Tuyên bố quan hệ hai miền đã đứt gãy hoàn toàn, tuần trước Triều Tiên cho nổ tung tòa nhà dùng làm văn phòng liên lạc chung giữa hai miền và dọa sẽ có những hành động quân sự với Hàn Quốc vì tình trạng không có tiến triển trong hợp tác song phương và Seoul không ngăn chặn những người đào tẩu thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Nhưng đến ngày 23/6, hãng thông tấn Triều Tiên KNCA đưa tin trong cuộc họp của Quân ủy trung ương, ông Kim chỉ đạo dừng các kế hoạch hành động quân sự với miền nam.
KCNA không nói vì sao ông Kim đưa ra quyết định này. KCNA cũng nói cuộc họp của Quân ủy đã bàn về vấn đề tăng cường “năng lực răn đe chiến tranh” của Triều Tiên.
Sau vài tuần chủ ý gia tăng căng thẳng, có thể Triều Tiên đang dừng lại để tạo dư địa cho Hàn Quốc nhượng bộ, các nhà phân tích nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang muốn Hàn Quốc chấp nhận nhượng bộ đáng kể nào đó, có thể là đồng ý khôi phục hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong hoặc khởi động lại các tour du lịch từ Hàn Quốc đến khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Kim Cương của Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul có thể không làm những điều đó vì vướng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Chính phủ Hàn Quốc chưa phản hồi về việc Triều Tiên dừng hành động quân sự.
Gương mặt đại diện cho chiến dịch gia tăng sức ép của Triều Tiên gần đây là cô Kim Yo Jong, em gái ông Kim và là quan chức phụ trách các vấn đề liên Triều. Đưa ra những tuyên bố gay gắt trên báo chí nhà nước, cô Kim tuyên bố rằng việc phá hủy văn phòng liên lạc sẽ chỉ là bước đi đầu tiên trong hàng loạt hành động đáp trả đối với “kẻ thù” miền nam và cô sẽ để quân đội có những hành động tiếp theo.
Bộ tổng tham mưu quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ đưa quân đến khu vực hợp tác chung của hai miền ở Keasong và đỉnh núi Kim Cương, đồng thời khởi động lại các cuộc tập trận quân sự ở khu vực tiền phương. Những hành động đó đi người các thỏa thuận mà lãnh đạo hai miền đạt được trong hàng loạt hoạt động ngoại giao thân thiện hồi năm 2008.
Gần đây có lo ngại rằng Triều Tiên có thể đưa tàu vượt qua đường phân định trên biển ở phía tây, khu vực từng xảy ra nhiều đụng độ đẫm máu trước đây.
Chỉ trích Hàn Quốc để người đào tẩu thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới, hôm 22/6, Triều Tiên nói sẽ in 12 triệu tờ truyền đơn để thả xuống miền nam.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên thường tăng sức ép lên Hàn Quốc mỗi khi không nhận được điều họ muốn từ Mỹ. Những bước đi gần đây của Bình Nhưỡng được thực hiện sau vài tháng giận dữ với việc Seoul không sẵn sàng gạt sang một bên các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn dắt và tái khởi động những dự án kinh tế liên Triều để hỗ trợ nền kinh tế của Triều Tiên.
Đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington dừng lại sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội đầu năm 2019.