Vì sao trâu vàng được chọn là linh vật?

Tượng trâu nằm trong khuôn viên của đền Fuji Omuro Sengen ở tỉnh Yamanashi, Nhật Bản - Ảnh: Japan Times
Tượng trâu nằm trong khuôn viên của đền Fuji Omuro Sengen ở tỉnh Yamanashi, Nhật Bản - Ảnh: Japan Times
TPO - Trâu là loài vật đứng thứ hai trong danh sách 12 con giáp. Năm Tân Sửu 2021 được dự báo sẽ mang lại nhiều điềm lành như đức tính của loài trâu - một biểu tượng văn hóa đậm nét tại nhiều quốc gia châu Á.

Bà Jupiter Lai, nhà chiêm tinh tại Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, con trâu là tượng trưng cho sự chắc chắn, đức tính trung thành, hiền lành và cần cù. Nhiều nhà chiêm tinh khác còn đánh giá cao phẩm chất tích cực, chăm chỉ và thật thà của loài vật này.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trâu là một trong những loài vật quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia châu Á nói chung. Hãy cùng tìm hiểu dấu ấn của loài trâu trong một số nền văn hóa Á Đông, cũng như một số dự đoán về năm Tân Sửu qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu và báo chí thế giới.

Nhật Bản: Con trâu có mối liên kết khá chặt chẽ với đạo Phật

Với những dấu ấn rõ rệt tại hai miền đất Đông Á trên, theo thời gian, hình ảnh con trâu cũng trở nên quan trọng với văn hóa Nhật Bản. Loài vật gần gũi này được đưa vào thơ ca hay những tác phẩm điêu khắc có tuổi đời từ nhiều thế kỷ trước. Không chỉ trên khía cạnh nghệ thuật, loài trâu còn là một biểu tượng tôn giáo, được thờ cúng và xính mừng trong nhiều dịp lễ. Đó là bởi, với người Nhật, con trâu có mối liên kết khá chặt chẽ với đạo Phật.

Theo ông Mikael Bauer, phó Giáo sư chuyên về tôn giáo Nhật Bản tại Đại học McGill, Canada, hiện thân của con trâu trong Phật giáo Nhật Bản bắt nguồn từ Đạo giáo của Trung Quốc. Bản tính của trâu hiền lành, siêng năng, nhẫn nại, tượng trưng cho "tính thiện", bản chất cơ bản của tất cả chúng sinh với niềm tin rằng bất cứ ai cũng có thể được giác ngộ. Khi một cá nhân nhận ra được tính thiện của mình, cá nhân đó sẽ được giác ngộ.

"Trong Phật giáo Nhật Bản, có thể dễ dàng tìm thấy những tác phẩm khắc họa người chăn trâu - đại diện cho chúng ta - cố gắng điều khiển đàn trâu trên con đường tu hành", ông Bauer cho biết. "Đó cũng chính là con đường giác ngộ của chúng ta – nhận ra rằng bản thân mình có tính thiện."

Có thể hiểu quá trình thuần hóa trâu để nó chịu quy phục theo con người là một quá trình mang tính biểu tượng theo quan niệm Phật giáo. Người tu hành giống như trẻ mục đồng chăn trâu, cố gắng thuần hóa con vật qua đó thu được các giá trị trong tâm tính của mình.

Vì sao trâu vàng được chọn là linh vật? ảnh 1

Bức bích họa tiểu đồng chăn trâu tại Di Hòa Viên, Bắc Kinh, Trung Quốc

Trung Quốc: Con trâu tượng trưng cho sức mạnh nhà nông

Ở Trung Quốc, con trâu tượng trưng cho sức mạnh nhà nông, là biểu tượng cho đất đai màu mỡ và mùa màng bội thu. Tại nhiều vùng nông thôn, người nông dân Trung Quốc có một phong tục chào đón năm mới khá độc đáo, đã được duy trì nhiều thế kỷ. Họ đúc những bức tượng trâu bằng đất rồi đập vỡ chúng để đón mừng mùa vụ mới. Để rồi theo quan niệm, người Trung Quốc cũng tin vào việc đặt một bức tượng trâu xuống lòng sông sẽ ngăn được ngập lụt. Còn trong phong thủy, hình tượng con trâu được coi là có thể đem lại điềm lành và gắn với những điều ước trở thành hiện thực.

Vì sao trâu vàng được chọn là linh vật? ảnh 2

Bức tranh người nông dân cày bừa cùng con trâu được vẽ từ thời đại Joseon (Giai đoạn 1392 - 1897) - Ảnh: Korea Times

Hàn Quốc: Ý niệm tích cực của lòng vị tha, trắc ẩn và trung thàn

Cũng mang những giá trị tốt đẹp, tại Hàn Quốc, con trâu cũng có chỗ đứng vững vàng trong văn hóa, đặc biệt là qua những câu tục ngữ. Hình tượng con trâu được phác họa với những ý niệm tích cực của lòng vị tha, trắc ẩn và trung thành, bởi mối gắn kết lâu dài với con người. Rất nhiều câu chuyện xa xưa kể về các gia đình phải bán trâu làm lộ phí cho con đi học. Con trâu được coi là tài sản giá trị nhất của người nông dân.

Việt Nam: Trâu vàng đã được chọn là linh vật

Với người Việt, con trâu là bạn của nhà nông, là đầu cơ nghiệp. Một tài liệu của Đại học Quốc gia đã ghi nhận, con trâu bắt đầu được thuần phục cách đây 5.000 – 6.000 năm trong buổi sơ khai của nền văn minh lúa nước. Trâu được đưa vào "Kho tàng tục ngữ người Việt" với hơn 100 đơn vị câu trong hơn 16.000 câu. Tục ngữ người Việt nhắc đến trâu với thái độ thân tình mà thấm thía, còn trong ca dao là những câu gửi gắm thiết tha và sâu nặng, như là: "Trâu ơi ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta".

Con trâu là bạn đồng hành của nhà nông, là một chủ thể lao động không thể thiếu. Hình ảnh của trâu len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội. Nếu người làm nông coi con trâu là tài sản vật chất có giá trị khổng lồ thì người có địa vị lại coi trâu như một thước đo của giàu sang, phú quý. Và theo thời gian, con trâu đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước.Con trâu gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam.

Không chỉ trong những câu ca dao tục ngữ, trâu còn góp mình trong nhiều di sản văn hóa khác của dân tộc. Tài liệu của Đại học Quốc gia cũng đề cập, cách đây hơn 3.000 năm, tượng trâu nghệ thuật bằng đất nung từng xuất hiện trong các di chỉ văn hóa Đồng Đậu. Trâu được khắc lên bề mặt trống đồng, có mặt trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ XVII - XVIII. Trâu cũng không thể thiếu trong nhiều hội lễ còn tồn tại đến ngày nay như hội chọi trâu ở Đồ Sơn. Còn ở thời hiện đại, khi Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 2003, Trâu vàng đã được chọn là linh vật. Tại một Đại hội quy mô, đánh dấu nước nhà hòa mình vào dòng chảy thể thao quốc tế, con trâu vẫn thể hiện được tầm vóc vững chãi của mình.

Thịt trâu và chuyện chính trị ở Ấn Độ

Ở Ấn Độ, mổ thịt trâu là ngành kinh doanh lớn. Mặc dù người Hindu tin rằng bò là động vật linh thiêng và việc giết chúng bị cấm trên phần lớn đất nước, Ấn Độ là nước tiêu thụ thịt bò lớn thứ năm và xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai trên thế giới. Một số cộng đồng, đặc biệt là người Hindu ở tầng lớp thấp cùng hàng triệu tín đồ Hồi giáo và Cơ đốc, ăn thịt bò và trâu.

Với việc đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi giành thắng lợi trong tổng tuyển cử vào năm 2014, nhưng nhóm Hindu cứng rắn đang vận động để lệnh cấm giết mổ bao gồm mọi loại gia súc, cả con đực lẫn cái.

“Đây là một quyết định chính trị. Họ muốn lấy lòng người Hindu và gây phiền toái cho tín đồ Hồi giáo. Người nghèo sẽ chịu tác động xấu nhất từ lệnh cấm mổ trâu. Thịt trâu là thực phẩm của người nghèo và là nguồn dưỡng chất của hàng triệu người”, Mohammed Aqil Qureshi, chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Những người kinh doanh trâu tại thị trấn Ghazipur, nói. Khu phức hợp lò mổ nằm tại Ghazipur.

Đối với nhiều người Ấn Độ, lệnh cấm là sự can thiệp vô lý vào đời sống riêng tư của người dân.

“Phải chăng chính phủ muốn quy định những thứ mà chúng tôi có thể và không thể ăn? Chúng tôi đã ăn thịt trâu, bò từ nhiều thế hệ. Lệnh cấm giống như việc bảo người dân rằng họ không thể ăn đường. Nó sẽ không phát huy tác dụng”, Danish Qureshi, một tihương trẻ ở Ghazipur, bình luận.

MỚI - NÓNG