Vì sao tôi rời cơ quan nhà nước?

Vì sao tôi rời cơ quan nhà nước?
TPO - "Tháng đầu tiên với tấm bằng Cao học trở về trường, cầm tiền lương trong tay tôi thực sự muốn khóc nhưng cố gắng kiềm chế. Một mức lương tôi không tưởng tượng được sau 5 năm ra trường: 996.000 VNĐ" - Tâm sự của một giảng viên trẻ vừa "dứt áo"...

>> Công chức rời công sở là điều trăn trở, day dứt...
>> Công chức rời nhiệm sở : Mừng hay lo ?
>> Làn sóng công chức xin nghỉ việc
>> Tăng lương để giữ chân công chức giỏi

Vì sao tôi rời cơ quan nhà nước? ảnh 1
Minh họa của Hân Anh

Tôi đã theo dõi vấn đề này từ lâu, bản thân có nhiều bức xúc nhưng tôi cũng chưa dám mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, một phần vì sợ ảnh hưởng đến công việc, một phần vì tôi chưa có quyết định dứt khoát "ở hay đi".

Nay tôi chỉ muốn nói về trường hợp của bản thân mình, mong rằng những người có trách nhiệm sẽ xem xét để có giải pháp kịp thời. Nếu không, tôi tin rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ ít còn người tài giỏi nào muốn ở lại làm việc cho nhà nước.

Bắt đầu chuỗi ngày công chức tập sự...

Tôi tốt nghiệp loại giỏi một trường ĐH khá uy tín ở TPHCM. Sau nhiều đắn đo, tôi đã quyết định trở về tỉnh nhà công tác, đúng vừa lúc trường Cao đẳng quê tôi có đợt tuyển dụng.

Tôi được tuyển và bắt đầu chuỗi ngày làm công chức nhà nước (CCNN), đó là vào năm 2003. Với một SV mới ra trường, tôi cũng không có nhu cầu hay đòi hỏi gì nhiều nên vẫn vui vẻ chấp nhận đồng lương ít ỏi lúc đó (tôi nhớ là vào khoảng 570.000 đồng).

Tôi may mắn ở cùng cha mẹ nên không phải lo nhiều chuyện cơm áo, nhà cửa và có thể "vô tư" sống với khoản lương eo hẹp này. Học kỳ sau tôi có giờ dạy và được thêm một số khoản phụ cấp, tăng thêm thì lương tôi lên được khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng và ổn định ở mức đó.

Lúc này trong tôi đã bắt đầu có những so đo, tính toán. Tôi không tham tiền, nhưng nhiều khi thấy chạnh lòng khi đi họp lớp, gặp lại bạn bè thấy đứa nào cũng có thu nhập rủng rỉnh, ăn nói hoạt bát vì được làm việc trong môi trường năng động và học được nhiều kỹ năng mà tôi không biết tới.

Tôi thấy mình ngày càng thụt lùi trong khi bạn bè ngày càng tiến bộ. Tôi cũng đã cố gắng làm mới mình, tự học, tự nâng cao nhưng quả thật rất khó. Ở trường tôi, trình độ SV tương đối thấp nên thay vì cố gắng dung nạp kiến thức để ngày càng hoàn thiện, tôi phải loay hoay với việc cắt giảm chương trình, đơn giản hóa kiến thức sao cho SV có thể tiếp thu được.

Điều tích cực duy nhất mà tôi làm được là tham gia lớp học tiếng Anh ở trường, nhưng thực sự điều này cũng không đáng kể so với việc được làm trong một môi trường năng động, được giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh.

Tôi thầm tiếc nuối, day dứt, trăn trở... thấy mình ngày càng thui chột... Rồi tôi quyết tâm xin đi học Cao học, như một cách để trốn chạy và hy vọng. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục tôi cũng được toại nguyện.

Đây là điều duy nhất tôi thấy biết ơn nhà trường về sự ưu ái cho tôi. Nhưng thực sự lúc này tôi đã không còn ý muốn trở về nữa nên đã từ chối nhận trợ cấp của địa phương nhưng vẫn giữ hợp đồng với trường, hy vọng vào một sự thay đổi.

Tôi tự mình xoay sở tiền học, tiền làm luận văn. Một số đồng nghiệp nhận trợ cấp của tỉnh nhưng vẫn phải tự mình lăn lộn kiếm thêm, vừa học vừa làm vì tiền chỉ trợ cấp cho học phí và sách vở rất ít, không có khoản nào cho sinh hoạt phí, không đủ cho chúng tôi sống được ở một thành phố đắt đỏ như TPHCM.

Sau nhiều vất vả cuối cùng tôi cũng học xong Cao học cũng với kết quả đạt loại giỏi và số điểm khá cao. Thành thật mà nói khi ở TPHCM tôi cũng có đi làm thêm những công việc bán thời gian, và chỉ cần làm khoảng 3 giờ/ tuần thì thu nhập cũng đã cao hơn lương ở trường! Nhờ vậy tôi có thể sống và học tốt ở TPHCM.

Ngày tốt nghiệp tôi trăn trở rất nhiều, suy nghĩ nát cả óc khi bạn bè giới thiệu cho những chỗ làm “ngon lành”, lương gấp chục lần mức lương hiện tại ở trường tôi. Nhưng rồi nghe lời gia đình tôi trở về một lần nữa, lần này vui ít buồn nhiều. Giai đoạn sau khi tôi trở về còn lắm điều “đau khổ” hơn khi tôi mới vào trường.

Cú sốc đầu tiên là tôi phải làm lại hợp đồng tập sự 1 năm. Lý do là trong thời gian tôi đi học có đợt xét công chức nhưng tôi đã không nộp đủ hồ sơ, cụ thể ở đây là thiếu bằng B ngoại ngữ nên bây giờ không thể chuyển cho tôi sang ngạch giảng viên được, và phải làm lại từ đầu như một SV mới ra trường!!!

Điều này gây cho tôi khá nhiều bức xúc, dù cho rằng đó là quy định của Nhà nước đi chăng nữa thì tôi thấy chúng ta đã có một cơ chế quá cứng nhắc! (Vấn đề này tôi sẽ đề cập sau). Lúc này tôi thực sự nản lòng, nhưng không biết tại sao mình lại trở về. Một lần nữa tôi phải ký hợp đồng tập sự một năm, hưởng 85% lương (và sẽ duy trì trong suốt 3 năm!!!).

Giờ nghĩ lại chắc không có Cty nào bắt người làm phải “tập sự thử việc” nhiều như tôi, nếu chấp nhận theo quy định này thì sau 3 năm nữa tôi sẽ có…8 năm thử việc!

Sau đó tôi có trực tiếp lên gặp bộ phận nhân sự, nhưng những câu trả lời tôi nhận được không rõ ràng và cuối cùng kết luận lại tất cả là lỗi do tôi. Tôi chỉ có một thắc mắc là nếu lúc đó tôi không đủ tiêu chuẩn vào biên chế thì tại sao không giải quyết cắt hợp đồng với tôi?

Đã vậy tôi còn được “khuyên nhủ” rằng nhà trường giải quyết như thế đã là ưu ái cho tôi lắm rồi. Nghe mà xót cả ruột! Tôi thực sự không hiểu là sau 1 năm đầu thử việc thì sau đó tôi tồn tại ở trường với chức danh là gì nếu không được vào biên chế? Đến nay tôi vẫn không trả lời được!

Sự cố đầu tiên kết thúc với phần thua về tôi, tôi cố gắng chấp nhận nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng làm cho hết hợp đồng chứ không còn muốn gắn bó với nơi đây nữa. Tháng đầu tiên trở về trường, cầm tiền lương trong tay tôi thực sự muốn khóc tại chỗ nhưng cố gắng kiềm chế.

Một mức lương mà tôi không tưởng được sau 5 năm ra trường: 996.000 đồng, so với mức lương năm đầu tiên của tôi thì nó “thảm” hơn nhiều vì lúc này giá cả đã tăng lên chóng mặt! Tôi không biết nếu không có gia đình tôi sẽ xoay sở sao với đồng lương này! Nhiều khi tôi thấy xót xa khi lương của mình không bằng những công nhân thời vụ!

3 tháng sau khi có giờ dạy và được hưởng thêm tiền phụ cấp tiền lương tôi tăng lên được 1,2 - 1,6 triệu đồng tùy tháng có thưởng hay không. Đó là tất cả thu nhập của tôi từ nhà trường.

Nhưng bạn đừng tưởng tôi không có việc gì làm ở trường. Thực tế là dù là GV tập sự nhưng tôi phải dạy hầu hết những môn có liên quan đến ngành của mình vì trường thiếu giáo viên, và giờ nghĩa vụ được tính như một GV chính chức! Tôi không hiểu tại sao quyền lợi là của GV tập sự, mà trách nhiệm thì như GV chính!

Dĩ nhiên là tôi không chấp nhận vấn đề này và đi khiếu nại, cuối cùng thì tôi cũng được trả về vị trí của mình, số giờ chuẩn được giảm đi một nửa! Rồi còn tiền phụ cấp giảng dạy cũng bị tính toán, cắt xén…

Mệt mỏi vì cơ chế...

Tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi suốt ngày cứ phải đi thắc mắc, khiếu nại về tiền lương và trách nhiệm! Tôi lại là người khá thẳng thắn nên những gì không hợp lý tôi đều có ý kiến, nhưng điều này chỉ gây khó khăn cho tôi trong công tác khi liên tục va chạm với người này người kia.

Còn về công tác tuyển dụng và sử dụng con người, không biết các bạn khác có cảm thấy cơ chế của chúng ta quá nặng nề về bằng cấp. Đành rằng khi chưa có cơ sở nào để kiếm chứng năng lực thì bằng cấp là quan trọng, nhưng điều đáng nói là ngay cả khi họ biết rõ khả năng của nhân viên thì họ vẫn cứ vin vào bằng cấp.

Ngày tôi mới phỏng vấn vào trường, sau khi đồng ý nhận tôi thì thầy Hiệu trưởng đã nói với tôi là cần phải học thêm để lấy bằng ngoại ngữ nhé! Tôi hơi bất ngờ vì không thấy ai kiểm tra trình độ ngoại ngữ của tôi. Hóa ra là do tôi đã không chịu nộp bằng B, C tiếng Anh (vì những bằng này tôi đã thi cách đó 7 năm nên tôi thấy ngại khi nộp).

Tôi cứ đinh ninh họ sẽ kiểm tra nếu thấy cần và tôi đủ tự tin vào vốn tiếng Anh của mình. Từ đấy có lẽ trong mắt mọi người tôi là kẻ dốt tiếng Anh, cho đến một ngày kia có một Giáo sư người Nhật sang thăm trường tôi, được thầy Hiệu trưởng dẫn đến văn phòng của tôi và tôi đã đối đáp suôn sẻ với ông.

Chỉ sau khi nghe GS người Nhật khen rằng tôi nói tiếng Anh rất tốt thì tôi mới được nhìn bằng con mắt khác. Sau đó là ở những lớp học tiếng Anh do trường tổ chức tôi luôn đi học đều đặn và luôn đứng nhất nhì. Thế mà một lần nữa tôi bị “đánh bật” ra khỏi biên chế cũng vì thiếu bằng B tiếng Anh! Đây quả thật là điều khó chịu nhất với tôi.

Chắc các bạn cũng từng thấy trong cơ quan có rất nhiều cán bộ bằng B,C vắt đầy túi nhưng giao tiếp không nổi một câu đàng hoàng! Tôi cảm thấy buồn lắm vì phải nói thật rằng từ bé tôi đã rất thích và học rất chăm môn tiếng Anh. Từ cấp 2, cấp 3, lên ĐH và cả CH tôi luôn đứng nhất nhì trường môn tiếng Anh, đã từng là HSG quốc gia và tự tin là mình có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Vậy mà lúc nào cũng gặp trở ngại vì cái bằng B!

Còn lĩnh vực Tin học cũng vậy! Tôi không được khá tin học như ngoại ngữ, nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thiện những gì cần thiết cho công việc của mình. Thế mà mọi người cứ bắt tôi phải cặm cụi ngồi học Word, Excel, Acess… để có bằng B thì thật phi lý.

Tôi đã sử dụng Word nhiều năm nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Còn Excel và Acess tôi thấy không cần thiết cho công việc của mình, chỉ cần biết những cái cơ bản thôi thì tại sao tôi cứ phải cố học, để cuối cùng không ra ngô ra khoai gì mà bỏ đó chừng 3 tháng không sử dụng thì đâu lại hoàn đấy.

Bù vào đó tôi ra sức học sử dụng PowerPoint, học cách khai thác thông tin trên Internet, lân la vào các Forum học các thủ thuật nho nhỏ nhưng rất hữu ích với tôi… Nhưng cuối cùng trong hồ sơ tôi vẫn là “mù ngoại ngữ và mù tin học”.

Điều này thật sự khác biệt khi tôi đi phỏng vấn cho một Cty nước ngoài. Họ không yêu cầu tôi trưng ra bằng cấp gì, tất cả đều do tôi tự khai, tự đánh giá và chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp. Tôi được phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh, được lắng nghe và trao đổi. Tôi thấy mình không có cảm giác đi “xin” và được người ta “cho” việc.

Công tác tuyển dụng cũng có nhiều điều không minh bạch. Nói thẳng là có rất nhiều người không đủ tiêu chuẩn (do Nhà trường đặt ra) nhưng vẫn cứ được vào. Một mặt thì nói với chúng tôi phải tốt nghiệp khá giỏi, chính quy mới được, trong khi thực tế tôi thấy rất nhiều người chỉ học tại chức, xếp loại trung bình cũng được nhận làm giảng viên.

Như thế lời nói và việc làm có nhất quán không? Ở đây tôi không lên án các GV, cũng không muốn đem học vị bằng cấp ra so sánh, nhưng nếu trọng tài hơn bằng cấp thì có thể nhận GV theo đánh giá năng lực, không cần phải hô hào đánh bóng như thế!

Khi được tuyển rồi thì bạn phải đối mặt với nhiều điều khác nữa. Bức xúc nhất là việc đề bạt không khách quan. Chuyện này xảy ra như cơm bữa trong cơ quan tôi, ai cũng biết, ai cũng xì xầm sau lưng nhưng không ai dám nói thẳng ra!

Thử hỏi trong một môi trường như thế làm sao chúng tôi tập trung tâm sức làm việc được. Rồi cả chuyện nhiều người mà ít việc, cán công chức cứ thi nhau ăn sáng, uống cà phê thoải mái, khi có việc thì cứ từ từ mà làm, gấp gáp chi đâu! Thậm chí càng ít việc thì càng ít mắc sai phạm và cứ đều đều nhận danh hiệu Lao động tiên tiến (Tiên tiến nghĩa là không có sai sót chứ không cần phải làm nhiều, làm giỏi)!

Một cơ chế đánh giá quá hình thức! Mấy ngày trước tôi có được lãnh đạo cơ quan nhắn gửi một câu là “Cô A. có năng lực nhưng sao thấy không mặn mà với cơ quan mình, chắc muốn đi hay sao?” Lúc đó tôi chỉ muốn hét lên thật to là “có năng lực hay không thì cũng có gì khác nhau đâu” vì thực tế là mọi người đều bắt đầu từ một mức lương, đủ ngày đủ tháng sẽ tăng lương và cứ như thế đến hết cuộc đời công chức!

Và phải chăng một trong những lý do khiến cho lương cán bộ Nhà nước cứ ì ạch mãi như thế là vì chúng ta dung dưỡng một mạng lưới quá cồng kềnh, đôi khi thừa thãi và ngân sách thì chia đều cho tất cả?

Tôi thực sự thấy buồn cho mẹ tôi, cả đời tận tụy làm công chức nhà nước, đã lên làm lãnh đạo cơ quan mà đến bây giờ, sau hơn 25 năm làm việc chưa bao giờ bà có niềm vui lĩnh được đến 5 triệu đồng/ tháng! Một mức lương mà những bạn trẻ ngày nay dễ dàng có được sau 1 - 2 năm đi làm.

Quyết định ra đi...

Tuy nhiên tất cả những điều này bây giờ không còn quan trọng nữa, tôi xin lỗi vì đã không đủ nhiệt huyết và sự hy sinh để tiếp tục “cống hiến”. Tôi cần một môi trường thông thoáng hơn để thực sự được làm việc và vui sống, không phải suốt ngày “trăn trở” giữa mối lo cơm áo gạo tiền. Rồi tôi còn phải nghĩ đến gia đình, con cái của tôi nữa chứ. Nếu vì sự “hy sinh” của mình mà con cái sẽ thua thiệt rất nhiều so với bạn bè, các bạn nghĩ sao?

Hơn nữa tôi không nghĩ làm việc ngoài nhà nước là không yêu nước. Thậm chí tôi nghĩ nếu tôi được làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn và tạo ra nhiều của cải vật chất hơn cho bản thân và gia đình, chẳng phải là tôi đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống?

Rất may mắn là hiện tại tôi đã được một công ty nước ngoài ngỏ ý nhận vào làm với mức lương gấp nhiều lần mức lương hiện tại và một sự đảm bảo về môi trường làm việc tốt.

Có thể tôi sẽ gặp những khó khăn khác vì không ai cho không tôi cái gì, nhưng tôi chấp nhận điều đó, vất vả cho một cuộc sống sung túc còn hơn là an nhàn trong một cuộc đời chật vật và tẻ nhạt.

Những ý kiến của tôi có phần thực dụng, nhưng đó là thực tế mà chúng ta nên nhìn nhận để có biện pháp khắc phục hơn là cứ trông chờ vào sự hy sinh, cống hiến...

Bản thân họ có thể sống đạm bạc, nhưng sẽ là rất khó khăn nếu phải chứng kiến gia đình, con cái vì mình mà cũng chịu vất vả theo trong khi mình có khả năng tạo dựng cuộc sống tốt hơn!

Nguyễn Thu Anh
Email: gemini.0506@...

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Trung Kiên, Email: ...corp@yahoo.com

Tôi thấy hình ảnh của mình trong câu chuyện của Thu Anh

Không biết có phép nhiệm màu nào mà trong khi tôi đang rất mệt mỏi sau buổi đi làm công ty đầu tiên, tôi lại bừng tỉnh khi đọc bài viết của Thu Anh.

Vâng, tôi thấy chính mình trong câu chuyện của bạn. Và tối nay, khi mà giá xăng đã là 19000đ/l, và câu chuyện của bạn càng thúc đẩy tôi phải từ bỏ nhiệm sở, phải chấm dứt ước mơ đứng trên bục giảng của mình để giành giật miếng cơm manh áo cho mình.

Cũng giống Thu Anh, tôi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng đất Hà Thành, nhưng thay vì muốn đi làm công ty, tôi lại rất yêu nghề thầy giáo. Vâng, tôi rất muốn làm một thầy giáo để truyền thụ những tri thức mới, và đặc biệt là tính hướng thiện cho các em học sinh trong thời buổi rối ren này.

Và trong mắt tôi, nhân cách người thầy mới thật trong sáng làm sao. Tôi đã trở thành một giáo viên của một trường cao đẳng ở Hà Nội. Và cũng như các bạn, tôi thật không thể tưởng tượng được tại sao có một số cơ quan nhà nước lại trì trệ đến như vậy.

Đúng như các bạn nói, khi chưa có một thước đo cụ thể thì bằng cấp chính là thước đo duy nhất, nhưng bằng cấp ấy là thế nào. Ông hiệu trưởng trường tôi luôn hãnh diện vì mình là Tiến sỹ duy nhất của trường, nhưng luận án của ông ấy có sự tham gia xây dựng của tôi và phần lớn giáo viên trong trường, luận án Tiến sỹ quản lý giáo dục mà.

Các bạn nói rất đúng, các quan chức nhà nước thì tìm mọi cách để không bị về hưu, còn người lao động lại tìm mọi cách để có được cái sổ hưu cho xong chuyện. Thế là thế nào???

Nhưng điều mà tôi thất vọng nhất chính là những đồng nghiệp trẻ như tôi. Họ xu nịnh, ôm chân lãnh đạo để leo lên chức nọ, quyền kia. Trong cái môi trường ấy, dù bạn có tốt nghiệp xuất sắc đại học kỹ thuật MIT-Hoa Kỳ thì cũng chẳng bằng anh kỹ sư tại chức.

Tôi vừa viết đơn xin đi làm ở công ty ngoài. Thực lòng cũng rất lưu luyến, nhưng sau khi đọc ý kiến của các bạn tôi chợt thấy mình không phải là ngoại lệ! Cảm ơn bạn Thu Anh rất nhiều.

Một bạn đọc

Chơi điện tử, đọc internet, ... và nhận lương 1,4 triệu đồng

Đọc bài viết này tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ tới hoàn cảnh của mình. Tôi tốt nghiệp đại học chính quy bằng khá của Trường ĐH KHTN HN, về tỉnh nhà được nhận vào làm việc tại một Sở tương đối mạnh của tỉnh (tôi được nhận vào là do hưởng chế độ chính sách con thương binh nặng).

Suốt năm đầu thử việc tôi không được giao công việc chuyên môn chính (trong khi tôi tốt nghiệp đúng chuyên nghành) mà chỉ là chân sai vặt như phô tô tài liệu, đun nước nấu chè, quét nhà, rửa ấm chén, ...

Khi có ý kiến với trưởng phòng thì tôi nhận được lý do là chưa vào đảng nên không được giao nhiệm vụ vì nhiệm vụ đòi hỏi trách nhiệm cao. Tôi thấy chán nản và thất vọng...

Trong công cuộc cải cách hành chính với chế độ "một cửa" tôi được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một của của Sở, như được sổ lồng tôi đã rất nhiệt tình làm việc và không ngừng nghiên cứu tìm hiểu luật và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tưởng mình từ nay sẽ được cống hiến và được vận dụng kiến thức đã học bao nhiêu năm ở trường nhưng ....

Lại một lần nữa khi tỉnh nhà thực hiện tiếp một bước cải cách thủ tục hành chính với "bộ phận một cửa liên thông" một cách nửa vời (chỉ là trên giấy tờ còn thực tế lại không được liên thông lắm) tôi lại vinh dự được cơ quan giao cho trọng trách mà ai cũng muốn tránh này.

Và các bạn biết bây giờ công việc của tôi là thế nào không? Một ngày làm việc khoảng 4-5 tiếng ngồi ngáp, chơi điện tử, đọc internet, ... và cuối tháng nhận lương 1,4 triệu đồng.

Nghĩ mà chua xót không biết là với công việc như thế là mình được nhận lương quá cao hay là mình đang phí hoài thời gian sung sức nhất.

Không biết đến bao giờ môi trường làm việc của công chức nhà nước mới thực sự được cải thiện để đất nước mình mới thực sự sánh vai được với các cường quốc năm châu đây.

Hoàng Văn Minh, Email: ...060777@gmail.com

Tôi đồng ý với quan điểm của bạn Nguyễn Thu Anh. Môi trường làm việc và thu nhập của công chức, viên chức nhà nước hiện nay đang là cả một vấn đề lớn.

Đúng như bạn tâm sự, việc làm tại môi trường nhà nước ở không ít nơi đang tồn tại cái cơ chế kiểu như vậy. Bắt đầu từ thời gian tập sự, học việc cho đến khi được xét hết thời gian tập sự là khoảng thời gian rất dài, thông thường là khoảng từ 2 - 3 năm.

Trong quãng thời gian đó, công chức còn chịu bao áp lực phấn đấu, kèn cựa của những người đồng nghiệp, cũ có, mới cũng có. Đó cũng chính là một lý do mà nhiều thủ khoa hiện nay ra trường dù đã có nhiều lời mời và hứa hẹn của các cơ quan nhà nước nhưng họ vẫn không chịu về làm việc cho các cơ quan nhà nước.

Còn riêng về thu nhập thi khỏi phải nói nhiều, hoàn cảnh của bạn Thu Anh cũng giống đại đa số các công chức trẻ khác, sau thời gian dài đầu tư công sức, tiền của, trí tuệ cho học hành nhưng khi ra trường họ nhận được đồng lương chưa đủ để trang trải cuộc sống của họ nhất là khi họ phải sống và làm việc ở những thành phố lớn nơi mà cơn bão giá đang hoành hành như hiện nay.

Tôi cũng làm việc trong một trường cao đẳng, tại trường tôi cũng đã từng có rất nhiều trường hợp giống như bạn Thu Anh. Thậm chí có trường hợp đang có điều kiện phấn đấu vươn lên, sắp chuẩn bị được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo nhưng họ vẫn thi tuyển vào một ngân hàng ở cùng địa phương và trúng tuyển, ngay lập tức mức lương cho người này được hưởng đã gấp bốn lần so với khi còn là viên chức.

Năm qua trường chúng tôi cũng đã có tới 3 trường hợp đã bỏ trường, bỏ nghề để làm việc cho các Cty nơi họ thấy phù hợp hơn. Vấn đề đặt ra đối với Nhà nước ta hiện nay là làm thế nào để tạo ra một cơ chế vừa thu hút vừa giữ chân được người tài.

Tôi hiểu đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được ngay. Ngân sách nhà nước thì có hạn, cơ chế cũ đã tồn tại nhiều năm, tư duy cũ vẫn còn tồn tại thì khó có thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng nếu bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ thì vẫn còn chưa muộn.

Van Vu, Email: tinhtrongmua@gmail.com

Sau khi đọc bài viết của bạn Thu Anh tôi thấy hoàn cảnh mình cũng khá giống với bạn và tôi đang suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình.

Tốt nghiệp đại học ra trường với tấm bằng kỹ sư trong tay, đang loay hoay nộp hồ sơ xin việc thì được người quen mách bảo tỉnh nhà đang có đợt thi tuyển Công chức và tôi đã nộp hồ sơ thi tuyển.

Ngay từ ngày đầu nộp hồ sơ tôi đã gặp phải sự cản trở mà mình không ngờ tới "sau này vào cơ quan rồi tôi mới biết chỉ tiêu tôi dự thi là dành cho con em một người nào đó".

Lúc đó thực sự tôi cũng nản nhưng gia đình đã động viên tôi và tôi đã dự thi. Tháng 1/2005 tôi được tuyển dụng và bắt đầu một năm tập sự được hưởng 85% lương khoảng hơn 500 nghìn đồng đồng. Bây giờ sau gần 4 năm công tác lương của tôi được khoảng 1,2 triệu, gặp bạn bè với mức lương mà họ lĩnh hàng tháng thì quả thật mình vô cùng buồn, nhưng điều đáng buồn hơn với tôi là "tôi ngày càng bị tụt lùi so với những người bạn của mình".

Tôi là một người thẳng tính nên cảm thấy mình khó hợp với một công chức Nhà nước " nơi mà thường xảy ra tình trạng a dua xu nịnh" như ở cơ quan tôi là một điển hình với những người mà thở ra là "sếp nói chỉ có đúng, ở gần sếp em thấy sáng ra... ", những người như vậy mới được sếp tin dùng mặc dù chẳng biết khả năng thực sự của họ ra sao.

Hiện nay tôi đang suy nghĩ nên ra đi tìm một công việc khác hay tiếp tục công tác, các bạn hãy cho tôi một lời khuyên nhé.

Lương Ngân, Email: lungatb@yahoo.com

Đọc bài viết của bạn tôi công nhận bạn đã có những nhận xét giống tôi. Bạn thực sự có nhiệt huyết, sống trung thực và nếu ai biết sử dụng những người như bạn và như tôi đây chắc chắn sẽ không bao giờ phải ân hận.

Là một công chức lão thành, cả một đời công tác tôi chưa hề thấy sở tôi  dùng đến ngoại ngữ, nhưng khi tuyển dụng, người ta cứ đòi hỏi bằng ngoại ngữ, thi chuyển ngạch cũng đòi bằng ngoại ngữ. Mặc dù vậy có những người một chữ ngoại ngữ không biết vẫn cứ thi trót lọt như thường. Đó là một điều kỳ lạ. Còn nếu thi tin học và ngoại ngữ thì các sếp trượt đầu nước là cái chắc.

Trong cái cơ chế cứng nhắc ở cơ quan của bạn và tôi, những người bị đánh giá là "có thừa năng lực" như bạn, như tôi và như nhiều người khác thì chỉ có thể đứng ngoài mà kêu thôi.

Bạn cứ ngắm kỹ mà xem. Tôi biết một số người được cơ quan trọng dụng hiện nay có phải họ giỏi chuyên môn như bạn đâu, thậm chí đạo đức, nhân cách có khi còn kém bạn, và họ thường có một nét đức tính chung là vô cảm đối với cấp dưới, việc đâu biết đó, nhưng họ biết vo tròn những điều méo mó, biết im lặng khi nhìn thấy tiêu cực, biết khuyếch trương đến mức ba hoa trước một sự kiện do cấp trên đề xướng...

Thậm chí khi vợ sếp ốm, họ còn biết ngồi chầu chực để sắc thuốc, mặc dù bà mẹ già của họ ở quê có ốm thì họ tặc lưỡi: Chà , đã có cô em ở nhà. Liệu bạn có thể làm được những điều như thế không? Đó, cái mà bạn thiếu là chỗ đó.

Hãy yên tâm đi theo mục đích của mình. Chúc bạn thành công !

Nguyễn Hoàng

Công chức bỏ nhiệm sở để làm ngoài là chuyện bình thường đối với một xã hội đang có nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Tôi nghĩ đó là những con người dũng cảm có năng lực thực sự, đừng nghĩ họ chỉ vì tiền, chính họ mới là người đóng góp nhiều vào sự phát triển của xã hội.

Nhưng ngược lại với dòng người giỏi giang, có ý chí làm giàu bằng chính năng lực thực thụ muốn đi tìm một môi trường làm việc phù hợp và quan trọng hơn là sự minh bạch, công bằng trong sử dụng sức lao động đó thì lại có không ít người đang tìm mọi cách để vào được một vị trí trong "Biên chế " của Nhà nước với mức lương khiêm tốn.

Tại sao vậy? Họ có sống được bằng đồng lương đó hay không? Để trả lời hãy nhìn vào thực tế: họ muốn trước mắt là sự ổn định sau đó tìm cách phát triển lên vị trí cao hơn có quyền chức lớn hơn, từ đó sự giàu có sẽ đến.

Ít có ông thủ trưởng cơ quan Nhà nước nào nghèo; lương của họ bao nhiêu mà họ vẫn mua được nhà ở Hà Nội, thậm chí nhiều nhà là đằng khác. Sự vô lý là có một số công chức Nhà nước lương thấp nhưng họ vẫn sống giàu có. Tiền đâu ra? một là bằng cách chân ngoài dài hơn chân trong; hai là hưởng lợi từ quà cáp biếu xén do sử dụng chức quyền vào công tác; ba là tham ô từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Có một sự đối lập ở đội ngũ "Biên chế" là: công nhân, viên chức Nhà nước công tác ở các đơn vị sản xuất, ở các cơ sở sự nghiệp chỉ mong đủ thời gian để nghỉ hưu, còn công chức Nhà nước công tác ở cơ quan hành chính thì không muốn về nghỉ hưu, viện đủ lý do để kéo dài nhằm hưởng lợi từ chức quyền và ngân sách Nhà nước.

Hãy xem những người này làm việc mới thấy sự phí phạm về cơ sở vật chất, thời gian, tiền bạc: Phòng điều hòa nhiệt độ, mỗi người một máy tính cá nhân chủ yếu để chơi trò bắn bi và xếp bài túlơkhơ; giải quyết công việc vòng vèo, né tránh..v.v.và vv.

Tôi 30 năm làm công chức Nhà nước lương hiện tại 4 triệu đồng, nuôi 2 con đang đi học vẫn phải ở tập thể, không biết đến bao giờ mua được " nhà giá rẻ" ở Hà Nội, thật bất công.

Đi hay ở cũng đã nhiều lần toan tính nhưng chưa đủ quyết tâm và hơn nữa sợ không còn đủ thời gian để làm lại. Giờ đây cái tôi muốn là công chức Nhà nước cần được đãi ngộ đủ nhu cầu để họ cống hiến và làm đúng chức trách theo vị trí đứng trong xã hội.

Giảm biên chế là việc làm trước tiên, việc này phải tiến hành quyết liệt ở từ cấp vĩ mô để làm gương cho cấp dưới. Chọn người vào công chức Nhà nước cần phải thay đổi phương pháp và tiêu chí, không thể tất cả dựa vào tấm bằng mà phải bằng năng lực thực sự.

Hãy xây dựng môi trường làm việc trong lành, cởi mở trong các cơ quan Nhà nước. Cần xây dựng được thước đo năng lực của cán bộ công chức để làm cơ sở đánh giá và cất nhắc, đề bạt. 

Hoàng Phương, Email: ...gemba@gmail.com

Cần có chính sách cán bộ hợp lý

Đọc bài viết trên tôi rất đồng tình với tác giả. Nhà nước ta cần có chính sách cụ thể và thiết thực hơn để cho những người tâm huyết được cống hiến, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ hợp lý.

Trong Nghị quyết của Đảng ta cũng nêu rất rõ đó là "Giải quyết hài hoà các lợi ích" vậy sao chúng ta không thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng, ngày nay không chỉ hô hào cống hiến, mà phải quan tâm đến cả phần được đãi ngộ của người lao động nữa...

Phạm Văn Miền, Email: mienhuetd@yahoo.com.vn

Xin được sẻ chia

Đọc xong bài tôi lại thấy buồn hơn trong nỗi buồn mà bấy lâu nay đang phải chịu đựng. Tôi là giáo viên dạy ở vùng nông thôn mà hiện nay còn phải quá chật vật với với cuộc sống. Buồn nhất là nhiều khi rất nhiều giáo viên thiếu động lực trong công việc cũng chỉ vì đồng lương.

Quang Vũ, Email: quangvh@gmail.com

Tôi cảm thấy thấm thía với bài này

Đọc xong bài viết của chị Thu Anh, tôi nhận thấy những điều chị ấy viết rất đúng, rất thông cảm với chị. Có lẽ khuôn khổ bài báo có hạn nên chị ấy không viết nhiều hơn.

Thực sự, ngoài những điều chị kể, còn có vô vàn điều khó chịu xảy ra ở một bộ phận cơ quan nhà nước làm cho những người trẻ có nhiệt huyết, có khả năng bị thui chột hoặc môi trường làm việc quá ngột ngạt họ chịu không nổi dứt áo ra đi, đôi lúc còn xảy ra xung đột gia đình vì việc nghỉ việc (do các cụ ở nhà nghĩ là con cái hư hỏng?!).

Thực ra, lương thấp không phải là lý do chính khiến người ta bỏ cơ quan ra làm ngoài.

Lê Anh

Bạn hoàn toàn không hề thực dụng !

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn Nguyễn Thu Anh tác giả bài viết trên. Theo tôi nghĩ bạn hoàn toàn không hề thực dụng mà phải nói là rất thực tế, rất phù hợp với thời buổi bây giờ.

Gần đây đọc các bài viết của nhiều tác giả về vấn đề công chức dời bỏ nhiệm sở tôi thực sự thấy rất là xót xa. Vì sao tôi nói vậy? Rất đơn giản vì lý  do mà những người rời bỏ nhiệm sở, rời bỏ cái mác "Cán bộ nhà nước" ấy đưa ra là do đồng lương không thể sống được, rằng đồng lương quá eo hẹp...

Hôm vừa rồi tôi đọc một bài viết trên Tiền phong Online nói một vấn đề ở Hàn Quốc, đó là vấn đề về việc thi tuyển công chức ở đó diễn ra theo tỉ lệ 1 chọi 80, tại sao người dân HQ lại thích làm công chức nhà nước vì làm công việc đó thu nhập tương đối, thưởng không thấp, công việc ổn định... Vậy ở nước ta thì như thế nào?

Tôi mới 25 tuổi, tốt nghiệp ĐH được hai năm, cũng ngần ấy thời gian làm ở một cơ quan ở nhà nước vậy mà sau hai năm đi làm đồng lương của tôi được bao nhiêu, thưa rằng chỉ được 800.000đ, với số tiền đó thì tôi sẽ làm được gì trong thời buổi bão giá như thế này?

Tôi cũng giống như những người đã từ bỏ nhiệm sở khác tôi phải nghĩ đến bản thân mình và gia đình mình, không phải là tôi không muốn cống hiến nhưng tôi muốn có một cuộc sống ổn định trước đã.

Tôi nghĩ rằng tình trạng này không được nhìn nhận một cách đúng đắn và có biện pháp kịp thời thì chỉ còn mấy vị "con ông cháu cha" muốn làm công sở mà thôi. Buồn thay cho thực trạng này...

Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.