Vì sao tuyển Nga như con thuyền không bến?

Vì sao tuyển Nga như con thuyền không bến?
Trở lại VCK World Cup sau 12 năm, tuyển Nga vẫn trình làng bộ mặt thường thấy: Loay hoay, rườm rà, thiếu ý tưởng và chỉ may mắn mới không thua Hàn Quốc sáng qua.

Kể từ thời hậu Liên Xô, nền bóng đá xứ Bạch Dương dù vẫn sản sinh ra không ít tài năng, nhưng chưa bao giờ vươn tới tầm “đội bóng lớn”. Mất tới 14 năm, trải 8 đời HLV nội nhưng Nga vẫn chơi bóng như thời “Kỷ Jura”.

Cả Chủ tịch LĐBĐ Nga và các cầu thủ đều cho rằng ĐT thi đấu kém cỏi là do bản quốc ca. Trước trận, khi đối thủ đầu ngẩng cao hát đầy khí thế thì cầu thủ Nga chỉ im lặng, cúi đầu do bản quốc ca không có lời. Việc bị đối thủ “át vía” trước lúc bóng lăn khiến cho “Gấu Nga” mất tinh thần, giảm hưng phấn dẫn đến thất bại.

Chỉ đến khi quốc ca đã có cả nhạc và lời hùng tráng (2001) nhưng thành tích ĐT vẫn bết bát, người Nga mới nghĩ đến chuyện đổi thay. Guus Hiddink, HLV ngoại đầu tiên trong lịch sử, với tư duy bóng đá hiện đại và đề cao những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài đã mang đến một hình ảnh khác, mà đỉnh cao là việc họ lọt vào bán kết Euro 2008. Lúc Hiddink ra đi, Dick Advocaat ít nhiều vẫn kế thừa được di sản của người tiền nhiệm. Nhưng khi Capello tới, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác…

Một chút liên tưởng qua “Con thuyền không bến đỗ” của nhà văn từng giành giải thưởng văn học châu Á Tô Đồng, với vấn đề của “Gấu Nga”. Anh Khố Văn Cán leo lên chức bí thư thị ủy nhờ việc là con liệt sĩ và rồi mất tất cả vì người ta chứng minh anh không phải là con liệt sĩ.

Tuyển Nga rũ bỏ hình ảnh cũ kỹ, già nua, bước vào top 4 của bóng đá châu Âu nhờ HLV và ngược lại cũng bởi HLV. Lối chơi tấn công nhanh, đẹp mắt mà người trước gây dựng bị phủ định hoàn toàn bởi sự thực dụng, công thức và kỷ luật của người đến sau. Nền bóng đá xứ Bạch Dương đến giờ vẫn không xác định được lối đi riêng, định hình được bản sắc để phát triển như Brazil, Đức, Hà Lan, hay chí ít là như… Nhật Bản.

Ở “Con thuyền không bến đỗ” người ta căn cứ vào việc là “con liệt sĩ” để đề bạt làm lãnh đạo. Dưới thời Capello, để lên tuyển, cầu thủ phải… thi đấu ở trong nước (23/23 cầu thủ Nga tại World Cup này thi đấu ở trong nước).

Tuyên bố trọng dụng cầu thủ thi đấu quốc nội của Capello đã dẫn đến làn sóng hồi hương của hàng loạt tuyển thủ. Trong khi chất lượng và sức cạnh trạnh của giải đấu này thì ai cũng rõ. Denis Cheryshev hay Pavel Pogrebnyak, những ngôi sao hiếm hoi đang thi đấu ở nước ngoài, không được Capello đoái hoài…

Quốc ca hay chuyên môn, HLV nội hay ngoại, trọng dụng cầu thủ chơi ở nước ngoài hay quốc nội, chọn chơi thứ bóng duy mỹ hay thực dụng…?! Hãy dừng lại ở hình ảnh cú sút vội vã của Samedov vào phút cuối cuộc đấu với Hàn Quốc, bỏ qua một cơ hội tạo ra khác biệt.

Đó chính là hình ảnh đại diện cho bóng đá Nga: Một con thuyền loay hoay không bến đỗ!

Theo Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.