấm dứt hoàn toàn việc tán tỉnh các cô gái như vậy.
Đằng này không chỉ tán gái lúc vắng mặt chị, có vợ đi cùng ngay sát cạnh mà anh ta cũng chẳng từ, vẫn “mở máy” tán gái bất kể thời gian, địa điểm, bất kể lạ quen như thế thì nhân cách của anh ta hoàn toàn không bình thường nữa.
Chị mới chỉ dừng ở mức độ góp ý, rồi giận dỗi với chồng chứ không hề có “biện pháp mạnh” để buộc anh ta phải chấm dứt thói hư tật xấu đó.
Chính vì sự nương nhẹ không đúng ấy của chị, mới dẫn đến những tình huống dở khóc, dở mếu, xấu hổ đến dại cả mặt như chị nói, khi anh ta bị những người phụ nữ mà anh ta trêu ghẹo phản ứng gay gắt lại. Và đỉnh điểm là anh ta tán tỉnh cả em họ của vợ, rồi bị chính cô em này dạy cho một bài học khi dùng những từ ngữ khá nặng nề để “vạch trần” bản chất của ông anh rể.
Dù muộn còn hơn không, theo tôi bây giờ vợ chồng chị hãy ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với nhau. Bằng chứng là những lần “dại mặt” mà cả hai vợ chồng chị đều phải chịu trận, vậy chị hãy yêu cầu anh ấy sửa chữa. Nếu anh ấy biết nhận ra lỗi lầm của mình, thì phải thay đổi, còn nếu cứ khăng khăng giữ thói xấu ấy của mình, tôi nghĩ chị cũng chẳng nên cố gắng giữ làm gì người chồng xấu thói ấy nữa đâu.