Vì sao UAE mua vũ khí Triều Tiên?

Binh sĩ UAE tham gia lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2013. Ảnh: Ben Job.
Binh sĩ UAE tham gia lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2013. Ảnh: Ben Job.
TP - Là đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vẫn duy trì các hoạt động mua bán vũ khí bí mật với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao UAE ngày 2/8 ra thông cáo chính thức lên án vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. UAE gọi hành động của Triều Tiên là gây ra “mối đe dọa thực sự đối với sự ổn định và an ninh quốc tế”, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề hạt nhân.

Theo bài viết vừa đăng trên tạp chí The Diplomat, dù Abu Dhabi đưa ra những lời lẽ phản đối Bình Nhưỡng mạnh mẽ như vậy nhưng theo một tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ bị rò rỉ, UAE đã mua lượng vũ khí trị giá 100 triệu USD từ Triều Tiên vào tháng 6/2015 để hỗ trợ chiến dịch can thiệp quân sự do Ảrập Xêút dẫn đầu ở Yemen.

Việc UAE bí mật mua vũ khí từ Triều Tiên có thể giải thích theo quan điểm của Abu Dhabi rằng, Bình Nhưỡng là nhà cung cấp hệ thống tên lửa giá trị tiềm năng, và UAE muốn ngăn chặn Triều Tiên bán công nghệ quân sự tinh vi cho Iran và nhóm vũ trang Houthi của Yemen.

Dù UAE được nhiều nhà phân tích quốc phòng Mỹ đánh giá là đồng minh đáng tin cậy nhất của Washington trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nhưng quan hệ giữa Abu Dhabi và Washington trở nên căng thẳng sau khi Mỹ dưới thời của chính quyền Barack Obama đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 7/2015, được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). UAE còn phản đối gay gắt hơn những nỗ lực của ông Obama nhằm bình thường hóa quan hệ với Iran. Trong một cuộc thăm dò ý kiến, có đến 91% người dân UAE phản
đối JCPOA.

Nhiều nhà hoạch định chính sách ở UAE tin rằng, Iran sẽ chán nản với những cam kết trong JCPOA và vẫn sẽ đi theo con đường trở thành một cường quốc hạt nhân, nên nhiều quan chức cấp cao của UAE như Đại sứ UAE tại Mỹ al-Otaiba, thể hiện UAE mong muốn phát triển năng lực răn đe hạt nhân. Cho dù giới chức Mỹ không muốn UAE mua vũ khí hạt nhân, Abu Dhabi vẫn duy trì kết nối thương mại với những nước sở hữu vũ khí hạt nhân chống phương Tây, để họ có thể đáp trả nhanh chóng nếu Iran vi phạm thỏa thuận JCPOA.

Trong bối cảnh đó, Triều Tiên được đánh giá như một nhà cung cấp vật liệu hạt nhân tiềm năng cho UAE. Mối liên hệ quân sự giữa UAE với Bình Nhưỡng bắt đầu từ năm 1989, khi Abu Dhabi mua các tên lửa Scud-B từ Triều Tiên.

Thương vụ này diễn ra trong thời gian UAE phát triển hệ thống máy bay Mirage 2000 và F16 - có thể sử dụng làm hệ thống phóng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc và Pakistan có thể trở thành nhà cung cấp vật liệu hạt nhân cho UAE, nhưng cả Bắc Kinh và Islamabad đều không muốn xa lánh Iran, vì thế Bình Nhưỡng trở thành nhà cung cấp công nghệ tên lửa được UAE lựa chọn.

Dùng công ty trung gian

Việc mua nhiều vật liệu hạt nhân từ Triều Tiên sẽ bị Mỹ thù oán, nên UAE đã thực hiện những thương vụ mua bán với Triều Tiên thông qua các công ty tư nhân để bảo đảm rằng Abu Dhabi không trở thành đối tượng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Thương vụ mua vũ khí vào tháng 6/2015 của UAE với Bình Nhưỡng được thực hiện qua một công ty trung gian của UAE là al-Mutlaq Technology.

Mối quan hệ gần gũi giữa al-Mutlaq Technology với tập đoàn IGG - nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của UAE nằm dưới sự điều hành của ông Fadhil Saif al-Kaabi, bạn thân của Thái tử UAE, làm dấy lên đồn đoán về mối quan hệ giữa hai nhà nước UAE và Triều Tiên. Tuy nhiên, sự nhập nhằng xung quanh quan hệ của UAE với Triều Tiên và việc Abu Dhabi vẫn ra tuyên bố chính thức chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã giúp UAE che giấu được quan hệ thương mại với Triều Tiên, giới quan sát nhận định. Điều này giúp UAE vẫn mua được vũ khí và vật liệu hạt nhân từ Triều Tiên mà không bị Mỹ chú ý nhiều.

Những thương vụ như vậy mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể để Triều Tiên duy trì nền kinh tế. Việc UAE trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Bình Nhưỡng cũng giúp Abu Dhabi thuyết phục Triều Tiên không bán công nghệ quân sự tinh vi cho Iran và các đồng minh
của Iran.

Để thể hiện rằng việc duy trì quan hệ kinh tế và quân sự với Abu Dhabi cũng phải trả giá, UEA đã chặn chuyến tàu của Triều Tiên chở vũ khí cho Iran. Tháng 8/2009, UAE tịch thu một tàu chở vũ khí của Triều Tiên cho Iran. Động thái này khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ vì UAE có quan hệ thương mại rộng rãi với Iran và là điểm đến yêu thích của nhiều người Iran. Tuy nhiên, việc UAE chặn chuyến tàu chở vũ khí mang lại lợi ích chiến lược vì nó giúp bảo đảm với Ảrập Xêút rằng UAE tuân thủ cam kết ngăn chặn Tehran tiếp cận công nghệ quân sự của Triều Tiên.

Trong khi các nước khác trong GCC như Kuwait và Qatar đã giới hạn quan hệ với Triều Tiên tới mức nhập khẩu lao động, nhưng quan hệ quân sự của UAE với Triều Tiên không bị chỉ trích nhiều trong GCC - liên minh do Ảrập Xêút đứng đầu. Sự im lặng của GCC có thể được giải thích bằng việc Ảrập Xêút ủng hộ UAE sử dụng mạng lưới cảng của họ trên vịnh Ba Tư để ngăn chặn Triều Tiên chở vũ khí đến Iran. Chính sách Triều Tiên của UAE cũng được biện minh trong nội bộ GCC rằng nó giúp ngăn chặn Triều Tiên cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen.

Sự trùng hợp về thời gian phát hiện các tên lửa Scud của Triều Tiên ở Yemen vào tháng 6/2015 và thương vụ mua bán của công ty al-Mutlaq cho thấy UAE lo ngại công nghệ quân sự của Triều Tiên có thể bị bán cho nhóm Houthi. Các hợp đồng mua vũ khí từ Triều Tiên của UAE gồm chủ yếu những loại vũ khí hạng nhẹ như rocket, súng máy và súng trường, nhưng rõ ràng là Abu Dhabi đang cố gắng ngăn chặn Houthi không thể tiếp cận công nghệ của Triều Tiên và kiểm soát dòng chảy vũ khí đến Yemen.

Dù các quan chức UAE làm phân tán sự chú ý đối với những thông tin tiết lộ về hợp tác quân sự giữa họ với Triều Tiên bằng cách nhấn mạnh việc Qatar vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, nhưng những lợi ích chiến lược giữa UAE và Triều Tiên cho thấy Abu Dhabi khó có khả năng sẽ tự nguyện dừng mua vũ khí từ Bình Nhưỡng. Ngăn chặn Iran tiếp cận công nghệ quân sự của Triều Tiên là mục tiêu an ninh mà cả Ảrập Xêút và Mỹ cùng chia sẻ, nên UAE có thể sẽ tiếp tục phớt lờ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong thời gian tới, giới quan sát nhận định.

Theo Theo Diplomat
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.