Vì sao sản phụ ăn đủ loại vẫn không có sữa?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Hiểu không đúng về việc ít sữa hoặc không có sữa ở sản phụ khiến nhiều trường hợp dù ăn gì cũng không khắc phục được tình thế, thậm chí còn khiến tình trạng thêm trầm trọng.

Theo Đông y, sau sinh sữa rất ít hoặc không có chút sữa nào gọi là thiếu sữa, cũng gọi là sữa không xuống. Nhưng cũng có trường hợp vì không cho bú đúng buổi hoặc không nghỉ ngơi cho đúng mức, cũng có thể làm cho thiếu sữa, loại này không phải là trạng thái bệnh, chỉ cần chú ý nghỉ ngơi và cho bú đúng buổi thì sữa tự nhiên đầy đủ.

Cụ thể về việc ít sữa hoặc mất sữa ở sản phụ xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất do khí huyết hư nhược. Bệnh này do sản phụ vốn ốm yếu, thiếu máu hoặc lúc đẻ mất máu quá nhiều dẫn đến không có sữa.

Biểu hiện của sản phụ mắc chứng khí huyết hư nhược: vú không thấy căng đau, sắc mặt xanh nhợt hoặc sạm vàng, khô da, thân thể gầy yếu, chân tay mỏi, móng tay trắng bệch, váng đầu, tim đập nhanh, hơi ngắn, khó thở, ăn uống kém. Nặng thì đổ mồ hôi, đại tiện phân lỏng, huyết hôi ra rất ít, đái rắt, lưỡi nhợt nhạt, kém sắc.

Cách điều trị tốt nhất là cho sản phụ bị khí huyết hư nhược là ăn những món bổ dưỡng, bổ máu như: móng giò hầm long nhãn, gân móng giò hầm thịt quả hạch đào, gà mái già hấp hoàng kì... Tuy nhiên việc bồi bổ phải theo trình tự dần dần, không thể bồi bổ quá mức. Bên cạnh đó kết hợp rửa vú bằng nước hành hoa giúp lưu thông đường sữa.

Nguyên nhân thứ hai khiến sản phụ ít sữa hoặc không có sữa đó là do can uất khí trệ, nói cách khác đó là việc ức chế về thần kinh, hao tổn tinh thần. Sau khi sinh, sản phụ thường bị sang chấn tinh thần, giận dữ, bực tức khiến máu không lưu thông, dẫn đến tắc sữa.  

Triệu chứng thường gặp là vú căng đầy mà đau, nặng thì có khi phát sốt, sắc mặt hơi vàng, tinh thần bực tức, phiền toái, ngực sườn đầy tức, ăn uống sút kém, đại tiện táo, huyết hôi lúc nhiều lúc ít. Lưỡi kết thành từng mảng dầy có màu vàng hoặc trắng.

Với những sản phụ có chứng bệnh này tốt nhất là uống nước sắc các vị cam thảo, bạc hà, bạch truật, bạch linh, sài hồ, đương qui, trần bì, sinh khương, mộc thông, thông thảo để giải uất, bổ tỳ, lợi sữa, kích tiết sữa.

Ngoài ra, trong dân gian lưu truyền một số phương cách chữa mất sữa, ít sữa đặc biệt hiệu nghiệm. Dùng rau mùi để chữa chứng không có sữa. Lấy một nắm to rau mùi, sao qua, cho nước săm sắp, đun đến khi còn một bát lấy ra uống. Có thể thay lá rau mùi bằng một nắm hạt mùi khô (khoảng 10g). Sau khi uống nước trên thì nấu cháo chân giò lợn với gạo nếp ăn sẽ mau có sữa.

Để chữa ít sữa, có thể áp dụng 1 trong 4 cách sau:

Cách 1: Hạt mít 200-250g, thịt lợn nạc 100-150g, vừng 100-150g, nấu cháo với gạo nếp ăn hằng ngày.

Cách 2: Chân chó vàng 2 chiếc (hoặc móng giò lợn 1 chiếc, chân lợn đen càng tốt) cạo sạch lông, rửa sạch, gạo nếp một bát, thông thảo 4g. Cả 3 thứ cho vào nồi nấu cháo. Mỗi ngày ăn một lần, ăn liền trong 3 ngày. Sau đó lấy lược thưa chải xuôi từ cuống vú ra đầu vú khoảng 100 lần. Chải xong nhờ người mút thật mạnh hai bên đầu vú để sữa thông.

Cách 3: Tôm tươi bóc vỏ độ nửa bát, giã nát như giã chả, hòa vào một chén rượu nếp và chút muối cho vừa miệng, đem hấp trong nồi cơm cho chín để ăn với cơm.  Ăn liền trong 3-5 ngày càng có nhiều sữa.

Cách 4: Nấu cháo gạo nếp với vừng, ăn hằng ngày. Nếu có móng giò lợn hoặc chân chó cho vào nấu cùng càng tốt.

MỚI - NÓNG